Cơ quan chức năng đang vào cuộc tìm nguyên nhân, nhưng theo một số chủ trang trại có kinh nghiệm nuôi cá hồi nhiều năm thì nhiều khả năng có người đầu độc nguồn nước.
Tìm thấy vỏ chai thuốc sâu gần nguồn nước
Tiếp chúng tôi tại căn lán nhỏ, ông Nguyễn Thái Bình, chủ trang trại nuôi cá nước lạnh tại thôn Nậm Cang 1, xã Nậm Cang (Sa Pa) nói giọng đầy chua xót: “Khi đầu tư nuôi cá nước lạnh tại nơi xa xôi, hẻo lánh thế này chúng tôi chỉ lo thiên tai tàn phá, ai ngờ lại gặp nhân tai”.
Hơn 2 vạn con cá hồi tại trang trại của ông Nguyễn Thái Bình nay chỉ còn 500 con.
Ông Bình từng có kinh nghiệm nuôi cá nước lạnh nhiều năm tại Sa Pa. Trước đây, ông cùng một số anh em, bạn bè góp vốn nuôi tại xã Bản Khoang.
Nhận thấy khu vực xã Nậm Cang cũng có nhiều tiềm năng nuôi cá nước lạnh, năm 2015, ông Bình đã đứng ra cùng với một số người dân địa phương thành lập tổ hợp tác nuôi cá nước lạnh tại đây.
Đầu tư gần 2 tỷ đồng san gạt mặt bằng, xây dựng đường lên trang trại, bể nuôi cá, hệ thống dẫn nước và mua giống, ông Bình hy vọng lứa cá đầu tiên sau khi thu hoạch sẽ giúp ông trang trải hết khoản nợ và có thêm vốn để tiếp tục mở rộng quy mô trang trại thì bất ngờ tai họa ập đến.
Khoảng 14 giờ 30’ ngày 14/10, khi mọi người trong trang trại vừa ăn trưa xong, ngồi nhìn xuống bể cá thì thấy có dấu hiệu bất thường. “Cá hồi rất khó tính, khi có dấu hiệu bất thường là chúng có biểu hiện khác ngay”.
Chưa kịp hiểu chuyện gì đang xảy ra thì cá cứ lần lượt nổi trắng bể trong sự hốt hoảng của ông Bình và những người làm cùng.
Xác định có thể nước đã bị nhiễm gì đó độc hại, ông Bình hô hoán mọi người chặn nguồn nước vào và tiến hành xả bể, nhưng vẫn không thể cứu được đàn cá.
“Do diện tích bể không lớn, mật độ cá lại dày, nên chất độc quẩn trong bể không thoát ra được. Hơn 2 vạn con cá hồi chết gần hết, chỉ còn lại 500 con. Ước tính thiệt hại khoảng 2 tỷ đồng”. – ông Bình cho biết.
Sau đó, ông Bình có cho người đi kiểm tra nguồn nước thì phát hiện phía đầu nguồn có một số vỏ thuốc trừ sâu bị vứt lại. “Kẻ xấu đã cố tình hãm hại khi thả thuốc sâu vào nguồn nước chính dẫn về bể cá.” – ông Bình khẳng định.
Ông Tẩn Trần Quyên, Trưởng thôn Nậm Cang 1 thì bức xúc bởi nguồn nước dẫn vào bể cá hồi cũng là nguồn nước sinh hoạt của 76 hộ dân thôn Nậm Cang 1, rất may khi thấy cá hồi chết, đã kịp thông báo cho người dân ngưng sử dụng nước kịp thời.
“Có nhà đã nấu cơm chín rồi vội vàng đổ nồi cơm đi vì quá sợ hãi” – Trưởng thôn Tẩn Trần Quyên cho biết.
Trang trại nuôi cá nước lạnh của ông Phàn Dào Quẩy nằm ở phía dưới trang trại của ông Nguyễn Thái Bình do dùng chung nguồn nước này, nên cũng bị thiệt hại nặng.
Hơn 800 con cá hồi (hơn 5 tạ) gần đến ngày xuất bán chết trắng bể, thiệt hại khoảng 200 triệu đồng.
Người nuôi cá vô cùng lo lắng
Ngay sau khi vụ việc xảy ra, cơ quan chức năng đã xuống địa bàn kiểm tra hiện trường, thu thập mẫu nước và đang tiến hành làm rõ vụ việc.
Ông Phàn Phủ Seng, Chủ tịch UBND xã Nậm Cang cho biết: Chúng tôi rất mong cơ quan chức năng sớm làm rõ vụ việc vì không chỉ làm thiệt hại về kinh tế mà còn gây tâm lý bất an của người dân trên địa bàn.
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sa Pa, vài năm trước trên địa bàn huyện đã từng xảy ra những vụ cá hồi chết nghi do bị đầu độc tương tự như vụ việc tại xã Nậm Cang vừa qua.
Riêng tại xã Bản Khoang, khu vực tập trung nhiều trang trại nuôi cá nước lạnh của Sa Pa đã ghi nhận ít nhất 3 chủ trang trại có báo cáo cá chết nghi do bị đầu độc.
Đó là ông Chảo Láo Lở, bị thiệt hại 1,5 tấn cá; ông Chảo Duần Chiêu, thiệt hại 1,5 tấn cá; ông Chảo Phù Chẳn, thiệt hại 1 tấn cá.
Một số chủ trang trại cá nước lạnh tại Bản Khoang (không tiện nêu tên), khẳng định nguồn nước nhà mình đã từng bị nhiễm một số chất lạ khiến cá chết hàng loạt. Tuy nhiên, họ rất ngại báo cơ quan chức năng vì sợ nếu đúng là có kẻ xấu hãm hại thì không loại trừ khả năng sẽ tiếp tục bị trả thù.
Ông Nguyễn Tiến Thành, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sa Pa cho biết, nuôi cá nước lạnh đòi hỏi đầu tư lớn, nên khi xảy ra những vụ việc như trên, người nuôi cá bị thiệt hại rất nặng nề, bên cạnh đó còn ảnh hưởng tâm lý người nuôi.
Hiện, ngành nông nghiệp chưa có cơ chế hỗ trợ cho những trang trại bị thiệt hại như trên. “Chúng tôi rất mong cơ quan điều tra sớm tìm ra nguyên nhân để không ảnh hưởng đến việc phát triển cá nước lạnh trên địa bàn”. – Ông Thành nói.