Ngày 3/12, Công ty VinCommerce, Công ty VinEco của Vingroup sáp nhập với Công ty Hàng tiêu dùng Masan trực thuộc Masan Group do ông Nguyễn Đăng Quang làm chủ tich. Cái bắt tay này nhằm tạo ra một tập đoàn tiêu dùng và bán lẻ hàng đầu Việt Nam.
Tưởng rằng những thông tin trên sẽ là tín hiệu tích cực đẩy giá cổ phiếu của Masan - mã MSN "nóng" hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, trái ngược với dự đoán, MSN có nhiều phiên giảm điểm liên tục. Tính tời thời điển hiện tại, MSN đã có 5 phiên giảm điểm và 1 phiên tăng điểm, tổng cộng cổ phiếu này đã mất 12.900 đồng/cổ phiếu, tức vốn hóa Masan "bay hơi" xấp xỉ 15.200 tỷ đồng.
Điều này đã khiến cho khối tài sản trên sàn chứng khoán của ông Quang cũng giảm mạnh.
Hiện tại, theo danh sách cập nhật đến ngày 11/12 của Forbes, tài sản của ông Quang hiện chỉ ở mức 974,5 triệu USD, giảm 325,5 triệu USD so với thời điểm tháng 3/2019, khi ông lần đầu tiên được công nhận là tỷ phú đôla. Cùng với đó, thứ hạng của ông Quang cũng sụt giảm mạnh, từ vị trí 1.717 tụt xuống vị trí 2.155.
Hiện tại, danh sách tỷ phú đôla của Forbes công bố còn xuất hiện 4 đại diện đến từ Việt Nam bao gồm: Ông Phạm Nhật Vượng, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, ông Hồ Hùng Anh và ông Trần Bá Dương và gia đình.
Theo giới thiệu của Forbes, ông Nguyễn Đăng Quang là một doanh nhân thành công tại thị trường Nga và Đông Âu những năm 1980, sau chiến tranh Việt Nam. Những năm 1990, ông trở về Việt Nam và làm việc cho Viện hàn lâm Khoa học của Việt Nam trước khi gia nhập vào khu vực kinh tế tư nhân.
Ông đầu tư vào ngân hàng thương mại Techcombank vào năm 1993 và sau đó thành lập Tập đoàn Masan với đối tác kinh doanh là ông Hồ Hùng Anh. Trong khi ông Hồ Hùng Anh là chủ tịch của Techcombank, phụ trách ngân hàng thì doanh nhân họ Nguyễn tập trung xây dựng Masan Group và hiện là chủ tịch của Masan Group.
Masan Group sở hữu một loạt các doanh nghiệp tiêu dùng và sản phẩm thực phẩm, từ thức ăn chăn nuôi đến chế biến thực phẩm.