Sau 2 năm "ăn đậm", EU trở tay không kịp khi Trung Quốc ráo riết tuân thủ thỏa thuận với Mỹ

Thu Ngọc |

Các nhà quan sát cho biết, thỏa thuận nhập khẩu nông sản Mỹ của Trung Quốc đã khiến các doanh nghiệp châu Âu cảm thấy bị gạt ra ngoài thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới.

Theo cam kết trong khuôn khổ thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 mà Mỹ-Trung ký kết hồi tháng 1, trong vòng 2 năm tới Bắc Kinh sẽ mua số lượng nông sản trị giá 200 tỷ USD của Mỹ. Cam kết được nhắc lại trong cuộc hội đàm hồi tuần trước tại Haiwaii giữa Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và ông Dương Khiết Trì - Ủy viên Bộ Chính trị và Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác đối ngoại Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc.

Đối với giới doanh nghiệp châu Âu, những công ty đã xâm nhập vào thị trường Trung Quốc trong lúc Bắc Kinh tìm kiếm các nhà cung cấp thay thế cho các đối tác Mỹ quen thuộc do thương chiến, thỏa thuận giai đoạn 1 là một đòn giáng mạnh.

Theo ông Max Zenglein, nhà kinh tế trưởng tại Viện nghiên cứu Trung Quốc Mercator ở Berlin, các công ty châu Âu nhận định thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có “rất nhiều vấn đề”.

Chính các số liệu thống kê của Trung Quốc là minh chứng cho lo ngại này. Trong lúc cuộc chiến thương mại giữa hai cường quốc diễn ra hồi năm 2018, Bắc Kinh đã cho phép 46 công ty thịt của các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) xuất khẩu sang Trung Quốc, nhiều hơn gấp đôi so lượng các công ty từ Mỹ.

Năm ngoái, khi đất nước đông dân nhất thế giới đang vật lộn với tình trạng thiếu thịt lợn và các loại thịt khác do dịch tả lợn châu Phi bùng phát thiệt hại khoảng 60% đàn lợn trong nước, số lượng các nhà xuất khẩu thịt EU còn tăng lên gấp đôi, lên tới 112 doanh nghiệp. Doanh số nông sản EU xuất khẩu sang Trung Quốc trong năm 2019 đã tăng 38% so với năm trước, lên tới 15,3 tỷ euro (17,1 tỷ USD).

Nhưng rồi mọi thứ bắt đầu thay đổi. Trong 10 tháng đầu năm 2019, Bắc Kinh không cấp phép mới cho các nhà xuất khẩu thịt của Mỹ, chỉ cho gần 350 doanh nghiệp của nước này được xuất khẩu trong tháng 11 và tháng 12. Xu hướng cấp phép này vẫn tiếp diễn trong năm nay khi 1.024 công ty Mỹ được bật đèn xanh để bán hàng sang Trung Quốc, so với con số 24 doanh nghiệp từ EU.

“Thỏa thuận giai đoạn 1 đồng nghĩa các công ty châu Âu có ít cơ hội để tiếp cận thị trường Trung Quốc hơn,” báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) dẫn lời nhà ngoại giao EU giấu tên.

“Thỏa thuận này thực tế đã chiếm hết thị phần hàng nông sản tại Trung Quốc. Điều này khiến cho các doanh nghiệp và chính phủ của EU cảm thấy tức giận.”

Trong ba tháng đầu năm nay, Trung Quốc đã mua hơn 1 tỷ USD sản phẩm đậu nành và 691 triệu USD sản phẩm thịt lợn. Nhưng ngay cả với sự gia tăng này, ông Zenglein nói rằng Trung Quốc cũng khó có thể thực hiện cam kết sẽ mua thêm sản phẩm nông nghiệp trị giá 200 tỷ USD trong 2 năm tới do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Ông Zenglein cho biết thêm, những cam kết ông Dương Khiết Trì đưa ra tại Hawaii rất có thể chỉ nhằm xoa dịu Tổng thống Mỹ Donald Trump, người đang hy vọng tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai vào tháng 11 tới.

“Việc Bắc Kinh cam kết tiếp tục thực hiện thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 rất có thể bắt nguồn từ tầm quan trọng của các bang có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp đối với cuộc bầu cử tới đây của Tổng thống Trump.”

Trong khi đó, doanh số hàng nông sản của châu Âu xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng nặng nề hơn sau khi giới chức Bắc Kinh cho biết đợt bùng phát Covid-19 mới trong thành phố có liên quan đến chủng virus corona từ Châu Âu.

Doanh nghiệp Trung Quốc đã tạm dừng nhập khẩu cá hồi châu Âu sau khi tìm thấy dấu vết của mầm bệnh trên thớt dùng để chế biến cá tại chợ bán buôn Tân Phát Địa, nơi bùng phát ổ dịch mới nhất tại Bắc Kinh.

Mời độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại