Đây là vụ án gây xôn xao dư luận, Hoàng kháng cáo xin giảm án, nhiều bị cáo nguyên là kế toán Công ty TNHH một thành viên Tài chính Cao su Việt Nam kháng cáo kêu oan về tội "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động tín dụng"; Viện kiểm sát kháng nghị thay đổi tội danh đối với bị cáo Võ Thị Hoàng Hồng.
Theo bản án sơ thẩm, bị cáo Trần Quốc Hoàng là cán bộ tín dụng Công ty Tài chính TNHH Một thành viên Cao su Việt Nam (viết tắt là Công ty Tài chính Cao su, đơn vị thành viên trực thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam).
Từ năm 2009 đến ngày 30/12/2011, Hoàng thua cờ bạc nên mượn nhiều "sổ đỏ" của người thân, bạn bè, lập 21 hồ sơ thế chấp để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản công ty.
Do Hoàng giữ nhiệm vụ tiếp nhận hồ sơ vay vốn, định giá tài sản đảm bảo, thẩm định hồ sơ vay vốn nên bị cáo tự định giá khống tài sản cao gấp nhiều lần thực tế, Hoàng nhờ những người bán vé số dạo giả chữ ký khách hàng vay tiền.
Mặc dù các hồ sơ tín dụng do Hoàng trình đều có sai phạxzsdm nhưng vẫn được Phòng tín dụng và lãnh đạo Công ty "duyệt" cho vay, từ đó bị cáo ẵm 44,4 tỷ đồng (làm tròn số).
Án sơ thẩm phạt Hoàng tù chung thân về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản"; Võ Thị Hoàng Hồng (thủ quỹ) 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo về tội "Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước"; các bị cáo khác lãnh từ 4 đến 7 năm tù về tội "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt đông của các tổ chức tín dụng".
Hoàng kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt; các bị cáo nguyên là kế toán công ty nhất mực kêu oan như Nguyễn Thị Lệ Hằng (Phó trưởng phòng kế toán); Lê Anh Tuấn (kế toán tín dụng).
Trong phiên tòa ngày 8/8/2016, HĐXX TAND cấp cao tại TP.HCM đã hoãn phiên tòa để làm rõ nhiều vấn đề, trong đó cần triệu tập ông Lê Quang Thung, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Tài chính Cao su, xác minh Quy trình tín dụng ban hành năm 2004 do ông Thung ký. Các luật sư nhận định quy trình tín dụng nêu trên không đúng pháp luật về ban hành văn bản; không được triển khai và phổ biến đến cán bộ công ty.
Trong vụ án, chính các cơ quan tố tụng đã miễn trách nhiệm hình sự cho 3 kế toán tín dụng khác với nhận định không nắm được quy định, lập phiếu chi giải ngân khi kiểm tra hồ sơ đã có chữ ký duyệt của giám đốc.
Theo ông Đinh Văn Quế, nguyên Chánh tòa hình sự TANDTC, "theo quy định pháp luật cũng như quy chế hoạt động của công ty, Phòng kế toán chỉ có nhiệm vụ giải ngân các khoản tiền khi giám đốc đã ký duyệt.
Nhiệm vụ giải ngân này không chỉ đối với các khoản vay mà còn đối với các khoản chi khác của công ty. Ngay cả khi vụ án này có hoạt động tín dụng thật xảy ra thì Phòng kế toán cũng không chịu trách nhiệm về việc cho vay đúng hay sau.
Trách nhiệm đó thuộc Phòng tín dụng và Giám đốc công ty".
Theo Điều 15, Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31/12/2001 do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành, "tổ chức tín dụng phải xây dựng quy trình xét duyệt cho vay theo nguyên tắc đảm bảo tính độc lập và phân định rõ ràng trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm giữa khâu thẩm định và quyết định cho vay".
Trong vụ án, Hoàng lợi dụng chức vụ, lập hồ sơ khống và được Phòng tín dụng và Giám đốc duyệt toàn bộ hồ sơ cho vay. Bà Nguyễn Thị Lệ Hằng không biết 21 hồ sơ Hoàng lập là giả, không hưởng lợi bất cứ khoản tiền trong vụ án này.
Chính Cơ quan điều tra cũng xác định điều đó. Vì vậy, ông Đinh Văn Quế nhận định cần xem xét, đánh giá đúng vai trò, hành vi từng bị cáo, tránh oan sai.
Trước đó, trong phiên xử ngày 8/8, HĐXX phúc thẩm cũng nhận định cần phải xác định chức năng, trách nhiệm các phòng ban của Công ty Tài chính Cao su để có căn cứ xem xét kháng cáo, kháng nghị nên quyết định hoãn phiên tòa .