Sau Ấn Độ, đến lượt Nhật bị TQ "bóng gió" về biển Đông trước G20

Thi Anh |

So với lời đe dọa "trả đũa" với Ấn Độ, thì "lời nhắc nhở" mà Trung Quốc dành cho Nhật Bản có phần nhẹ nhàng hơn.

Nhật Bản nên "đóng một vai trò xây dựng" tại hội nghị thượng đỉnh G20. Đó là điều mà Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì đã nói với Trưởng ban thư ký Hội đồng An ninh quốc gia Nhật Bản, ông Shotaro Yachi trong chuyến thăm mới đây của ông Yachi tới Trung Quốc - Reuters dẫn nguồn Tân Hoa Xã cho hay.

Ông Dương nhấn mạnh: "Tiến triển trong quan hệ Trung Quốc - Nhật Bản liên tục bị cản trở bởi nhiều vấn đề, đặc biệt là các vấn đề liên quan tới biển Đông và biển Hoa Đông, một việc không có lợi cho bên nào".

Đây cũng là quan điểm mà Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đưa ra trong cuộc gặp với đặc phái viên Nhật Bản: "Mối quan hệ Trung Quốc - Nhật Bản vẫn còn rất mong manh mặc dù đã có những động lực cải thiện".

Thủ tướng Trung Quốc cũng cho biết, ông hi vọng Nhật Bản sẽ có "hiểu biết đúng về Trung Quốc và thực hiện cam kết coi sự phát triển của Trung Quốc là cơ hội của mình".

Sau Ấn Độ, đến lượt Nhật bị TQ bóng gió về biển Đông trước G20 - Ảnh 1.

Trưởng ban thư ký Hội đồng An ninh quốc gia Nhật Bản Shotaro Yachi (trái) và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (phải). Ảnh: Getty

Theo Tân Hoa Xã, trong chuyến công du tới Trung Quốc, ông Yachi đã mang theo lá thư của Thủ tướng Abe gửi người đồng cấp Lý Khắc Cường. Trong đó, ông Abe nhấn mạnh: Nhật Bản trông đợi hội nghị G20 sẽ diễn ra tốt đẹp và sẵn sàng tăng cường hợp tác với Trung Quốc trên phương diện này.

Lâu nay, mối quan hệ giữa 2 "người khổng lồ kinh tế" của châu Á đang bị phủ bóng bởi nhiều bất đồng, trong đó có tranh chấp lãnh hải. Theo Reuters, Bắc Kinh đã nhiều lần cáo buộc Tokyo can thiệp vào cuộc tranh chấp trên biển Đông giữa Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á.

Kyodo News đưa tin: Giới chức Nhật Bản hi vọng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe có cơ hội gặp gỡ trong sự kiện lần này tại Hàng Châu để thảo luận về các hoạt động hàng hải của Trung Quốc.

Tuy nhiên, giới quan sát lại không đánh giá cao viễn cảnh này. "Dù cuộc gặp có diễn ra thì chủ yếu vẫn chỉ mang tính hình thức, xã giao. Họ không có nhiều vấn đề cụ thể để bàn luận, trao đổi", Li Mingjiang, Phó giáo sư tại ĐH Nanyang, Singapore trả lời phỏng vấn của tờ Bưu điện Nam Hoa Buổi Sáng.

Trung Quốc muốn "né" biển Đông tại G20

Trước đó, trong chuyến thăm tới Ấn Độ, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng đã "bóng gió" về mong muốn Ấn Độ "im lặng" tại G20.

Theo Diplomat (Nhật Bản), ông Vương nhấn mạnh: Có thể Trung Quốc sẽ áp dụng chiến lược kiểu "ăn miếng trả miếng" với Ấn Độ nếu New Delhi đưa vấn đề biển Đông ra G20. Bắc Kinh sẽ "trả thù" trong hội nghị thượng đỉnh BRICS tại Goa sau đó. Tuy nhiên, ông Vương cũng hứa hẹn sẽ ủng hộ vai trò thành viên của Ấn Độ trong Nhóm các quốc gia cung ứng hạt nhân (NSG).

Nhà nghiên cứu Wang Jin (ĐH Xiamen, Trung Quốc) cho rằng: Biển Đông là một trong những vấn đề nhạy cảm nhất giữa Trung Quốc và Ấn Độ tại G20. Bởi Ấn Độ ủng hộ nguyên tắc "tự do hàng hải và thương mại" trên biển Đông, cùng chung quan điểm với Mỹ.

Giới chức Trung Quốc đã nhấn mạnh lập trường của Bắc Kinh về G20. Theo đó, nước này muốn nhóm 20 nền kinh tế tránh động chạm tới các vấn đề chính trị như tranh chấp lãnh hải.

Khi được hỏi về vấn đề biển Đông, ông Li Baodinh, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc cho biết: "Hội nghị tại Hàng Châu phải chú trọng tới kinh tế" và các quốc gia thành viên nên "tập trung vào việc phát triển kinh tế, tránh để xao nhãng vào các vấn đề khác".

Theo AP, mong muốn "né" vấn đề biển Đông tại G20 được nhiều chuyên gia cho là 1 phản ứng mang tính điều tiết của Trung Quốc đối với phán quyết của Tòa trọng tài ngày 12/7. Tuy nhiên, có nhiều đồn đoán cho rằng Bắc Kinh sẽ có những động thái gây hấn hơn sau hội nghị tại Hàng Châu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại