Vì sao "án binh bất động"?
Truyền thông Syria hôm 1/7 cho biết, một số cuộc không kích đã được tiến hành ở gần Damascus và Homs. Phía Syria tiếp tục cáo buộc Israel đứng sau các cuộc không kích này giống như nhiều lần trước. Trong khi Tel Aviv chưa lên tiếng về thông tin nói trên.
Cuộc tấn công diễn ra chỉ vài giờ sau khi hình ảnh vệ tinh từ công ty ImageSat International (Israel) cho thấy bốn bệ phóng tên lửa phòng không S-300 đặt gần Masyaf - không xa nơi xảy ra cuộc không kích – dường như đã đi vào hoạt động.
S-300 được Nga cung cấp cho Syria vào cuối năm 2018, sau khi một cuộc không kích của Israel ở Latakia được cho là nguyên nhân gián tiếp khiến lực lượng phòng không Syria bắn nhầm vào một máy bay trinh sát của Nga.
Hệ thống vũ khí này được Nga cung cấp như một thông điệp gửi tới Israel sau khi Moscow lên án Israel vì các cuộc không kích nhằm vào Syria.
Tuy nhiên, trong 9 tháng qua, hệ thống S-300 vẫn chưa hoạt động. Chỉ đến ngày 30/6, các bức ảnh vệ tinh từ Israel mới cho thấy lần đầu tiên bốn bệ phóng S-300 và một hệ thống radar đã được thiết lập.
Radar của hệ thống có tầm phát hiện vài trăm km và các tên lửa từ S-300 có thể đánh chặn các mục tiêu lên tới 200 km. Khu vực Masyaf - nơi đặt các hệ thống S-300 chỉ cách khu vực mà Syria vừa bị không kích không xa.
Theo Jerusalem Post, điều này cho thấy các cuộc không kích hôm 1/7 nhắm vào một khu vực nằm ngay trong tầm hoạt động của S-300. Nó đã đặt ra câu hỏi về việc, nếu hệ thống phòng không này đã chính thức hoạt động thì tại sao các cuộc không kích được cho là của Israel lại có thể tiến hành một cách dễ dàng như vậy.
Một ý kiến khác đặt câu hỏi rằng, phải chăng hệ thống phòng không của Syria đã không phát huy hiệu quả trong cuộc tấn công mới nhất của Israel và liệu chúng có thực sự mang tính răn đe như tuyên bố ban đầu của Nga hay không?
Trong quá khứ, các cuộc không kích của Israel đã giảm dần sau sự cố máy bay Nga bị bắn hạ. Ngoài ra, Israel và Nga đã tổ chức các cuộc thảo luận thường xuyên về vấn đề Syria, cũng như những lo ngại của Israel về sự cố thủ của Iran tại đây.
Israel tuyên bố họ không muốn Iran xây dựng thêm căn cứ hoặc chuyển vũ khí qua Syria. Theo giới chức Israel, nước này đã thực hiện hơn 1.000 cuộc tấn công ở Syria trong vài năm qua.
Israel gần đây đã tổ chức cuộc gặp cố vấn an ninh quốc gia ba bên với Nga và Mỹ. Các cuộc thảo luận tập trung vào Syria và khu vực.Các thông điệp từ cuộc họp đã được nêu rõ. Damascus cũng biết rằng bằng cách cho phép Iran tiếp tục cố thủ trong nước sẽ là điều làm gia tăng căng thẳng.
Israel vẫn bị cáo buộc tiến hành các cuộc không kích ở Syria.
Các cuộc không kích hôm 1/7 được cho là trải trên quy mô rất rộng, trong một khu vực hơn 160 km, với phạm vi từ Homs đến Damascus. Một số báo cáo cho rằng cuộc tấn công đã khiến một số dân thường thiệt mạng.
Những dấu hỏi lớn
Sẽ có những câu hỏi về việc hệ thống S-300 phải chăng đã thất bại trong việc ngăn chặn cuộc tấn công của Israel hay chỉ đơn giản là đến lúc này nó vẫn chưa hoạt động.
Tờ Jerusalem Post cho rằng, Syria và Nga có ý đồ khi cố tình trưng bốn bệ phóng S-300 cùng ở một vị trí có thể thấy qua vệ tinh.
Đây có thể là một thông điệp của Syria rằng, các bệ phóng đã sẵn sàng phô diễn sức mạnh và mọi người đều biết chúng được đặt ở đâu. Với bốn bệ phóng, người Syria có khả năng theo dõi tới một trăm mục tiêu và có thể tấn công vào nhiều mục tiêu cùng lúc.
Cuộc không kích ngày 1/7 có thể là một bước ngoặt hoặc dấu hiệu cho nhiều thay đổi sắp tới. Tuy nhiên, những điều thể hiện hiện tại cho thấy, Syria có thể vẫn đang loay hoay trong việc sử dụng thuần thục hệ thống phòng không tiên tiến của mình, hoặc đơn giản là cảnh giác khi lo ngại rằng một khi đưa vào hoạt động, hệ thống có nguy cơ bị tấn công.
Chẳng hạn, theo thông tin từ trang Ynet hồi tháng 5, một hệ thống phòng không Khordad 3 do Iran triển khai - đã được đưa vào căn cứ T-4 - đang chờ lắp đặt thì bị không kích vào tháng 4.
Khordad 3 tương tự S-300 về một số mặt và gây ra mối đe dọa to lớn. Tuy nhiên, các bệ phóng S-300 gần Masyaf không bị hư hại trong cuộc không kích ngày 1/7.