Tự chế tạo vũ khí: Cách duy nhất để Đài Loan đối phó Trung Quốc?

QS |

Đài Loan đang tích cực thúc đẩy ngành công nghiệp chế tạo vũ khí nội địa.

Nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn đã nhiều lần tuyên bố rằng, chính quyền của bà sẽ giúp Đài Loan duy trì vị thế trước Trung Quốc.

Tuy nhiên, do phải đối mặt với sự hiện diện quân sự ngày càng gia tăng của Trung Quốc, trong khi Mỹ, dưới thời Tổng thống Donald Trump, lại chưa có chính sách rõ ràng đối với khu vực Đông Á nên Thái Anh Văn và đội ngũ an ninh quốc gia của bà sẽ buộc phải cân nhắc tới những biện pháp đối phó đắt đỏ.

Theo nhà phân tích Emanuele Scimia trên tờ Asia Times, mối quan hệ giữa Đài Loan và Trung Quốc trở nên bất ổn từ khi bà Thái Anh Văn - Chủ tịch Đảng Dân Tiến Đài Loan, trở thành nhà lãnh đạo mới của hòn đảo này vào tháng Năm năm ngoái.

Bắc Kinh đã giận dữ khi bà Thái từ chối công nhận bản Đồng thuận 1992 do Trung Quốc và Đài Loan ký kết (theo đó chỉ công nhận "một Trung Quốc", dù mỗi bên diễn giải theo những cách khác nhau).

Tự chế tạo vũ khí: Cách duy nhất để Đài Loan đối phó Trung Quốc? - Ảnh 1.

Tên lửa đạn đạo DF-16.

Cơ quan Quốc phòng Đài Loan cáo buộc Trung Quốc đang triển khai khoảng 1.500 tên lửa nhằm vào hòn đảo này. Tuần trước, người lãnh đạo Cơ quan Quốc phòng Đài Loan Phùng Thế Khoan nhấn mạnh rằng, Bắc Kinh đã triển khai số lượng lớn tên lửa đạn đạo có độ chính xác cao DF-16 tại các vùng ven biển Trung Quốc.

DF-16 có tầm bắn 1.000km. Ngoài Đài Loan, nó còn có thể tấn công một số khu vực của Nhật Bản và Philippines.

Sự kết hợp giữa tên lửa DF-16 và tên lửa đạn đạo chống tàu tầm trung DF-21C/D sẽ cho phép Trung Quốc làm suy yếu mạng lưới phòng thủ của Đài Loan khá dễ dàng, nhất là nếu họ tiến hành nhiều đợt tấn công liên tiếp.

Ngoài mối đe dọa từ tên lửa, Đài Loan cho biết, vài tháng gần đây, Trung Quốc đã tiến hành ít nhất 6 đợt huấn luyện và tập trận cho lực lượng không quân và hải quân, trong đó có điều động tàu sân bay duy nhất của nước này - Liêu Ninh.

Tự chế tạo vũ khí: Cách duy nhất để Đài Loan đối phó Trung Quốc? - Ảnh 2.

Tên lửa đạn đạo chống tàu DF-21D.

Phát triển ngành công nghiệp nội địa

Trong bối cảnh tình hình an ninh suy thoái, Đài Loan đang có kế hoạch chế tạo những chiếc tàu ngầm nội địa đầu tiên trong vòng 1 thập kỷ.

Những con tàu này sẽ do tập đoàn đóng tàu CSBC hợp tác với Viện Khoa học và Công nghệ Trung Sơn (Đài Loan) phát triển. Hai phía đã ký biên bản ghi nhớ với Hải quân Đài Loan vào tuần trước, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của chương trình tàu ngầm đối với công cuộc xây dựng ngành công nghiệp quốc phòng nội địa của Đài Loan.

Có vẻ những khó khăn mà Đài Loan gặp phải khi mua sắm tàu ngầm từ nước ngoài là lý do then chốt dẫn tới quyết định tăng cường ngành công nghiệp quốc phòng của hòn đảo này.

Các nhà cung cấp vũ khí nước ngoài, bao gồm cả Mỹ, luôn do dự khi cung cấp những loại vũ khí tinh vi như tàu ngầm cho Đài Loan, bởi họ lo ngại động thái đó sẽ khiến Trung Quốc tức giận.

Ngoài tàu ngầm, Đài Loan còn đang chế tạo máy bay chiến đấu, tàu chiến mặt nước và tăng cường năng lực tác chiến điện tử, tác chiến mạng để đối phó Trung Quốc. Tuy nhiên, theo nhà phân tích Scimia, bước đột phá thực sự sẽ là phát triển được khả năng răn đe hiệu quả bằng tên lửa.

Tự chế tạo vũ khí: Cách duy nhất để Đài Loan đối phó Trung Quốc? - Ảnh 3.

Tên lửa chống tàu Hsiung-Feng III của Đài Loan.

Một số nguồn tin cho biết, Đài Loan đang có ý định cải tiến tên lửa không-đối-không nội địa Tien Chien, tên lửa đất-đối-không Tien Kung và tên lửa chống tàu Hsiung-Feng, tập trung vào tầm bắn của chúng. Bên cạnh đó, Đài Loan sẽ phát triển các tên lửa hành trình tấn công mặt đất.

Trong buổi điều trần hôm 16/3 trước ủy ban quốc phòng và đối ngoại của Nghị viện Đài Loan, Trung tướng Chiang Chen-chung, người phụ trách lên kế hoạch các hoạt động tại Cơ quan Quốc phòng Đài Loan, tuyên bố các tên lửa của họ có thể tấn công những mục tiêu nằm trong lục địa Trung Quốc, ở khoảng cách lên tới 1.500km.

Hiện vẫn còn phải chờ xem liệu Đài Loan có đủ khả năng trang trải cho mức tăng chi tiêu quân sự trong bối cảnh có nhiều hạn chế về ngân sách như hiện nay hay không.

Bản đánh giá quốc phòng 4 năm một lần do lãnh đạo Cơ quan Quốc phòng Đài Loan công bố gần đây cho biết, họ đang có kế hoạch tăng chi tiêu quốc phòng từ mức 2% GDP hiện nay lên mức 3% GDP vào năm 2018. Đây sẽ là tỷ lệ cao nhất kể từ năm 1999.

Theo thống kê của Viện Nghiên cứu Hòa Bình Quốc tế (SIPRI), từ năm 2012-2016, Đài Loan đã nhập khẩu từ Mỹ 2,8 tỷ USD vũ khí, đưa hòn đảo này trở thành vùng nhập khẩu vũ khí lớn thứ 6 tại châu Á-Thái Bình Dương, sau Trung Quốc, Úc, Việt Nam, Hàn Quốc và Indonesia.

Vài nguồn tin cho biết chính quyền Tổng thống Trump đang chuẩn bị ký kết một thỏa thuận vũ khí với Đài Loan, trong đó Washington sẽ cung cấp cho Đài Loan tên lửa chống tàu và các hệ thống rocket tiên tiến. Thỏa thuận này sẽ có giá trị cao hơn thỏa thuận 1 tỷ USD mà chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama đã bác bỏ vào tháng 12 năm ngoái.

Đài Loan thử nghiệm tên lửa phòng không Tien Kung III và tên lửa chống tàu Hsiung Feng III

Chiến lược răn đe đa chiều mới

Nhà phân tích Scimia cho rằng, kế hoạch mua sắm vũ khí và nâng cấp ngành công nghiệp quốc phòng nội địa của Đài Loan sẽ cần kết hợp với một học thuyết quân sự mới do các nhà chiến lược Đài Loan phát triển để phù hợp với tình trạng thiếu nhân lực và bị hạn chế nhiều về tài chính.

Đầu tháng Ba năm nay, lãnh đạo Cơ quan Quốc phòng Đài Loan Phùng Thế Khoan tuyên bố, Đài Loan sẽ áp dụng chiến lược "răn đe đa chiều" để ngăn chặn các lực lượng đối địch tấn công vào hòn đảo này bằng đường bộ/không/biển.

Theo ông Phùng, lực lượng vũ trang Đài Loan sẽ phát triển các chiến thuật phi đối xứng để đẩy kẻ địch vào thế "tiến thoái lưỡng nan".

Chiến lược trên sẽ bao gồm triển khai các tổ hợp tên lửa Patriot Advanced Capability-3 (PAC-3) tại bờ biển phía đông Đài Loan, tăng cường các hệ thống cảnh báo sớm, nâng cao năng lực tác chiến mạng, phát triển các loại thủy lôi thông minh và phương tiện không người lái để thực hiện các nhiệm vụ trinh sát, chiến đấu.

Theo nhà phân tích Scimia, chỉ riêng vũ khí và học thuyết quân sự mới thôi vẫn chưa thể giúp Đài Loan thu hẹp khoảng cách quân sự với Trung Quốc. Và những động thái như vậy sẽ làm xấu thêm mối quan hệ giữa 2 phía.

Để đối phó Trung Quốc, Đài Loan cần tới sự hỗ trợ tích cực từ Mỹ, cả trên phương diện chính trị và quân sự. Thế nhưng, việc bà Thái Anh Văn thúc đẩy Đài Loan tự phát triển và chế tạo vũ khí đã cho thấy nhà lãnh đạo này đang lo ngại về cam kết của Tổng thống Trump đối với an ninh Đài Loan.

*** Bài viết thể hiện quan điểm riêng của nhà phân tích Emanuele Scimia.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại