"Sát thủ" chẳng cần bệ phóng để vút bay khiến Sir Alex tiếc nuối khôn nguôi

Bảo Nam |

Người Anh đánh giá Alan Shearer là người nặng tình. Anh không dùng bóng đá để nổi tiếng, mà đơn giản chỉ để được cháy với niềm đam mê và được sống với giấc mơ thời thơ ấu của mình.

Premier League đã, và vẫn đang là giải đấu bóng đá hấp dẫn nhất hành tinh. Hơn 25 năm tồn tại, giải đấu hàng đầu nước Anh đã đưa đến cho người hâm mộ bóng đá trên khắp hành tinh rất nhiều tên tuổi lớn của bóng đá thế giới.

"Biểu tượng Premier League" là tuyến bài gửi đến bạn đọc góc nhìn sâu hơn, góc cạnh hơn về những nhân vật được coi là đại diện cho giải đấu này, những nhân vật góp phần tạo nên một Premier League đầy sắc màu và kịch tính.

Tuyến bài sẽ được xuất bản định kỳ vào thứ Năm hàng tuần.

Bất kỳ huyền thoại nào cũng cần một bệ phóng để vụt sáng. Alan Shearer thì không. Anh là huyền thoại gần như là duy nhất của Premier League không cần đầu quân nhóm tứ đại gia Premier League vẫn mãi mãi lưu danh trong lịch sử.

Đó là một buổi chiều tháng 6 năm 1992. Ai đó đang gõ cửa phòng tắm của Alan Shearer. Là Jack Hixon, người đã tình cờ nhìn thấy Shearer chơi bóng cho trường Gosforth và "nhặt" anh về Southampton.

Sát thủ chẳng cần bệ phóng để vút bay khiến Sir Alex tiếc nuối khôn nguôi - Ảnh 2.

"Có người muốn gặp cậu và cậu sẽ không tin vào điều này đâu", Hixon nói vọng vào. Năm phút sau Shearer theo Hixon đến căn phòng nơi có ai đó đang chờ anh. Là Alex Ferguson và một vài nhân vật lạ mặt. Shearer không mấy quan tâm.

Sir Alex bắt đầu nói chuyện với Shearer. "Đó là một buổi nói chuyện rất dài. Tôi chỉ nhớ là nó kéo dài chứ cũng không nhớ cụ thể nữa", Shearer kể lại trên tờ FourFourTwo tháng 8/2016.

"Đại loại, Sir Alex muốn tôi gia nhập Man United. Đó quả là một lời đề nghị ngoài sức tưởng tượng. Có ai lại không muốn chơi bóng cho Man United cơ chứ", Shearer kể tiếp. Vậy tại sao Shearer đúng 1 tháng sau lại gia nhập Blackburn thay vì Man United?

Sát thủ chẳng cần bệ phóng để vút bay khiến Sir Alex tiếc nuối khôn nguôi - Ảnh 3.

"Man United nói tới một bản hợp đồng hấp dẫn, nhưng họ không phải ngay lập tức. Đại diện của Man United nói rằng họ cần 3-4 tuần để chuẩn bị tiền chuyển nhượng. Lúc đó tôi nghĩ rằng, nếu Man United thật sự muốn chiêu mộ tôi, họ nên đến gặp tôi với một va ly tiền".

"Blackburn không được chào đón nồng hậu như Man United, nhưng họ chỉ cần đúng 3 ngày để chồng đủ số tiền 3,6 triệu bảng. Tôi đánh giá Blackburn thiện chí hơn và tôi đồng ý gia nhập".

Phải mãi tới buổi trả lời phỏng vấn FourFourTwo, người hâm mộ mới hiểu tại sao Alan Shearer lại lạnh lùng đóng cánh cửa để trở thành một huyền thoại và chọn gia nhập CLB gần… 80 năm không có nổi chức vô địch quốc gia nào.

Thế nhưng đúng là người tính không bằng trời tính. Alan Shearer đến Blackburn rồi kết hợp cùng Chris Sutton tạo ra mùa bóng 1993/94 cổ tích. Bộ đôi này cùng nhau ghi tới… 50 bàn thắng cho Blackburn, đưa The Rovers lên ngai vàng Premier League.

Người ta cho rằng nếu Alan Shearer tỏa sáng và vô địch Premier League cùng Man United, Arsenal, Chelsea hay Liverpool, chiến tích sẽ chẳng có gì đặc biệt. Nhưng Alan Shearer chọn con đường gian nan nhất để trở thành huyền thoại Premier League. Đó mới chính là yếu tố giúp tên tuổi Shearer sống mãi với dòng chảy bóng đá Anh.

