Cuối tháng 3 này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có chuyến công du châu Âu. Ông Tập Cận Bình tham dự cuộc gặp cấp cao thường kỳ giữa EU và Trung Quốc, sau đó tới thăm Italy và Pháp. Không loại trừ khả năng ông Tập Cận Bình sang luôn Mỹ gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Ở châu Âu vào dịp ấy, chuyện được để ý quan tâm đến nhiều nhất là Trung Quốc và Italy dự định ký kết bản tuyên bố ý định về việc Italy tham gia dự án Vành đai và con đường (BRI) của Trung Quốc.
Dịp quốc hội Trung Quốc họp thường kỳ vừa qua, phía Trung Quốc cho biết trong năm 2018 đã có thêm 67 quốc gia trên thế giới tham gia BRI, nâng tổng số các quốc gia trên thế giới đăng ký tham gia BRI lên 152.
Con số này thật ấn tượng bởi từ cổ chí kim chưa có dự án hợp tác nào của một quốc gia nhận về được sự tham gia của đông đảo đến như vậy các quốc gia trên thế giới. Nhưng sự tham gia của Italy vào BRI lại không đơn thuần chỉ giúp cho con số kia tăng lên thành 153, kể cả khi Italy không phải là thành viên đầu tiên và duy nhất của EU và NATO tham gia BRI của Trung Quốc.
Bản đồ minh họa sáng kiến Vành đai và con đường của Trung Quốc. Italy là thành viên quan trọng của EU, G7 tham gia vào sáng kiến này. Ảnh: Reuters
Một bản đồ minh họa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có chữ ký Vành đai và Sáng kiến Đường. Italy sẽ trở thành thành viên EU sáng lập đầu tiên và là quốc gia G7 đầu tiên đăng ký kế hoạch. Ảnh: Reuters
Kẻ tự thân vận động - Người chủ trương đánh tỉa
Italy là thành viên đầu tiên của nhóm G7 - nhóm được gọi là tập hợp của những nền công nghiệp phát triển nhất trên thế giới - tham gia BRI. EU, Mỹ, Đức, Anh, Pháp, Nhật Bản và một vài thành viên nữa của EU không chỉ không tham gia BRI mà còn tìm mọi cách để ngăn cản Italy tham gia BRI.
Họ gây và gia tăng áp lực mạnh mẽ đối với chính phủ hiện tại ở Italy, cả công khai lẫn kín đáo. Nhưng xem ra, chính phủ Italy đã bất chấp họ và quyết tâm thoả thuận với Trung Quốc về việc tham gia BRI.
Đối với Trung Quốc, sự tham gia của Italy vào BRI là một thành quả và thắng lợi lớn với ý nghĩa rất quan trọng về mọi phương diện, đặc biệt trong bối cảnh tình hình hiện tại ở quan hệ giữa Trung Quốc với Mỹ, EU và nhiều thành viên EU cũng như với Nhật Bản và Canada.
Trung Quốc bị cạnh tranh chiến lược quyết liệt, bị Mỹ xung khắc thương mại và doanh nghiệp của Trung Quốc bị gây khó dễ khi tiếp cận các thị trường này.
Dự án BRI của Trung Quốc luôn bị các đối tác này coi là cái "bẫy nợ" đối với các nước tham gia và chỉ phục vụ cho những mưu tính quyền lực và ảnh hưởng chính trị cũng như kinh tế thế giới của Trung Quốc.
Sự tham gia của Italy vào BRI giúp Trung Quốc có bằng chứng để thuyết phục thêm nhiều nước khác nữa tham gia BRI, là cách giúp Trung Quốc phân hoá nội bộ phe cánh hiện chống đối và cản phá BRI, làm cho đội ngũ này cứ rạn vỡ dần để Trung Quốc tiếp tục phương thức "đánh tỉa và đánh lẻ".
Italy cho thấy Trung Quốc đang thành công và phe cánh kia đang thất bại chứ không phải ngược lại. Sự tham gia của Italy làm tăng thế của Trung Quốc trong xử lý quan hệ nói chung với các đối tác kia và mở ra triển vọng mới cho BRI ở châu Âu.
Đối với Italy, quyết định tham gia BRI của Trung Quốc là bước ngoặt rất quan trọng trong chính sách đối ngoại và kinh tế đối ngoại.
Nó cho thấy chính phủ nước này hiện không vì mối quan hệ chính trị thân thiện truyền thống với Mỹ và vì sự thống nhất trong nội bộ EU mà bỏ qua những lợi ích thiết thực mới có thể có được và lại còn đang rất cần thiết đối với Italy trong quan hệ hợp tác với Trung Quốc.
Italy cần vốn đầu tư để phát triển kinh tế, cần thị trường tiêu thụ mới - đều là những nhu cầu mà hiện Mỹ và EU đều không thể đáp ứng được hoặc chỉ sẵn sàng đáp ứng khi Italy tuân thủ những điều kiện tiên quyết ngặt nghèo mà vì lý do đối nội chính phủ Italy không thể đáp ứng được.
EU và cả chính phủ Trung Quốc kiểm soát rất chặt hoạt động đầu tư của giới kinh tế tư nhân Trung Quốc vào thị trường châu Âu. Nhưng một khi Italy tham gia BRI thì không những EU không còn cản trở được nữa mà chính phủ Trung Quốc thậm chí còn khuyến khích giới kinh tế tư nhân của Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư trực tiếp vào Italy.
Trong chừng mực này có thể nói chính Mỹ và EU đã đẩy Italy vào tình cảnh buộc phải tự thân vận động để thoát khỏi khó khăn, do vậy đi vào tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư với Trung Quốc cả ở ngoài cũng như trong khuôn khổ tham gia BRI.
Trong tháng 4 tới, Trung Quốc tổ chức hội nghị cấp cao lần thứ 2 về BRI. Sự tham gia của Italy làm cho sự kiện này chưa diễn ra đã thành công.
Tiêu đề do tòa soạn đặt lại.