Cùng với Ryan Giggs và Paul Scholes, Sol Campbell cũng là một trong những huyền thoại nổi tiếng bậc nhất lịch sử bóng đá Anh vừa ghé thăm Việt Nam. Những năm cuối của sự nghiệp trôi khi khá nhạt nhẽo khiến danh hiệu "huyền thoại Premier League" của Sol Campbell có lúc đã bị lung lay.
Tuy nhiên, đào sâu về quá khứ và quan trọng nhất là biết về cuộc đời của Sol Campbell, ta mới thấy hết sự vĩ đại của gã khổng lồ (theo cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen) này.
Campbell lớn lên trong một gia đình có tới… 12 anh chị em, và anh là con út. Cơm áo gạo tiền là mối bận tâm chính của gia đình Campbell khi anh còn nhỏ.
Sống trong một căn hộ chật chội, đừng nói là phòng riêng, để cả không gian để cất một tiếng nói cũng là thứ xa xỉ. Bản thân Campbell từng thừa nhận "nhà tôi không có cả không gian để thở. Tôi lớn lên trong sự im lặng vì bố tôi thậm chí còn không cho phép chúng tôi nói chuyện".
"Bố tôi vô cùng nghiêm khắc. Có lẽ đó là cách duy nhất để dạy tới 12 đứa trẻ. Cũng chính vì vậy tôi lớn lên, trở thành một đứa trẻ lịch sự, ngoan ngoãn nhưng luôn cô lập bản thân".
Sự cô đơn của Campbell không được nhắc tới quá nhiều trong cuốn tự truyện của anh, nhưng chúng ta có thể cảm nhận một cách đầy đủ thông qua câu chuyện năm 1992 - sau khi Campbell chơi trận ra mắt Tottenham và ngay lập tức ghi được bàn thắng ra mắt CLB, vào lưới Chelsea.
Báo chí làm rầm rộ sự kiện này. Đồng đội, ban huấn luyện Spurs chạy tới chia vui với Campbell. Bản thân anh cũng coi pha lập công vào lưới Chelsea trong trận ra mắt Tottenham là bước ngoặt lớn nhất trong cuộc đời mình.
"Tôi lặng lẽ về nhà, mở cánh cửa và bước vào. 6 người anh của tôi đang ngồi ăn với bố mẹ. Không ai đả động gì tới bóng đá cả và tôi cũng quyết định không kể cho ai nghe về bàn thắng đó", Campbell chia sẻ thời khắc anh trở về nhà sau khi tạo ra một thời khắc gây sốt.
"Thật ra họ đã quen rồi. Tôi ngày nào chả vậy: Rời khỏi nhà, đi đá bóng rồi trở về. Lặng lẽ, cô đơn. Sau khi tôi ghi bàn, Ray Clemence (HLV Tottenham) vỗ mạnh vào vai tôi và nói: Cậu nên về kể cho bố mẹ. Hẳn họ sẽ rất tự hào".
"Nhưng tôi nghĩ rằng, họ không hề quan tâm tới điều này. Rốt cuộc thì bố tôi cũng biết chuyện khi ông đọc được trên báo. Và đúng như tôi nghĩ: Ông chẳng buồn quan tâm".
Gia đình với Campbell có lúc là điểm tựa, nhưng cũng có những thời điểm lại chính là những người xa lạ nhất trong cuộc đời anh.
Campbell lớn lên trong sự phân biệt chủng tộc. Dù chẳng dễ dàng gì, nhưng anh cũng dần quen với những tiếng la ó, miệt thị, chửi bới, đặc biệt là sau khi anh bỏ Tottenham đến Arsenal và bị người hâm mộ Spurs coi là kẻ phản bội.
Ở lần đầu tiên Campbell tái ngộ Tottenham trên cương vị cầu thủ Arsenal, người hâm mộ Spurs "đón tiếp" anh vô cùng chu đáo. Họ chuẩn bị tới… 4.000 quả bóng bay ghi trên đó chữ "Judas" (kẻ phản bội) rồi thả lên bầu trời.
Trong trận đấu đó, cứ mỗi lần Campbell chạm bóng là những tiếng chửi bới vang lên. Tim Campbell như thắt lại, nước mắt chực trào ra khi anh bàng hoàng phát hiện người anh Tony Campbell cũng có mặt trong đám đông hôm đó.
"Tony là fan của Tottenham. Dù biết vậy nhưng thật sự rất khó để chấp nhận khi Tony đứng trong đám đông CĐV thóa mạ em trai ruột của mình", Campbell kể lại.
Đó là lúc Campbell cảm thấy gia đình hóa ra không phải là nơi ấm áp nhất. Tuy nhiên, cũng có lúc tình ruột thịt khiến Campbell cảm động. Trong một thời gian rất dài Campbell từng bị đồn đại là… gay.
Và một lần, khi cùng người anh trai John Campbell vào một quán bar, Sol đã bị một thực khách thóa mạ là dân đồng tính. Như thường lệ anh lại chịu đựng. Nhưng John thì không chịu được.
Người anh của Campbell xông vào tấn công gã đang nhục mạ em trai mình và thật tồi tệ khi cảnh sát ập tới, khóa tay John. Vì bảo vệ em trai, John bị tòa án kết tội hành hung và phải ngồi tù.
Những sự phân biệt, thóa mạ, xúc phạm theo chân Sol Campbell trong suốt những năm sự nghiệp đỉnh cao của anh. Có những lúc Campbell cảm thấy mệt mỏi, chán nản và muốn bỏ cuộc. Sự kiện diễn ra trong trận đấu với West Ham tháng 1/2006 chính là ví dụ nổi tiếng nhất.
Hẳn người hâm mộ vẫn còn nhớ vì không thể chịu đựng thêm những sự lăng mạ, Campbell đã quyết định dừng trận đấu với West Ham ngay khi hiệp 1 kết thúc. Anh chỉ kịp nói vài câu với chuyên gia tâm lý Gary Lewin rồi bỏ đi.
"Tôi bỏ sang Brussels (Bỉ) vài ngày. Lúc đó tôi cảm thấy chán nản tất cả. Tôi ghê sợ sự tàn nhẫn của các CĐV. Tôi không muốn trở lại Anh - nơi mà dù tôi thi đấu thế nào đi chăng nữa thì vẫn có những người sẵn sàng nhổ nước bọt vào tôi. Nhưng vài ngày trôi qua, tôi bình tâm trở lại".
BẠN CÓ BIẾT?
Sol Campbell đã tự đổi tên mình từ Sulzeer thành Sol vì anh ghét tên Sulzeer. Có quá nhiều người không đọc nổi tên Sulzeer.
Sự cô đơn mà Sol Campbell phải trải qua suốt sự nghiệp khiến tình yêu với bóng đá của anh càng mãnh liệt hơn. Campbell từng tâm sự rằng, vì là dân da đen nên thời còn trẻ, anh bị HLV quăng quật khắp các vị trí trên sân. Campbell thậm chí đã từng đá cả tiền đạo.
Tuy nhiên, bản năng sinh tồn của anh quá mãnh liệt. Dù bị CĐV chà đạp lên lòng tự tôn, bị chính anh ruột xúc phạm, không nhận được sự động viên, khích lệ từ gia đình, Campbell vẫn lầm lũi tiến lên và trở thành một trong những hậu vệ hay nhất trong lịch sử bóng đá Anh.
Jurgen Klinsmann từng đánh giá Campbell là "hậu vệ hay nhất thế giới". Năm 23 tuổi, Campbell từng đeo băng đội trưởng ĐT Anh vào trở thành đội trưởng trẻ nhất của Tam Sư kể từ sau thời Bobby Moore. Ngay cả khi sự nghiệp đã đi xuống, Campbell vẫn để lại dấu ấn bằng tấm lòng nhân ái của mình khi thành lập ra quỹ từ thiện "Kids go live".
Anh là một hậu vệ không thể bị đánh bại trên sân cỏ và cả trong cuộc sống.
Sol Campbell - Huyền thoại Ngoại hạng Anh