Người Anh đánh giá Alan Shearer là người nặng tình. Anh không dùng bóng đá để nổi tiếng, mà đơn giản chỉ để được cháy với niềm đam mê và được sống với giấc mơ thời thơ ấu của mình.

Sát thủ chẳng cần bệ phóng để vút bay khiến Sir Alex tiếc nuối khôn nguôi - Ảnh 4.

Từ thủa bé Shearer đã mơ được thi đấu cho Newcastle và ngay khi đủ lông đủ cánh, bất chấp lời chào mời hấp dẫn từ những đại gia, Shearer vẫn tìm về nơi tình yêu bắt đầu: Newcastle.

"Bạn phải cống hiến và phải yêu một đội bóng đến mức nào để khi bạn trở về, 20.000 CĐV đứng dọc bên đường vỗ tay chào bạn dưới một cơn mưa rất to. Tôi vẫn nhớ như in rằng, khi tôi gia nhập Newcastle, người thương thảo hợp đồng hỏi tôi: Anh muốn mức lương của mình thế nào".

"Tôi trả lời ngay: 25 bảng/tháng và tăng lên 50 bảng ở năm thứ 2. Đại diện của Newcastle há hốc mồm ngạc nhiên. Có lẽ cậu ta đang nghĩ: Thế quái nào mà cầu thủ tốn của Newcastle tới 15 triệu bảng tiền chuyển nhượng (kỷ lục thế giới vào thời điểm đó) lại chỉ cần 25 bảng Anh một tháng".

Hỏi ra mới biết, đó chính là thu nhập của bố Shearer thời anh mới gia nhập Southampton. Để có tiền cho con trai theo đuổi đam mê bóng đá, ông Alan Shearer đã phải xin làm thêm rất nhiều việc. Số tiền đầu tiên Shearer cầm từ bố chính là 25 bảng. Sau đó, anh được Southampton trả 50 bảng/tháng.

Sinh ra trong tình yêu của bố mẹ, đến với bóng đá bằng tình yêu dành cho CLB, cuộc sống của Alan Shearer chẳng có niềm vui gì ngoài bóng đá. Nó khiến cho Shearer mất đi sự kháng cự với cuộc sống bên ngoài. Trên sân cỏ chúng ta thấy hình bóng một chiến binh với những cú sút như búa bổ. Nhưng ngoài sân cỏ, Shearer nhút nhát và hiền lành đến… bực mình.

Điều này được kiểm chứng thông qua lời kể của Craig Bellamy. Trong cuốn tự truyện của mình, Bellamy kể về cuộc chạm trán giữa Shearer và "gã đầu gấu chơi bóng" Roy Keane năm 2001.

Do bực tức vì Shearer ngăn cản mình ném biên, Keane gây sự và rồi nhận thẻ đỏ rời sân. Sẵn máu nóng, Keane nổi điên đòi tẩn Shearer, nhưng bị 5-6 cầu thủ Man United giữ lại. Gã lầm lũi tiến vào đường hầm.

Trận đấu kết thúc, Newcastle thắng Man United. Anh chàng Alan Shearer sau đó được chính Craig Bellamy thông báo rằng: Roy Keane đang chờ anh ở đường hầm, mặt mũi hầm hố lắm.

"Tôi thấy rõ sự ái ngại trong mắt Shearer. Anh ta cố tính nán lại sân, đi lòng vòng và cũng chính là người rời sân muộn nhất. Shearer sợ phải đối đầu với Roy Keane, dù dĩ nhiên là chúng tôi không thể để Keane chạm vào người Shearer", Bellamy kể lại trong tự truyện.

Sát thủ chẳng cần bệ phóng để vút bay khiến Sir Alex tiếc nuối khôn nguôi - Ảnh 6.

Alan Shearer cũng đồng thời là một hình mẫu tương đối nhàm chán và nhạt nhẽo trong cuộc sống. Cả cuộc đời ghi gần 300 bàn thắng, nhưng tiền đạo này chỉ có duy nhất một kiểu ăn mừng: Giơ tay lên không trung vào chạy.

Khi được FourFourTwo hỏi màn ăn mừng đó có ý nghĩa gì, Shearer hồn nhiên trả lời: "Nó chả có ý nghĩa gì cả. Đơn giản là tôi không biết nên làm gì để thể hiện niềm vui mà thôi. Cũng có vài người gợi ý tôi nên ăn mừng kiểu khác, nhưng cứ ghi bàn xong là tôi lại bản năng giơ tay lên và chạy thôi".

Tuy nhiên, chính sự nhút nhát này lại tạo nên một Alan Shearer đáng yêu và đáng mến hơn bất kỳ huyền thoại Premier League nào.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại