Ảnh minh họa
Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, đến hết tháng 10/2023, xuất khẩu tôm của nước ta thu về 2,8 tỷ USD, giảm 24% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong số các thị trường, Mỹ, Trung Quốc và Hong Kong, Nhật Bản là 3 thị trường lớn nhất của tôm Việt Nam. Cụ thể, thị trường Mỹ đứng đầu với với tỷ trọng 21%, đạt 589 triệu USD, giảm 20% so với cùng kỳ năm 2022. Đây cũng là thị trường ghi nhận mức tăng trưởng dương trong 4 tháng liên tiếp.
Nguồn: Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP)
Xếp thứ 2 là thị trường Trung Quốc và Hong Kong với 517 triệu USD trong 10 tháng đầu năm, giảm 5% so với cùng kỳ năm 2022. Trong giai đoạn từ tháng 6/2023 – 8/2023, thị trường này ghi nhận 3 tháng liên tiếp nhập khẩu tôm của Việt Nam.
Nhật Bản đứng thứ 3 với 416 triệu USD trong 10 tháng đầu năm, giảm 26% so với cùng kỳ năm 2022.
Nguồn: Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP)
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) Việt Nam có hơn 600.000 ha nuôi tôm với hai loài tôm sú và tôm trắng. Nước ta cũng là quốc gia sản xuất tôm sú hàng đầu thế giới với sản lượng 300.000 tấn mỗi năm. Đây là loài nuôi truyền thống của Việt Nam trong khi tôm trắng được nuôi ở nhiều tỉnh trong nước kể từ năm 2008.
Các vùng nuôi chính tập trung ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. 5 tỉnh có diện tích nuôi tôm lớn nhất gồm Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Bến Tre và Kiên Giang. Hàng năm, ngành tôm đóng góp khoảng 40- 45% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản, tương đương 3,5- 4 tỷ USD.
Hiện tôm Việt Nam được xuất khẩu đến 100 quốc gia, trong đó 5 thị trường lớn nhất gồm: Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. Với những nỗ lực không ngừng, Việt Nam đã trở thành nước cung cấp tôm đứng thứ hai thế giới với giá trị xuất khẩu chiếm 13-14% tổng giá trị xuất khẩu tôm của toàn thế giới.
Tôm Việt Nam xuất khẩu cũng nhận được lời khen ngợi tại các thị trường khó tính. Tại chuỗi nhà hàng hải sản Shaking Crab ở bang New Jersey (Mỹ), để chế biến các món từ tôm, nhà hàng thường lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc từ Việt Nam hoặc Mexico. Theo các đầu bếp ở đây, tôm Việt Nam chắc thịt, có vị giòn và ngọt. Các món từ tôm kết hợp với nước sốt đặc biệt của Shaking Crab là thực đơn yêu thích của nhiều khách hàng dù là ăn tại chỗ hay lấy để mang về.
Theo thống kê của Viện Thủy sản Quốc gia Mỹ, tôm là loại hải sản được ưa thích nhất trong thực đơn của người tiêu dùng ở quốc gia này. Hàng năm, mỗi người dân Mỹ sẽ tiêu thụ trung bình khoảng 2 kg tôm.
Trong năm 2023, tình hình lạm phát đã ảnh hưởng đến chi phí đầu vào tăng, đồng Euro mất giá, nhu cầu tiêu thụ trên thế giới giảm kết hợp với tình hình xung đột giữa Nga - Ukraine kéo dài đã làm ảnh hưởng đến xuất khẩu. Cũng theo VASEP, điều cần làm ngay bây giờ của ngành thủy sản là nắm bắt, bám sát tình hình thị trường, trên cơ sở đó giúp người nuôi duy trì sản xuất, duy trì nguyên liệu, đồng thời kiểm soát tốt dịch bệnh.
Theo VASEP, năm 2023, xuất khẩu tôm dự kiến đạt 3,6 tỷ USD và xuất khẩu các mặt hàng hải sản khác đạt khoảng 3,5 tỷ USD.