Hôm 24/9, trong một động thái được xem là "đòn trừng phạt" mạnh nhất nhắm vào Israel hậu thảm kịch IL-20, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết Moscow sẽ chuyển giao hệ thống tên lửa S-300 tiên tiến cùng hệ thống tác chiến điện tử cho Quân đội Syria.
Bầu trời Syria thành nơi nguy hiểm nhất thế giới
Sự xuất hiện của hệ thống tên lửa phòng không S-300 được tiết lộ có tầm bắn hơn 250km đương nhiên đã khiến các quốc gia có liên quan tới cuộc chiến Syria "nhảy dựng".
Lần lượt Nga, Israel, Thổ Nhĩ Kỳ và một vài quốc gia khác đồng loạt lên tiếng phản ứng quan ngại, cảnh báo, đe dọa. Tuy vậy, quốc gia có thể nói chịu ảnh hưởng nặng nề nhất sau quyết định "gây sốc" từ phía Nga chính là Israel.
Bấy lâu nay, Tel-Aviv luôn lấy cớ ngăn Iran buôn bán vũ khí lậu bất chấp tất cả xộc thẳng vào không phận Syria đánh bom, bắn tên lửa.
Dẫu vậy, mọi thứ sẽ thay đổi khi mà 2-4 hệ thống S-300 sẽ tới Syria trong vòng 2 tuần tới. Sự có mặt của S-300 biến không phận Syria thành "vùng trời nguy hiểm nhất thế giới" với bất kỳ lực lượng thù địch nào.
Trước khi có S-300, vốn dĩ phòng không Syria đã được đánh giá cao về trang bị khi sở hữu hầu hết các thế hệ tên lửa tầm thấp – tầm xa của Liên Xô như S-200, S-75 Dvina, S-125 Pechora, 2K12 Kub, Buk-M2E, Pantsir-S…
Hệ thống tên lửa phòng không S-300 khai hỏa.
Sự xuất hiện của S-300 sẽ giúp Syria tăng cường đáng kể mối đe dọa không chỉ với máy bay chiến đấu Israel mà tạo thành sự răn đe với cả liên quân do Mỹ đứng đầu nếu có ý định không kích quốc gia này.
Thậm chí, có không ít chuyên gia cho rằng, với S-300 Quân đội Syria sẽ không chỉ "phòng vệ thụ động" mà chuyển sang "thế chủ động" tấn công mạnh mẽ Không quân Israel.
Không những vậy, cánh chuyên gia Israel còn cho rằng khi nắm trong tay S-300 Syria có thể sử dụng nó đe dọa tới hàng không dân dụng nước này.
Với tầm hoạt động lớn của hệ thống radar S-300, Syria có thể theo dõi bất cứ chuyến bay thương mại cất cánh và hạ cánh xuống sân bay quốc tế Ben-Gurion.
Đừng nghĩ Israel "khoanh tay ngoan ngoãn"
Sức mạnh của hệ thống tên lửa S-300 thì khỏi phải bàn, thế nhưng điều đó không có nghĩa là Quân đội Israel sẽ "khoanh tay ngoan ngoãn nằm im".
Chẳng thế mà, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố chắc nịch rằng, nước này sẽ vẫn tiếp tục tấn công các mục tiêu ở Syria bất chấp việc Moscow chuyển S-300 cho Damascus.
Thực tế, Không quân Israel không hẳn là không có kinh nghiệm đối phó với các hệ thống phòng không tiên tiến, thậm chí là hơn cả S-300.
Bởi Nga đã triển khai tên lửa S-400 tới Syria từ lâu để bảo vệ căn cứ không quân Khmeymim và căn cứ hải quân Tartus ở Latakia vào năm 2015. Mà từ đó tới nay, Israel vẫn đều đặn mở nhiều cuộc không kích vào sâu trong lãnh thổ Syria.
Tiêm kích F-35I của Israel.
Mặc dù ở các thời điểm như vậy, Nga và Israel có thỏa thuận ngầm không gây hại lẫn nhau nhưng chắc hẳn hai bên sẽ có sự thăm dò đáng kể về năng lực của nhau.
Với Nga, việc phát hiện các máy bay Israel giúp phòng không Syria đánh trả hiệu quả. Còn Israel, đó là những cơ hội để họ tập dượt trong trường hợp phải đối đầu ở tương lai.
Không rõ hai bên đã thu được những gì, nhưng Israel chắc chắn đã có hiểu biết nhất định về hệ thống phòng không tiên tiến của Nga. Đó là kinh nghiệm quý giá để khắc chế S-300 hay S-400.
Và nay, họ đang có cơ hội lớn thực nghiệm những gì mà mình nghiên cứu được. Đánh bại được S-300 của Syria cũng là giáng một đòn đau vào danh tiếng hệ thống phòng không Nga.
Ngoài kinh nghiệm, Không quân Israel cũng có kho vũ khí cho phép họ lập nên "kỳ tích".
Đó là tiêm kích kích tàng hình F-35I vốn được thiết kế cho nhiệm vụ thâm nhập khu vực được bảo vệ kỹ càng nhất.
Và các tên lửa đối đất tầm xa cho phép máy bay mang phóng không nhất thiết là phải bay sâu vào trong "vùng đất dữ" khai hỏa.
Có thể nói, tên lửa S-300 tạo ra thách thức "khổng lồ" với Không quân Israel là có, nhưng không có nghĩa sở hữu loại vũ khí này phòng không Syria sẽ không sợ bất kỳ ai. Bởi lịch sử đã chứng minh, vũ khí chỉ là một phần, con người mới quyết định tất cả!
Uy lực khẩu pháo 25mm trên tiêm kích tàng hình F-35.