Nhắc điển tích "Bá vương biệt cơ", Tập Cận Bình cảnh báo nguy cơ lớn của chính trị TQ

Thủy Thu |

Cách vận dụng điển tích "Bá vương biệt cơ" của ông Tập Cận Bình tại Hội nghị trung ương VI đã gây sự chú ý đặc biệt với dư luận nước này.

Trong bài phát biểu tại Hội nghị trung ương VI đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) khóa XVIII của ông Tập Cận Bình mới được công bố gần đây có một chi tiết rất đáng chú ý, đó là việc ông Tập trích dẫn điển tích "Bá vương biệt cơ".

"Bá vương biệt cơ" là thành ngữ ám chỉ thảm kịch của người anh hùng khi lâm vào bước đường cùng.

Điển tích này bắt nguồn từ câu chuyện Ngu Cơ - vợ của Tây Sở Bá vương Hạng vũ vì không muốn ông vướng bận nên đã lấy gươm tự sát.

Giới chính trị Trung Quốc hiện nay dùng chuyện này để nhắc nhở về những nguy cơ nếu lãnh đạo chuyên quyền, rời xa quần chúng.

Theo giới quan sát, rất nhiều người có thể sẽ thắc mắc vì sự liên hệ giữa điển tích này với nền chính trị Trung Quốc hiện nay.

Trên thực tế, ông Tập đã từng sử dụng cụm từ này từ năm 2013. Tuy nhiên theo tìm hiểu, chính Mao Trạch Đông mới là người đầu tiên vận dụng điển tích trên để nói về nền chính trị nước này.

Bí thư Ban bí thư kiêm Phó bí thư Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương Trung Quốc (CCDI) Triệu Hồng Chúc từng nói rằng, cách vận dụng điển tích này của ông Tập được kế thừa từ Mao Trạch Đông.

Cả Mao, Tập đều có dụng ý giống nhau khi đề cập đến điển tích "Bá vương biệt cơ".

Theo đó, tại Hội nghị trung ương VI, Tập Cận Bình phát biểu: "Nếu niềm tin, tổ chức, kỷ luật, tác phong trong đảng lỏng lẻo... thì cuối cùng không những không thể thực hiện được mục tiêu phấn đấu của chúng ta mà còn dẫn đến sự xa rời quần chúng nghiêm trọng, tái diễn bi kịch Bá vương biệt cơ".

Trước đó, tháng 7/2013 tại Hà Bắc, ông Tập đã nhấn mạnh, ĐCSTQ hiện đang nhận được sự tín nhiệm và ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân nên nếu tác phong giải quyết vấn đề kém sẽ có thể xuất hiện thời khắc "Bá vương biệt cơ".

Giới phân tích nhận định, việc Mao dẫn giải câu chuyện Hán Sở tranh hùng mục đích là để bàn về ý nghĩa của tinh thần "dân chủ" trong "chế độ tập trung dân chủ". Cách vận dụng điển tích của Tập cũng nhằm nhấn mạnh mục đích này.

Tuy nhiên, ông Tập còn có mục đích khác, đó là nhắc nhở trách nhiệm giám sát cấp dưới của chính những người đứng đầu các cơ quan, đơn vị và các cấp trên chính trường Trung Quốc. Hoặc người đứng đầu Trung Nam Hải còn có ý nhấn mạnh tầm quan trọng về sự tín nhiệm của nhân dân với đảng.

Ngày 30/1/1962, tại Hội nghị công tác trung ương mở rộng, Mao Trạch Đông phát biểu, "chế độ dân chủ tập trung" được coi là nguyên tác tổ chức cơ bản của ĐCSTQ.

Theo Mao, chỉ cần là việc lớn thì đều phải thảo luận tập thể, nghiêm túc lắng nghe nhiều ý kiến, phân tích các tình huống, khả năng khác nhau; xử lý mọi việc đều phải thận trọng, chu toàn. Nếu không phải như thế thì chính là một người xưng bá.

Đồng thời Mao khẳng định, nếu lãnh đạo như vậy thì đó chính là "Bá vương" và cho rằng, nếu những lãnh đạo này không thay đổi, họ tất sẽ có ngày phải rơi vào cảnh "biệt cơ".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại