Sắp hết nhiệm kỳ, chính phủ Obama buông xuôi vấn đề Syria, chấp nhận nhường đường cho Nga

Linh Nguyễn |

Sau nhiều năm nỗ lực tham gia vào cuộc khủng hoảng Syria nhưng thất bại, Mỹ giờ đây chỉ còn đứng bên lề cuộc nội chiến trong bối cảnh Tổng thống Obama chuẩn bị rời nhiệm sở.

Trao đổi ngày càng thưa thớt

Theo AP, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hiện nay chỉ thỉnh thoảng mới điện đàm với các ngoại trưởng Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và các nước Ả rập về các nỗ lực ngừng bắn, và đôi khi có cuộc hội đàm với phe đối lập.

Và khi chỉ còn chưa đến hai tuần trước khi nhiệm kỳ tổng thống của Trump bắt đầu, chính quyền sắp mãn nhiệm thậm chí không có động thái gì cho thấy họ đã tham gia vào việc chèo lái công cuộc đàm phán hòa bình kéo dài nhiều năm mà không có kết quả.

Những cuộc trao đổi với Nga và các nước khác tại Geneva đã chấm dứt.

AP nhận định, vai trò lãnh đạo này đã được chuyển qua cho Nga, và ở mức độ thấp hơn là Thổ Nhĩ Kỳ, Iran. Sau khi giúp quân đội Syria đánh bại phe nổi dậy còn lại ở Aleppo hồi tháng trước, Moscow đã bước lên vị trí người hòa giải, dàn xếp cuộc đình chiến không cần tới sự giúp đỡ của Washington và tuyên bố vào thứ Sáu (06/01) rằng Nga đã sẵn sàng rút quân ra khỏi khu vực.

Các phái đoàn từ Nga cũng đang chuẩn bị cho các cuộc đàm phán đầu tiên trong gần một năm qua giữa chính phủ Syria với phe đối lập, sẽ diễn ra vào cuối tháng Một tại Astana, Kazakhstan.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby cho hay: "Chúng ta vẫn là người trong cuộc theo một cách nào đó. Có thể chúng ta không có mặt tại Astana, có thể không xuất hiện trên bàn đàm phán ở Moscow, tôi hiểu chuyện đó. Nhưng không phải là chúng ta đang quay lưng với Syria."

Ông Kirby sau đó cho biết thêm: "Chúng ta chỉ không có liên quan đến phần việc cụ thể này thôi. Điều này không có nghĩa là chúng ta rút khỏi toàn bộ vấn đề."

Do chính quyền sắp tới của Trump không tiết lộ dấu hiệu gì về dự định với Syria, giới ngoại giao Mỹ đang thận trọng trước việc tham gia vào bất kỳ đề xuất nào yêu cầu vai trò kéo dài của Mỹ.

Chính vì vậy, vẫn chưa rõ liệu Mỹ thậm chí có tham gia trong vai trò quan sát bên lề trong buổi đàm phán hòa bình trên hay không. Quan chức Mỹ cho biết Thổ Nhĩ Kỳ đã nói rằng sự hiện diện của Mỹ được hoan nghênh, nhưng Washington vẫn chưa đưa ra quyết định.

Sắp hết nhiệm kỳ, chính phủ Obama buông xuôi vấn đề Syria, chấp nhận nhường đường cho Nga - Ảnh 1.

Dòng người tị nạn ở Syria đợi nhận thức ăn và nước uống tại Yarmouk. Ảnh: UNRWA

Tâm thế không rõ ràng

AP nhận định, vai trò ngày càng mờ nhạt của Mỹ có thể dẫn đến một số hậu quả.

Gần 6 năm trước, Tổng thống Obama yêu cầu Tổng thống Syria Bashar al-Assad từ bỏ quyền lực và chấp nhận chuyển giao một cách dân chủ. Nhưng chính sự thận trọng không muốn Mỹ tiếp tục lao vào một cuộc chiến tại Trung Đông lại có nghĩa Mỹ không có khả năng tạo ra kết cục như Obama yêu cầu.

Vai trò giảm sút trong các tháng trở lại đây còn có nghĩa, Mỹ càng không có khả năng giúp tái kiến thiết tương lai Syria và bảo vệ các lợi ích quan trọng đối với Mỹ, như an ninh tại Israel và chống lại Nhà nước Hồi giáo (IS).

Mặt khác, Obama trao quyền cho Trump mà không có cuộc đụng độ quân sự hay ngoại giao nào đáng kể tại Syria. Vị tổng thống đương nhiệm không hề muốn chịu trách nhiệm về cuộc xung đột đã khiến gần nửa triệu người thiệt mạng và đẩy hàng triệu người vào cảnh tị nạn.

Thế nhưng sự chần chừ thận trọng không muốn can thiệp của ông có thể giúp Trump có biện pháp mềm dẻo hơn, điều mà Obama không có khi ông thừa hưởng chiến tranh Iraq và Afghanistan.

Trong cuộc họp báo chia tay hôm thứ Năm (05/01), Ngoại trưởng Kerry khẳng định chính phủ vẫn chưa bỏ cuộc với Syria, và ông hy vọng rằng các bên có thể đạt được "thỏa thuận thực sự" về một hiệp định hòa bình.

Nhưng một số quan chức vẫn cảm thấy chán chường vì chính quyền đang rút lui khỏi tiến trình đó. Ông Kerry chưa điện đàm cùng Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov từ 27/12 năm ngoái, trong khi có thời điểm trong năm 2016, hai ông đã đối thoại gần như hàng ngày.

AP dẫn lời hai quan chức Mỹ rằng chính phủ đang để người Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran thử sức trước công cuộc đàm phán hòa bình rất phức tạp ở Syria. Họ cho biết, quan điểm chung là để các nước đó tự hiểu ra mức độ khó khăn của việc này.

Nga (hỗ trợ phe chính phủ Syria) và Thổ Nhĩ Kỳ (vốn ủng hộ mạnh mẽ phe đối lập tại Syria) đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực từ 30/12. Tuy nhiên, hai phe tham chiến tại Syria vẫn "lời qua tiếng lại" đổ lỗi cho nhau sau khi vi phạm thỏa thuận trên.

Thỏa thuận đình chiến không bao gồm những khu vực thuộc lãnh thổ Syria bị IS chiếm đóng.

Mỹ đang tiếp tục các nỗ lực trong chiến dịch này, và Trump cùng nhóm cố vấn an ninh quốc gia đã khẳng định đây sẽ là ưu tiên hàng đầu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại