Vì sao đến giờ Thổ Nhĩ Kỳ mới can thiệp quân sự vào Syria?

Thi Anh |

Dập tắt đảo chính và được Tổng thống Putin thứ lỗi, Thổ Nhĩ Kỳ mới có thể đưa quân vào Syria.

Hôm 24/8, xe tăng Thổ Nhĩ Kỳ và hàng trăm chiến binh phe đối lập đã tràn sang lãnh thổ Syria để chiếm lại thị trấn Jarabulus từ tay tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) và khống chế lực lượng người Kurd.

Đây là động thái đáng chú ý nhất của Ankara kể từ khi cuộc nội chiến đẫm máu của Syria nổ ra cách đây hơn 5 năm.

Jarabulus đã bị IS kiểm soát trong 3 năm qua. Và hành động của Thổ Nhĩ Kỳ ở thời điểm này làm dấy lên câu hỏi: Vì sao Ankara không can thiệp sớm hơn?

AFP dẫn lời 1 quan chức Thổ Nhĩ Kỳ giấu tên cho biết, Chính phủ nước này đã bàn tính tới việc đưa quân sang Syria từ hơn 2 năm nay nhưng kế hoạch không thành vì một số vướng mắc.

Hồi tháng 3, Ankara đã chuyển cho Nhà Trắng danh sách các "chiến binh ôn hòa" - khoảng 1.800 người và hứa hẹn sẽ bổ sung thêm 600 người.

Tuy nhiên, theo lời quan chức này, Washington tỏ ra nghi ngờ về tính khả thi của kế hoạch và nội dung này đã được đưa ra bàn thảo cùng các đồng minh trong liên minh quân sự của Mỹ vào tháng 6 năm ngoái: "Luận điểm cơ bản của họ là: Số lượng quân nổi dậy ôn hòa không đủ để thực hiện nhiệm vụ tại Jarabulus và các vùng khác ở miền Bắc Syria".

Một số quan chức cấp cao "có tầm ảnh hưởng" trong quân đội, những người liên quan tới âm mưu đảo chính hôm 15/7 đã viện nhiều lý lẽ để trì hoãn chiến dịch, nguồn tin của AFP cho hay. Quan chức này còn cho biết, một trong số những nhân vật này là Chuẩn Tướng Semih Terzi - một trong những người bị tình nghi là chủ mưu và đã bị bắn chết ngay đêm hôm đó.

Được biết các thành phần tham gia vào âm mưu đảo chính hôm 15/7 không nằm trong diện được triển khai tới Syria.

Ngoài ra, khủng hoảng trong quan hệ với Moskva sau vụ Ankara bắn rơi máy bay quân sự Nga hồi tháng 11/2015 cũng là 1 nguyên nhân khiến chiến dịch bị đình trệ.

Nguy cơ đối đầu với Moskva khiến Thổ Nhĩ Kỳ phải chấm dứt toàn bộ hoạt động đường không tại Syria, trong khi đây là 1 phần thiết yếu để tiến hành các hoạt động trên mặt đất. "Chúng tôi không thể tiến hành hoạt động của mình vì thiếu sự hỗ trợ đường không", nguồn tin của AFP nói.

Tuy nhiên, tháng 6 vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chấp nhận lời xin lỗi từ người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ. Và tiến triển này đã mở đường cho chiến dịch đổ bộ của Thổ Nhĩ Kỳ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại