Chuyên gia nói gì về dự kiến sáp nhập quận Hoàn Kiếm (Hà Nội)?

Di Hân |

Theo các chuyên gia, việc sáp nhập quận Hoàn Kiếm, Hà Nội phải đánh giá nhiều mặt trước khi thực hiện, bởi Hoàn Kiếm là quận đặc thù của Thủ đô.

Mới đây, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, trong giai đoạn 2023-2025, Hà Nội có quận Hoàn Kiếm và 176 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện phải sáp nhập.

Quận Hoàn Kiếm nằm ở trung tâm thủ đô Hà Nội với 18 phường, rộng 5,29 km2, dân số gần 156.000 người. Đây là quận có diện tích nhỏ nhất Hà Nội, giáp quận Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa và sông Hồng.

Theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quận phải có diện tích tối thiểu 35 km2, dân số 150.000 người. Trong hai năm tới, các đơn vị hành chính cấp huyện có diện tích dưới 20% và dân số dưới 200% tiêu chuẩn sẽ phải sáp nhập. Đối chiếu quy định này, quận Hoàn Kiếm đạt 100% tiêu chuẩn về dân số nhưng chỉ đạt 15% về diện tích nên thuộc diện phải sáp nhập.

Sáng nay 1/8, bên lề Hội thảo khoa học "Góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)" do Đảng ủy Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội phối hợp với Sở Tư pháp TP Hà Nội và Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức, ông Nguyễn Hữu Thành, Phó vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương - Bộ Nội vụ, đã giải thích với báo chí về thông tin quận Hoàn Kiếm và 176 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện phải sắp xếp trong giai đoạn 2023 - 2025.

Theo đó, ngoài tiêu chí về quy mô dân số, diện tích tự nhiên còn có yếu tố đặc thù. Ví dụ, có địa giới đơn vị hành chính ổn định từ năm 1945; có yếu tố liên quan đến văn hóa, lịch sử truyền thống, dân tộc… để nghiên cứu, xem xét sắp xếp đơn vị hành chính.

"Hiện nay, quận Hoàn Kiếm mới đánh giá theo tiêu chí dân số, diện tích tự nhiên. Ngoài ra còn các yếu tố đặc thù, được nêu cụ thể trong Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15, bao gồm: Điều kiện giao thông, vị trí địa lý, truyền thống lịch sử… Các yếu tố này sẽ là căn cứ để quyết định việc có sáp nhập hay không", ông Thành nêu rõ.

Phân tích về việc quy hoạch, KTS Trần Huy Ánh, Ủy viên thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội, cho rằng việc sáp nhập các địa phương cần có những nghiên cứu khoa học cẩn trọng và khi công bố dự kiến thực hiện cần biện giải tường minh vì đây là vấn đề liên quan kinh tế, văn hóa xã hội, lịch sử, địa lý nhân sinh, quản trị hành chính đa chiều, đa dạng… mà chỉ tiêu diện tích/dân số chỉ là 2 tiêu chí có tính phổ quát, chưa đề cập tới các yếu tố đặc thù.

Ông Ánh phân tích thêm, Hà Nội đang kỷ niệm 15 năm mở rộng địa giới hành chính, lý do đưa ra là nhằm bổ sung quỹ đất để phát triển giao thông, hay tăng thêm chỉ tiêu cây xanh, mặt nước, thêm nghĩa trang, bãi chôn lấp rác…

Sau 15 năm những mục tiêu đó đã có mục tiêu nào được đáp ứng? Mục tiêu nào chưa? Ý nghĩa tích cực của nó ra sao cần những tổng kết khách quan, khoa học và cả thời gian, tiền bạc, đánh giá chuẩn xác, cẩn trọng.

Theo ông Ánh, việc sáp nhập quận Hoàn Kiếm với đơn vị nào cũng vậy, ngoài các quy định chung cần biện giải lập luận những ích lợi hay thiệt hại đủ các mặt, các khía cạnh để đưa ra quyết định.

Chuyên gia nói gì về dự kiến sáp nhập quận Hoàn Kiếm (Hà Nội)? - Ảnh 1.

Hoàn Kiếm là quận đặc thù của Hà Nội. Ảnh minh hoạ

Về mặt văn hoá, PGS.TS Hà Đình Đức (nguyên giảng viên Khoa Sinh học, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội), cho rằng Hoàn Kiếm cùng 3 quận (Hai Bà Trưng, Ba Đình, Đống Đa) là những quận đầu tiên của Hà Nội từ khi thành lập. Đây là di sản văn hoá to lớn, là tài sản thừa kế mà Thăng Long Hà Nội cũ để lại. Quận Hoàn Kiếm có giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống lâu đời và to lớn.

Quận Hoàn Kiếm có thể xem như một thương hiệu đối với thành phố Hà Nội, thương hiệu này nằm ở cái tên, là định danh khi khách du lịch đến với Hà Nội.

“Thương hiệu này nếu muốn xây dựng không phải một sớm một chiều, mà phải mất quá trình tương đối lâu, nên việc sáp nhập sẽ làm mất đi tính thương hiệu của cái tên vốn có của nó”, PGS Đức nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại