TS, KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam - khẳng định: Ông không ủng hộ việc sáp nhập quận Hoàn Kiếm mà kiến nghị nên giữ nguyên như hiện tại.
Quận Hoàn Kiếm thuộc diện phải sắp xếp, sáp nhập do chưa đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên theo quy định tại Nghị quyết số 1211 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị quyết số 27 năm 2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1211.
Tuy nhiên, việc sáp nhập này khó có thể thực hiện. Do yếu tố đặc thù về lịch sử và truyền thống văn hóa. Hoàn Kiếm là quận lâu đời, mang đậm dấu ấn của Thăng Long - Hà Nội.
Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội trong diện sắp xếp qua kết quả rà soát ban đầu. Ảnh: Như Ý.
Tiêu chí do con người nghĩ ra, do đó phải tính đến những đặc thù. Trong Nghị quyết của Quốc hội cũng nêu rõ về xem xét kỹ lưỡng tính đặc thù ở một số nơi, một số vùng như địa giới đơn vị hành chính ổn định từ năm 1945, văn hóa, lịch sử, truyền thống dân tộc…
Theo ông Nghiêm, trong 5 tiêu chí hình thành quận, Hoàn Kiếm chỉ thiếu một tiêu chí là diện tích trong khi các tiêu chí khác đều vượt. Bên cạnh đó, Hoàn Kiếm là quận trung tâm Thủ đô, mang những giá trị lịch sử, văn hóa của Thăng Long - Hà Nội. “Chúng ta cần phải cân nhắc, không nên chỉ vì một tiêu chí, một quyết định hành chính mà làm giảm đi giá trị văn hóa, dấu ấn lịch sử,” ông Nghiêm chia sẻ.
Nhà nghiên cứu Hà Nội, nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến chia sẻ, sách Đại Nam nhất thống chí từ triều Nguyễn có ghi về hồ Hoàn Kiếm là hồ nằm ở phía Đông kinh thành Thăng Long xưa. Tên hồ Hoàn Kiếm cũng đã được ghi trong bản đồ Hà Nội do Phạm Đình Bách vẽ năm 1873.
Đến năm 1958, tên Hoàn Kiếm cũng xuất hiện khi Hà Nội chia làm 12 khu phố, trong đó có một khu phố mang tên Hoàn Kiếm. Đến tháng 5/1958, TP Hà Nội rút xuống còn 8 khu phố vẫn giữ nguyên khu phố Hoàn Kiếm.
Như vậy tên Hoàn Kiếm đã có 65 năm, đây cũng là mảnh đất cổ, có lịch sử, truyền thống lâu đời. Bên cạnh đó, Hoàn Kiếm có nhiều di tích vật thể, phi vật thể được thế giới ghi nhận. Đây là địa điểm diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của đất nước như diễu hành sau Cách mạng tháng Tám thành công, Quốc hội khóa đầu tiên họp năm 1946...
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến đặt câu hỏi, việc sáp nhập chỉ vì không đủ các chỉ tiêu, các con số quy định liệu có mang lại lợi ích lớn hơn hiện nay?
KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam cũng cho rằng: “Việc sáp nhập Hoàn Kiếm vào bất cứ quận nào khác, đều không phù hợp”. Theo ông Chính, tên Hoàn Kiếm đã đầy ắp giá trị lịch sử không thể đánh mất. Ở đây có những biểu tượng văn hóa, lịch sử mang ý nghĩa với Thủ đô như quần thể Đền Ngọc Sơn, Tháp Bút, cầu Thê Húc...
“Hà Nội hiện còn ngổn ngang nhiều việc như lập Quy hoạch Thủ đô, thực hiện Quy hoạch đô thị hai bên sông Hồng, chuẩn bị xây dựng đường Vành đai 4... “Hà Nội nên tập trung thực hiện các nhiệm vụ quan trọng chứ không phải tính toán sáp nhập một quận quan trọng như quận Hoàn Kiếm”, ông Chính nêu quan điểm.