Đạo luật Đối phó với các Đối thủ của Mỹ thông qua Trừng phạt (CAATSA) được Washington ban hành nhằm mục đích áp đặt các lệnh trừng phạt lên Iran, Triều Tiên và Nga.
CAATSA cũng đề xuất những biện pháp tương tự đối với các quốc gia có quan hệ mua bán với các tổ chức quốc phòng của Nga. Ấn Độ vừa đặt bút ký mua của Nga các hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 trị giá hơn 5 tỷ USD cũng đang đứng trước nguy cơ bị Mỹ trừng phạt theo đạo luật này.
Trước đó, cũng bởi vì Trung Quốc đã mua S-400 từ Nga nên Mỹ đã áp đặt các lệnh trừng phạt lên Bắc Kinh. Mỹ đã ra lệnh trừng phạt Cục Phát triển Thiết bị Trung Quốc, đơn vị quân sự chịu trách nhiệm mua sắm vũ khí và trang thiết bị cùng người lãnh đạo của cơ quan này là ông Li Shangfu vì đã có các giao dịch với Rosoboronexport, nhà xuất khẩu vũ trang chính của Nga.
Ngoài ra, Mỹ cũng tuyên bố CAATSA được ban hành là để trừng phạt Nga vì đã sáp nhập Crimea cũng như can thiệp quân sự và cuộc nội chiến ở Syria và vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, những cáo buộc mà Moscow luôn phủ nhận.
Thế nhưng, còn có điều gì khác nữa khiến Chính quyền Donald Trump phải quan ngại đến thế về Nga?
Mặc dù Mỹ cũng đã áp đặt các lệnh trừng phạt Trung Quốc vì mua tiêm kích phản lực Su-35 của Nga nhưng theo nhiều chuyên gia của EurAsian Times, Washington đặc biệt lo lắng về tốc độ lấn chiếm thị phận nhanh chóng của hệ thống S-400.
Một số đồng minh chủ chốt của Mỹ như Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ đã ký hợp đồng mua các tổ hợp vũ khí này của Nga trong khi Bahrain và Saudi Arabia có thể cũng sẽ đặt bút ký trong tương lai gần.
Trung Quốc, một trong những đối thủ lớn nhất của Mỹ không những mua mà còn đã triển khai S-400. Trong khi đó, Moscow lại cũng vừa mới quyết định điều động tới Syria các hệ thống S-300 tiên tiến, được đánh giá là tổ hợp vũ khí bộc lộ mối đe dọa to lớn với các máy bay tiêm kích tàng hình F-35 của Mỹ.
Hệ thống phòng không Patriot của Mỹ khai hỏa
Trước những diễn biến nên trên, một câu hỏi đặt ra là liệu có phải các hệ thống tên lửa Patriot đang đánh mất thị phần trước đà "tiến công" của S-400? Hoặc liệu Patriot có đủ sức cạnh tranh nổi với S-400?
Cả hai đều là những hệ thống đất đối không được thiết kế để bắn hạ bất cứ mục tiêu tấn công nào, dù là tên lửa hành trình hay máy bay chiến đấu. Tuy nhiên, với tầm tấn công 250 km, S-400 của Nga có lợi thế hơn so với Patriot của Mỹ khi chỉ bắn được ở khoảng cách 160 km. Phiên bản nâng cấp của S-400 còn có thể đạt tầm với lên tới 400 km.
Tuy nhiên, lợi thế được đánh giá là lớn nhất của S-400 so với bất kỳ đối thủ cạnh tranh nào khác đó chính là sức mạnh của hệ thống radar khi có thể phát hiện, theo dõi và cuối cùng là tiêu diệt mục tiêu đang di chuyển nhanh gấp 2 lần.
Các chuyên gia của EurAsian Times tin rằng, chính khả năng vượt trội này là một trong những yếu tố chủ chốt nhất giải thích cho lý do tại sao các lãnh đạo an ninh quốc phòng Ấn Độ đặc biệt muốn sở hữu S-400.
Mặc dù cả hai hệ thống đều được đặt trên xe mang phóng di động nhưng S-400 có thể triển khai chiến đấu chỉ trong vòng 5 phút còn Patriot phải mất tới 30 phút.
Bất chấp thực tế Patriot có được thị phần lớn hơn S-400 ở các quốc gia như Đức, Nhật Bản, UAE, Đài Loan, Hà Lan, Hàn Quốc, Saudi Arabia, Tây Ban Nha, Hy Lạp, Israel, Bahrain, Ai Cập, Jordan...nhưng nước Mỹ lại đang rất lo sợ không chỉ về viễn cảnh bị S-400 xâm chiếm thị trường mà đáng lo ngại hơn là khả năng cạnh tranh và danh tiếng của nó trên thị trường quốc tế.
Nhiều nước đang có kế hoạch mua hệ thống phòng thủ S-400 của Nga