Công ty "thịt mát" của Masan sắp lên sàn chứng khoán, định giá 1,1 tỷ USD

Hà My |

Trong nửa đầu năm 2019, Masan MeatLife đạt doanh thu hơn 6.700 tỷ đồng và lãi trước thuế 319 tỷ đồng. Mục tiêu của công ty trong 3 năm tới là doanh thu 1,5 tỷ USD, lợi nhuận tối thiểu 200 triệu USD.

Theo thông tin từ Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội, ngày 9/12 tới đây cổ phiếu MML của CTCP Masan MeatLife sẽ lên sàn UPCoM với giá tham chiếu 80.000 đồng/cổ phiếu. Masan MeatLife có 324,33 triệu cổ phiếu và như vậy, định giá của doanh nghiệp này khi lên sàn là gần 26.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 1,1 tỷ USD.

Masan MeatLife được thành lập từ tháng 10/2011 với số vốn điều lệ là 10 triệu đồng và tên gọi ban đầu là Công ty Hoa Kim Ngân. Năm 2014, công ty được tăng vốn điều lệ lên hơn 2 tỷ đồng và có tên là Công ty TNHH Sam Kim.

Sau đó, công ty liên tục thâu tóm các doanh nghiệp khác. Tháng 7/2014 nhận chuyển nhượng 70% cổ phần trong CTCP Dinh dưỡng nông nghiệp quốc tế (ANCO).

Cuối năm 2014, công ty nhận chuyển nhượng 99,99% vốn góp trong công ty Shika, một công ty có các công ty con đang sở hữu 40% cổ phần tại Proconco và sang tháng 3/2015 tiếp tục mua toàn bộ phần vốn góp trong công ty Kenji, một công ty đang sở hữu 13,06% cổ phần Proconco để nâng sở hữu tại đây lên 53,06%.

Tháng 7/2015, Công ty trở thành công ty con của Tập đoàn Masan và được đổi tên thành Masan Nutri-Science. Thương vụ này biến Masan trở thành một trong những công ty thức ăn chăn nuôi lớn nhất Việt Nam.

Năm 2015 và 2016, Masan Nutri-Science tăng sở hữu tại Proconco lên 75,15% và sở hữu tại ANCO lên 99,99%. Đồng thời, thông qua ANCO, Masan cũng sở hữu 24,94% CTCP Việt Nam Kỹ nghệ Súc Sản (Vissan).

Tháng 5/2017, công ty được VN Consumer Meat II Pte Ltd đầu tư 150 triệu USD để sở hữu 7,5% cổ phần. Giá phát hành khi đó là gần 210.000 đồng/cổ phần. Như vậy, từ 2 năm trước Masan MeatLife đã được định giá lên tới 2 tỷ USD.

Năm 2018, Masan khởi công xây dựng Dự án Tổ hợp chế biến thịt tại Hà Nam nhằm cung cấp thịt mát (fresh chilled meat) đến người tiêu dùng. Chỉ sau 10 tháng, nhà máy này đã chính thức đi vào hoạt đông.

Giữa năm 2019, công ty đổi tên thành Masan MeatLife và tăng vốn điều lệ lên 3.243 tỷ đồng. Trong cơ cấu cổ đông của Masan MeatLife hiện nay, Tập đoàn Masan sở hữu 84% vốn, Công ty TNHH Tầm nhìn Masan nắm 8,4% và VN Consumer Meat II Pte Ltd nắm 7,6%.

Công ty thịt mát của Masan sắp lên sàn chứng khoán, định giá 1,1 tỷ USD - Ảnh 1.

Thời điểm hiện tại, Masan MeatLife có 16 công ty con và 4 công ty liên kết. Công ty hiện có 10 nhà máy với công suất 3 triệu tấn/năm, hệ thống phân phối hơn 4.500 đại lý, có trang trại chăn nuôi lợn công nghệ cao tại Nghệ An đã vận hành giai đoạn 1 và đang triển khai xây dựng giai đoạn 2 với tổng công suất dự kiến 230 ngàn con lợn thịt/năm.

Tổ hợp chế biến thịt mát theo tiêu chuẩn ở Hà Nam có công suất thiết kế 1,4 triệu con/năm tương đương 140 ngàn tấn thịt.

Số liệu của Masan cho biết, trong năm 2017, doanh thu hợp nhất cả công ty là gần 18.700 tỷ đồng, lãi trước thuế 956 tỷ đồng.

Sang năm 2018, doanh thu giảm 25% xuống dưới 14.000 tỷ đồng và lợi nhuận giảm 65% xuống 336 tỷ đồng. Masan cho biết, doanh thu năm này giảm do hộ chăn nuôi heo tái đàn chậm hơn dự kiến, từ đó ảnh hưởng đến sản lượng thức ăn gia súc bán ra.

6 tháng đầu năm 2019, Masan MeatLife đạt doanh thu hơn 6.700 tỷ đồng và lợi nhuận là 319 tỷ đồng.

Công ty thịt mát của Masan sắp lên sàn chứng khoán, định giá 1,1 tỷ USD - Ảnh 2.

Trong vài năm qua, thị trường thịt heo ở Việt Nam đã liên tiếp gặp sóng gió, điển hình là giai đoạn 2016-2017 khi nhu càu thịt heo của Trung Quốc giảm mạnh khiến giá thịt heo trong nước có thời điểm giảm còn 22.000 đồng/kg, ảnh hưởng đến cả thị trường thức ăn chăn nuôi.

Sang năm 2018, khi nguồn cung sụt giảm do các hộ chăn nuôi giảm số lượng lợn nái hoặc treo chuồng, giá thịt heo hồi phục trở lại thì gặp dịch tả heo Châu Phi. Đến thời điểm tháng 5/2019, cả nước có 55 tỉnh thành có dịch, dẫn đến tình trạng Việt Nam phải nhập khẩu thịt heo trong nửa đàu năm 2019.

Mặc dù có nhiều biến cố, nhưng Masan vẫn tin tăng thị trường thịt heo là mảnh đất màu mỡ cho các doanh nghiệp.

Theo thống kê, tổng lượng tiêu thụ của Việt Nam lên đến 10,2 tỷ USD mỗi năm mà trong đó trên 99% là các sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ và không rõ ràng về an toàn thực phẩm. Trong đó, hơn 95% thịt heo được cung cấp tại các chợ truyền thống, nơi mà điều kiện bảo quản không đạt tiêu chuẩn.

Masan nhận định, trong bối cảnh thu nhập bình quân ngày càng tăng, khách hàng đang dần chuyển sang tiêu thụ các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, không chất bảo quản, với hơn 88% khách hàng được khảo sát cho thấy họ sẵn sàng trả mức giá cao để có được sản phẩm thịt đảm bảo an toàn thực phẩm.

Ngoài ra, xu hướng hiện đại hóa cũng đang dần thay đổi lối sống người tiêu dùng, khách hàng chú trọng sự tiện lợi, quan tâm nhiều hơn đến các sản phẩm thịt đã qua chế biến và sẵn sàng sử dụng.

Mục tiêu của Masan MeatLife là trở thành thương hiệu thịt tiêu dùng đóng gói số 1 trên thị trường Việt Nam, với 10% thị phần vào năm 2022. Công ty dự kiến doanh thu năm 2022 đạt mức tối thiểu 1,5 tỷ USD, với hơn 50% doanh thu đến từ ngành thịt, lợi nhuận sau thuế tối thiểu 200 triệu USD.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại