Tàu sân bay HMS ‘Implacable’ của Anh. Ảnh: RBTH
Đây là một “con mồi” quá tốt nên không thể bỏ lỡ. Các máy bay ném bom bổ nhào và ngư lôi Fairey Barracuda bắt đầu cất cánh từ boong tàu sân bay, cùng với những chiếc tiêm kích khác. Không một ai trong đội quân của Anh lúc bấy giờ có thể tưởng tượng ra một sai lầm thảm khốc mà họ sắp mắc phải.
Sai lầm định mệnh
Trước khi bắt đầu Thế chiến II, Rigel hoạt động ở Na Uy như một tàu chở hàng. Sau khi Đức chiếm đóng Na Uy năm 1940, tàu Rigel được quân đội Đức trưng dụng, sau đó được sử dụng để vận chuyển binh sỹ và các trang thiết bị quân sự.
Tàu Rigel phục vụ quân đội Đức. Ảnh: RBTH
Tuy vậy, khi tàu Rigel bắt đầu hành trình “xấu số” tháng 11/1944 nó không vận chuyển binh sỹ và các trang thiết bị cho quân Đức. Trên con tàu được 400 binh sỹ bảo vệ là 95 lính Đức đào ngũ và hơn 2.200 tù nhân chiến tranh – phần lớn là Hồng quân Liên Xô , cùng một số người Nam Tư.
Được sử dụng tạm thời như một “nhà tù nổi”, nhưng con tàu hoàn lại hoàn toàn không phù hợp để làm điều đó. Các tù nhân bị giam trong khoang hàng, trong điều kiện quá đông đúc, chật chội, không có cửa thông gió, cũng không có điều kiện vệ sinh đảm bảo.
Khi phát hiện ra con tàu, các phi công của Anh hoàn toàn không hề hay biết về điều đó. Họ tin rằng họ đã phát hiện ra tàu chở quân Đức đang đưa tiếp viện tới Trung Âu.
Thảm kịch
Tất nhiên, con tàu Rigel không được bảo vệ này đã chẳng có cơ hội nào trước máy bay của Anh. Sau khi trúng vài đòn trực tiếp, con tàu bắt đầu chìm một cách nhanh chóng. Bom đã phá hủy cầu thang ở khoang hàng, đẩy hàng trăm người vào cái chết ngay lập tức.
Một chiếc máy bay Fairey Barracuda. Ảnh: RBTH
Những người xoay sở lên được boong tàu lại lao vào cuộc chiến để giành giật bất cứ thứ gì có thể làm phao cứu sinh.
“Đó là cuộc chiến sống còn. Khi đó, tôi còn trẻ và khỏe, tôi cũng phải giành giật để cứu sống mình”, Asbjørn Schultz nhớ lại.
Bị bắt vì đánh nhau với một lính Đức, Asbjørn Schultz là một trong 8 tù nhân người Na Uy trên tàu Rigel và là người duy nhất trong số đó sống sót.
Mọi người đều bị thiêu sống trong những ngọn lửa, hoặc chết đuối trong dòng nước lạnh giá. “Cả nước biển lẫn không khí đều lạnh ngắt. Người Anh tiếp tục bắn vào tất cả mọi thứ trên mặt nước cũng như những chiếc phao cứu sinh”, Schultz nói.
Schultz đã tìm cách vào được hòn đảo Rosøya hoang vắng, cách đó vài trăm mét, trên một chiếc phao cứu sinh. Ngoài Schultz, còn có 1 lính Đức và một tù nhân Liên Xô. Vào tới bờ, mỗi người mỗi ngả.
Sai lầm của Hải quân Hoàng gia Anh đổi bằng hơn 2.000 sinh mạng, phần lớn là các tù nhân chiến tranh Liên Xô. Tổng cộng có 267 người được cứu sống, chủ yếu là nhờ Heinrich Rhode, thuyền trưởng tàu Rigel, đã cố gắng tới phút chót cố lái con tàu đang chìm vào vùng nước nông gần đảo Rosøya.
Suốt một thời gian dài, thi thể những con người xấu số trên con tàu Rigel đó trôi dạt vào bờ biển hoặc mắc vào lưới cá của các ngư dân địa phương.
Bản thân con tàu chìm Rigel trở thành ngôi mộ tập thể. Suốt hàng chục năm, người ta vẫn nhìn thấy phần mũi tàu Rigel trên những con sóng gần hòn đảo Rosøya. Thi thể những người đã chết chỉ được vớt lên vào năm 1969 và chôn cất tại một nghĩa trang quân sự trên hòn đảo Tjøtta gần đó.