S-300 tới Syria: Nga tận dụng "cơ hội vàng" sau vụ IL-20 để dằn mặt Israel, phương Tây

Đại sứ Nguyễn Quang Khai |

Việc Israel gây ra vụ bắn hạ chiếc máy bay IL-20 đã tạo ra cơ hội vàng để Nga tăng cường sự hiện diện quân sự của mình tại Syria.

Ngày 29/9/2018, phát biểu tại một cuộc họp báo bên lề Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) ở New York, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết Moscow đã bắt đầu chuyển giao hệ thống tên lửa phòng không hiện đại S-300 cho Syria.

Trước đó, ngay sau khi chiếc máy bay IL-20 của Nga bị bắn hạ ngày 17/9/2018 tại Syria, theo chỉ thị của Tổng thống Vladimir Putin, Bộ Quốc phòng Nga đã tuyên bố sẽ bàn giao hệ thống tên lửa này cho Damascus trong vòng 2 tuần.

Cùng với S-300, Nga cũng đang cung cấp cho Syria hệ thống kiểm soát phòng không điện tử tự động duy nhất chỉ có ở Liên bang Nga và đến nay mới chỉ được trang bị cho quân đội Nga, đồng thời lắp đặt các trung tâm chỉ huy phòng không và thiết bị gây nhiễu thông tin làm cản trở các hoạt động của đối phương trong không phận Syria.

Đây là các thiết bị điện tử được thiết kế để đánh lừa hoặc đánh lạc hướng radar, sonar, các tia hồng ngoại IR hoặc tia laser, làm vô hiệu hóa mạng lưới liên lạc giữa các trung tâm chỉ huy của đối phương và cài đặt bẫy điện tử để dựng lên các mục tiêu giả.

Các hệ thống phòng không của Nga trang bị cho Syria hiện đại đến mức nào?

Ông Vladimir Mikheev, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn công nghệ Vô tuyến điện tử Nga (RTC), cho biết các tổ hợp phòng không và giám sát của Nga tại Syria có khả năng giám sát tất cả các hoạt động của máy bay ở Israel, Ả rập Saudi và châu Âu.

Các thiết bị này có thể được sử dụng cả trong tấn công và phòng thủ nhằm ngăn chặn đối phương đánh trúng mục tiêu. Bộ Quốc phòng Nga nói rằng các biện pháp này là nhằm mục đích bảo vệ quân đội Nga và không nhằm chống lại bất kỳ bên nào.

S-300 tới Syria: Nga tận dụng cơ hội vàng sau vụ IL-20 để dằn mặt Israel, phương Tây - Ảnh 2.

Hệ thống phòng không hiện đại của Nga lần đầu tiên được triển khai tại Syria. Ảnh: Sputnik.

Đây là hệ thống tên lửa rất tiên tiến, có thể đánh chặn và bắn hạ các mục tiêu trên không ở khoảng cách hơn 250 km, bao gồm cả không phận Lebanon được các máy bay Israel nhiều lần sử dụng để đột kích vào các mục tiêu Syria và Iran ở bên trong lãnh thổ Syria.

Các chuyên gia quân sự cho rằng, các hệ thống này sẽ làm cho Israel không thể tấn công Syria bằng bom loại GBU-39 có điều khiển mà không quân của họ đã sử dụng trong vụ oanh kích Latakia ngày 17/9/2018 vừa qua.

Hợp đồng cung cấp S-300 được ký từ năm 2015, phía Syria đã nộp tiền đặt cọc, nhưng sau đó đáp ứng đề nghị của Israel, Nga đã hoãn bàn giao. Nay Nga quyết định chuyển giao hệ thống tên lửa này cho Syria là để đáp trả việc Israel là "thủ phạm" trong việc chiếc máy bay IL-20 của Nga bị bắn hạ.

Việc làm này của Nga không chỉ nhằm mục đích "bảo đảm an toàn 100% cho các binh lính Nga đồn trú tại Syria" như Tổng thống Putin tuyên bố, mà chủ yếu là cảnh báo Israel phải chấm dứt các cuộc không kích và vi phạm chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Syria.

Nhà báo Gideon Levi đã viết trên tờ "Hareetz" của Israel số ra ngày 28/9/2018: "Cám ơn nước Nga đã cho thấy tiếng nói duy nhất để Israel có thể hiểu được là tiếng nói của sức mạnh. Từ nay trở đi, Israel phải suy nghĩ hết sức kỹ lưỡng trước khi không kích Syria và Lebanon."

Hệ quả quân sự, chính trị của sự cố IL-20

Thông qua việc cung cấp S-300 cho Damascus và tiến hành tập trận rầm rộ tại Địa Trung Hải sát bờ biển Syria, Nga còn gửi đi một thông điệp mạnh mẽ tới Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO), đặc biệt là các lực lượng của Mỹ, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ có mặt bất hợp pháp ở miền Bắc Syria.

Các căn cứ quân sự của NATO ở Iraq, Jordan và Thổ Nhĩ Kỳ buộc phải tính toán kỹ về các hoạt động quân sự của mình. Các máy bay của Liên minh quốc tế bây giờ không thể tự do hoạt động trên không phận Syria nữa và phải suy nghĩ nghìn lẻ một lần trước khi quyết định bất cứ hành động quân sự nào chống Syria.

Bước đi này của Nga cũng là nhằm kiềm chế ảnh hưởng và tham vọng của Thổ Nhĩ Kỳ ở Tây-Bắc Syria, buộc Ankara phải thực hiện nghiêm túc các cam kết trong thỏa thuận với Nga tại Sochi ngày 17/9/2018 về Idlib.

S-300 tới Syria: Nga tận dụng cơ hội vàng sau vụ IL-20 để dằn mặt Israel, phương Tây - Ảnh 4.

Theo Cơ quan giám sát nhân quyền Syria (HRW) có trụ sở tại London, các nhóm vũ trang đối lập được Ankara ủng hộ đã bắt đầu rút khỏi khu phi quân sự theo thỏa thuận Nga-Thổ Nhĩ Kỳ.

Mặc dù hết sức căng thẳng, Moscow sẽ không đặt mình vào tình thế thù địch với Israel. Tuy nhiên, việc Israel gây ra vụ bắn hạ chiếc máy bay IL-20 đã tạo ra cơ hội vàng để Nga tăng cường sự hiện diện quân sự của mình tại Syria.

Không quân Israel không còn có thể tự do không kích vào các vị trí của Iran và Hezbollah như trước nữa, và chìa khóa giải quyết sự có mặt của Iran và Hezbollah sẽ nằm trong tay của Moscow.

Nếu việc Nga mở chiến dịch quân sự tại Syria ngày 30/9/2015 đã làm thay đổi cán cân so sánh lực lượng tại chiến trường Syria và cứu chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad khỏi bị sụp đổ, thì việc Nga triển khai các vũ khí và thiết bị quân sự tối tân tại Syria hiện nay đã khẳng định tình hình Syria là không thể đảo ngược, và vai trò không thể thiếu được của Moscow và Damascus trong việc tìm ra giải pháp cho cuộc xung đột Syria.

* Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt lại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại