Phát biểu trước truyền thông hôm 1/4, Vladimir Matveev - người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga - đã cung cấp một số thông tin về điểm đến của tàu Varyag, cũng như lý do tại sao nó thực hiện chuyến hành trình này.
Ông Matveev xác nhận tàu Varyag đã khởi hành và cho biết con tàu sẽ ghé thăm các cảng biển của 7 nước trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương.
Chuyến hải trình của soái hạm Hạm đội Thái Bình Dương nằm trong kế hoạch của lực lượng vũ trang Nga nhằm tăng cường hợp tác quốc tế.
"Mục đích chính của chuyến đi là biểu dương cờ St. Andrews (cờ Hải quân Nga) tại châu Á-Thái Bình Dương và mở rộng hợp tác hải quân với các quốc gia trong khu vực này" - ông Matveev nói.
Tàu tuần dương tên lửa Varyag.
Chuyến đi lần này đòi hỏi sự chuẩn bị lâu dài và kỹ lưỡng của các sĩ quan, cũng như thủy thủ đoàn trên tàu Varyag. Gần đây, họ đã hoàn thành chu trình huấn luyện toàn diện tại căn cứ đồn trú và tại các khu vực huấn luyện chiến đấu được chỉ định ở Biển Nhật Bản.
Trong tuần trước, tàu Varyag đã tiến hành các bài thực hành đẩy lùi cuộc tấn công đường không quy mô lớn của kẻ địch giả định.
Trước đó, con tàu đã thực hiện các bài tập phát hiện, theo dõi và tiêu diệt tàu ngầm của đối phương. Ở một số bài tập khác, tàu Varyag đã phối hợp tương tác với lực lượng không quân trên hạm và tham gia kiểm soát thiệt hại trên tàu trong trường hợp khẩn cấp.
Trực thăng chống ngầm Ka-27
Các tàu chiến khác trong Hạm đội Thái Bình Dương cũng có nhiều hoạt động tích cực. Hồi tháng Một, tàu khu trục Admiral Tributs đã có chuyến thăm tới Manila và được Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nhiệt liệt chào đón.
Ông Duterte tuyên bố Hải quân Nga có thể tự do đi vào lãnh hải của Philippines và được phép cập cảng nước này, chỉ cần thông báo trước cho chính quyền về kế hoạch của mình.
Cuối năm ngoái, tàu Admiral Tributs và tàu chở dầu Boris Butoma đã tham gia vào cuộc tập trận chung với các tàu chiến của Hải quân Ấn Độ ở Ấn Độ Dương.
Theo Sputnik, Varyag là tàu tuần dương lớp Slava, được biên chế cho Hải quân Liên Xô vào năm 1989. Được trang bị nhiều loại vũ khí chống tàu nổi, tàu ngầm và phòng không nên tuần dương hạm lớp Slava còn được mệnh danh là "sát thủ tàu sân bay".
Tương tự như 2 tàu cùng lớp là Moskva và Marshal Ustinov, tàu Varyag đã trải qua nhiều đợt đại tu và hiện đại hóa sâu rộng trong những năm qua.
Con tàu được trang bị thiết bị dẫn đường, tìm kiếm 3D, hệ thống điều khiển hỏa lực, tác chiến chống điện tử, tên lửa chống tàu P-500, tên lửa đất-đối-không S-300F và OSA-MA, vũ khí phòng thủ tầm gần, rocket chống ngầm RBU-6000, ống phóng ngư lôi 533mm. Tàu có thể mang theo 1 trực thăng hải quân Ka-25 hoặc Ka-27.
3 tàu tuần dương lớp Slava của Hải quân Nga còn có một "người chị em" ở Ukraine, đó là tàu tuần dương Ukrayina. Tuy nhiên, do thiếu kinh phí duy trì, con tàu này đang có nguy cơ bị bán làm sắt vụn.