Sau 5 năm cầm quyền, dân vạn chài Trung Quốc nói gì về dấu ấn của ông Tập Cận Bình?

Việt Hương |

"Chúng tôi sẽ không nói với bất kỳ phương tiện truyền thông nước ngoài nào. Hãy đặt mình vào vị trí của tôi. Tôi có những vấn đề riêng", một ngư dân từ chối chia sẻ về ông Tập.

Như hầu hết mọi người dân làng chài đầy nắng gió Đàm Môn, Huang Jie sẽ không bao giờ quên ngày mà lãnh đạo Trung Quốc đến thăm nơi đây. Đó là chiều ngày 8/4/2013 – chỉ một vài tháng sau khi lên nắm quyền, ông Tập Cận Bình đã tới thăm làng chài này.

Huang, chủ một cửa tiệm bán các vật dụng bên bờ biển hào hứng chỉ nơi mà đoàn xe của ông Tập đi qua kể lại: “Ông ấy đã ở đó. Cửa sổ xe được hạ xuống một nửa và ông nhìn chúng tôi khẽ mỉm cười. Ông vẫy tay, không nói một lời nào, nhưng tôi cảm thấy rất vui”.

Gần 5 năm sau chuyến thăm Đàm Môn, Tập Cận Bình đang ở mốc giữa của chặng đường 10 năm nắm quyền tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Sự mến mộ chân thành?

Theo The Guardian, đối với nhiều nhà phê bình, nhiệm kỳ đầu tiên của ông Tập không như kỳ vọng. Trung Quốc bị phản đối khá nhiều vì những quyết sách trong các vấn đề đối ngoại như biển Đông.

Tuy nhiên, một số ý kiến khác cho biết, sau khi kết thúc nhiệm kỳ đầu tiên, ông Tập lại được lòng bộ phận lớn trong số gần 1.4 tỷ dân Trung Quốc.

Steve Tsang, người đứng đầu Viện Nghiên cứu Trung Quốc tại Trường Nghiên cứu Châu Phi và Phương Đông tại London cho biết: “Dù mọi người có nói gì về Tập Cận Bình, ông ấy vẫn thực sự là một lãnh đạo được lòng dân... Vị trí và tiếng nói của Trung Quốc trên trường quốc tế ngày càng lớn."

Cheng Li, Giám đốc Trung tâm Trung Quốc John L. Thornton tại Washington cho hay, ông Tập nhận được sự mến mộ từ phần lớn bộ phận người lao động nghèo.

"Họ nhìn ông Tập như một nhà lãnh đạo quyền lực, có khả năng làm nhiều điều. Họ có xu hướng xem ông như một nhà lãnh đạo lớn thứ ba, từ Mao, Đặng, rồi đến Tập", Cheng nói.

Tại Đàm Môn, trên bờ biển phía đông đảo Hải Nam – hòn đảo nhiệt đới được coi là Hawaii của Trung Quốc, Zhong Wenfeng, chủ quán hàng lưu niệm bên bờ biển nói: “Trong 5000 năm lịch sử Trung Quốc, chưa có một nguyên thủ quốc gia nào đặt chân đến Đàm Môn. Đó là điều mà chúng tôi chưa bao giờ từng mơ ước đến.”

Sau 5 năm cầm quyền, dân vạn chài Trung Quốc nói gì về dấu ấn của ông Tập Cận Bình? - Ảnh 1.

Qionghai 09045, một chiếc tàu đánh cá cũ đã biến thành một "biểu tượng" về ông Tập sau khi ông lên chiếc tàu này trong chuyến thăm năm 2013. Ảnh The Guardian

Theo Guardian, một phần của những lời khen ngợi mà người dân dành cho ông Tập gần như tương tự những nội dung trong các chiến dịch tuyên truyền của chính phủ Trung Quốc.

Ông Zhong hào hứng nói như phong thái khẩu hiệu trên Tân Hoa Xã: “Chủ tịch Tập Cận Bình là người lãnh đạo thế giới. Tác phẩm của ông về quản lý đã được bán ra ở nhiều nơi trên thế giới”.

Tuy nhiên, bộ phận người dân Đàm Môn dường như cũng dành nhiều tình cảm chân thành cho ông Tập. Nhiều người dân tại đây sử dụng những từ tốt đẹp để miêu tả về người khách đặc biệt của mình: Tốt bụng và hòa nhã.

Ông Shi Jiquan, một ngư dân 54 tuổi nói: "Ông Tập đối xử với mọi người rất tốt... Ông ấy có vẻ là một người tốt, một người thân thiện và ấm áp."

Giới quan sát nhận định, sự ủng hộ của người dân Trung Quốc đối với ông Tập chủ yếu là kết quả của cuộc chiến dịch chống tham nhũng. Tháng 1/2013, chỉ vài tuần trước khi đến thăm Đàm Môn, ông Tập đã bắt đầu cuộc chiến “đả hồ, đập ruồi”.

Kerry Brown, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc tại King’s College London nói: "Ông Tập có thể không nhận được sự ngưỡng mộ của tất cả người dân nhưng ông ấy chắc chắn đã được tôn trọng".

Chuyên gia Tsang cho biết, nhiều người Trung Quốc thấy hài lòng về cách ông Tập dường như đã giành phần thắng trong cuộc đấu tay đôi về địa chính trị với tổng thống Mỹ Donald Trump, người đã thách thức Bắc Kinh từ thương mại cho đến vấn đề Đài Loan, Triều Tiên.

Tsang nói: “Tập Cận Bình hầu như không nhượng bộ Trump về bất kỳ vấn đề nào. Và Mỹ đã phản ứng như thế nào? Không làm gì cả! Vì vậy, bạn có thể thấy tại sao một người dân thường Trung Quốc lại nghĩ Tập Cận Bình đã làm rất tốt."

Trả lời một tờ báo địa phương thời điểm đó, Chủ tịch hiệp hội ngư dân Đàm Môn Ding Zheli khoe rằng ông đã được bắt tay nhà lãnh đạo Trung Quốc hai lần. Ông này nói ông Tập là người rất "vui vẻ".

Tuy nhiên, theo Guardian, 5 năm sau, Ding lại từ chối chia sẻ những kí ức về buổi chiều với một trong những người đàn ông quyền lực nhất trên thế giới. 

Ông này nói: "Chúng tôi sẽ không nói với bất kỳ phương tiện truyền thông nước ngoài nào, dù là ai. Hãy đặt mình vào vị trí của tôi. Tôi có những vấn đề riêng".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại