Quyết định rút các lực lượng của Mỹ khỏi khu vực Trung Đông và mới đây nhất là rút quân Mỹ ra khỏi miền Bắc Syria là một trong những bằng chứng về sự thất bại trong chính sách của Washington tại Trung Đông.
Tổng thống Donald Trump đã công khai thừa nhận sự thất bại của Mỹ ở khu vực này kể từ cuộc xâm lược Iraq năm 2003. Ông nói "Washington đã chi 8 ngàn tỷ USD cho các hoạt động quân sự ở Trung Đông mà không đem lại lợi ích gì. Sự can dự của Mỹ vào các vấn đề của khu vực là một giải pháp tồi tệ nhất."
Quyết định này của Tổng thống Trump đã gặp phải một làn sóng chỉ chính mạnh mẽ không chỉ của đảng Dân chủ mà cả đảng Cộng hoà, bởi vì đây được coi là một sự rút lui khỏi khu vực, đồng minh, tạo điều kiện để Thổ Nhĩ Kỳ mở chiến dịch quân sự tiêu diệt các lực lượng vũ trang của người Kurd ở miền Bắc Syria. Ngày 17/10/2019, Quốc hội Mỹ đã bỏ phiếu với đa số áp đảo chưa từng có (354/60), trong đó có 129 phiếu của đảng Cộng hoà lên án Trump quyết định rút quân.
Cuộc xung đột Syria đang bước vào hồi kết không có sự tham gia của Mỹ
Việc rút quân Mỹ khỏi Syria không phải như Lầu Năm góc giải thích là do cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã kết thúc. Một số ý kiến khác trong chính quyền Mỹ cho rằng, mục tiêu của Tổng thống Trump giảm cam kết với người Kurd là để tập trung vào chống chính quyền Bashar Al-Assad, Iran và Nga.
Ý kiến này hoàn toàn không thuyết phục. Cuộc xung đột Syria đang đi vào hồi kết với việc tuyên bố thành lập Uỷ ban Hiến pháp 150 thành viên đại diện cho chính quyền Damascus, phe đối lập và tất cả các tầng lớp của xã hội dân sự.
Đoàn xe quân sự Mỹ dừng lại gần thị trấn Tel Tamr, Bắc Syria ngày 20/10 vừa qua. Ảnh: AP
Hơn 90% lãnh thổ Syria đã được giải phóng, nhiều nước Ả Rập đã nối lại quan hệ ngoại giao với Syria và hiện đang thoả thuận để đưa Syria trở lại Liên đoàn Ả Rập (AL). Diễn đàn Astana đang phát huy kết quả trong giải quyết cuộc xung đột Syria mà không có Mỹ. Tổng thống B. Al-Assad đang làm chủ cuộc chơi. Các nhà quan sát cho rằng Nga, Iran và chính quyền Syria đang "thu chiến lợi phẩm" sau khi Mỹ rút.
Sa lầy tại Afghanistan, Mỹ đang tìm cách rút quân
Tại Afghanistan, Mỹ đã bị sa lầy vào cuộc chiến kéo dài 18 năm mà Tổng thống D. Trump gọi là "một cuộc chiến không có hồi kết". Ông đang rất muốn rút khỏi vũng lầy này thông qua các cuộc đàm phán với phong trào đối lập Taliban tại Doha của Qatar.
Việc rút quân Mỹ khỏi Afghanistan, giống như Syria cũng sẽ tạo ra một khoảng trống cho Nga, Pakistan, Iran, Ấn Độ và cả Trung Quốc nữa khi Bắc Kinh đang chủ trương mở rộng ảnh hưởng của mình sang phía Tây thông qua sáng kiến "Vành đai, con đường".
Không bình định được Iraq, Baghdad rơi vào vòng ảnh hưởng của Tehran
Tại Iraq, mặc dù chính quyền của Tổng thống Saddam Hussein bị lật đổ đã 16 năm, một lực lượng hùng hậu của Mỹ có mặt tại nước này đã không ổn định được tình hình. Các cuộc biểu tình rầm rộ đầu tháng 10/2019 vừa qua trên khắp đất nước Iraq chống chính phủ, đòi cải thiện đời sống đã làm gần 200 người chết và hàng ngàn người khác bị thương. Ngày càng có nhiều tiếng nói của người dân cũng như lãnh đạo Iraq đòi Mỹ rút quân. Iraq đang rơi vào vòng ảnh hưởng của Iran.
Hiện nay, 3/4 lãnh đạo cấp cao của Iraq theo dòng Shiite thân Iran, trong đó có Tổng thống Bahram Salih và Thủ tướng A. Abdul Mahdi. Phần lớn các nhân vật này đã sống thời gian dài, được học tập và đào tạo tại Iran.
Sau khi chế độ Saddam Hussein bị sụp đổ năm 2003, người Shiite lên nắm quyền, đẩy người Sunni trở thành phe đối lập thiểu số. Các lực lượng dân quân Hashd Sha’abi theo dòng Shiite thân Iran được coi là quân đội thứ hai tại Iraq đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc giữ gìn an ninh và bảo vệ chính quyền Shiite.
Theo báo The National Interest của Mỹ, Đại sứ quán Mỹ tại Baghdad là lớn nhất thế giới với diện tích gấp 6 lần trụ sở Liên hợp quốc tại New York, biên chế 1000 cán bộ ngoại giao và các quan chức trực thuộc. Số nhân viên an ninh bảo vệ Sứ quán lên tới 3000 người. Chi phí hàng năm cho Đại sứ quán này lên tới gần 1 tỷ USD. Mặc dù vậy, ảnh hưởng của Mỹ tại Iraq chưa bao giờ giảm sút như hiện nay kể từ khi lật đổ chế độ Saddam Hussein năm 2003. Có thể nói, Iran đang thắng trong cuộc chiến giành ảnh hưởng tại Iraq.
Căng thẳng với đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ
Mỹ đã để mất Thổ Nhĩ Kỳ là đồng minh quan trọng nhất của mình và là quốc gia thành viên quyền lực thứ hai trong khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Những nỗ lực của Washington trong việc hàn gắn sự rạn nứt và giải quyết các bất đồng trong quan hệ căng thẳng với Ankara đã không thành công.
Quan hệ đồng minh Mỹ- Thổ Nhĩ Kỳ đang rạn nứt. Ảnh: AP
Trước những lời đe doạ của Tổng thống Trump "sẽ phá huỷ nền kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ", Tổng thống Erdogan vẫn quyết định mở chiến dịch quân sự vào miền Bắc Syria để quét sạch lực lượng của "Các đơn vị bảo vệ nhân dân (YPG)" của người Kurd, đồng minh của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố mà không phối hợp với Mỹ.
Bất chấp các biện pháp trừng phạt của Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn thi hành chính sách hướng đông, thắt chặt quan hệ với Nga. Ankara vẫn quyết định mua hệ thống phòng không hiện đại S-400 của Nga, tiếp tục quan hệ với Iran, ủng hộ phong trào Hamas ở Gaza và đi đầu trong việc chống lại quyết định của Mỹ công nhận Jerusalem là Thủ đô của Israel.
Cuộc xung đột Israel - Palestine bế tắc
Giải pháp cho cuộc xung đột Israel - Palestine càng ngày càng đi vào bế tắc do Tổng thống D. Trump đã thay đổi hoàn toàn quan điểm của chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama. Việc công nhận Jerusalem là Thủ đô của Israel và chuyển Đại sứ quán Mỹ về thành phố này cũng như việc công nhận cao nguyên Golan của Syria bị chiếm đóng là một phần lãnh thổ của Israel chứng tỏ Washington hoàn toàn thiên vị Israel và không còn có thể đóng vai trò là người trung gian hoà giải đáng tin cậy trong đàm phán hòa bình.
Đã ba năm trôi qua kể từ khi ông Trump trở thành ông chủ Nhà Trắng, cuộc xung đột không những không được giải quyết mà còn trở nên căng thẳng hơn. Không chỉ người Palestine mà cả người dân Israel cũng tỏ ra thất vọng trước kế hoạch hoà bình với cái tên "Thoả thuận thế kỷ" của Mỹ.
"Thoả thuận thế kỷ" của Mỹ nhằm giải quyết cuộc xung đột Israel-Palestine được coi như đã thất bại trước khi mó được công bố chính thức, vì nó đi ngược lại các nghị quyết của Liên hợp quốc, đặc biệt là nghị quyết 181 (1947) của Đại hội đồng Liên hợp quốc, nghị quyết 242 (1967), 338 (1972) của Hội đồng Bảo an, Hiệp định Oslo về các nguyên tắc của giải pháp (1993) ký kết giữa Israel và Palestine và giải pháp hai nhà nước đã được cộng đồng quốc tế và chính Mỹ và Israel trước đây đã từng ủng hộ.
Kế hoạch này của chính quyền Tổng thống Trump thực chất là nhằm xoá bỏ vấn đề Palestine, hoàn toàn không đề cập gì đến việc thành lập Nhà nước Palestine theo đường biên giới trước năm 1967 mà chỉ tập trung vào việc đầu tư gọi là "giúp đỡ" Bờ Tây và dải Gaza xây dựng và phát triển kinh tế. Đây là ý đồ muốn dùng chiêu bài kinh tế để làm lu mờ các mục tiêu chính trị, hợp pháp hoá sự chiếm đóng của Israel đối với các vùng lãnh thổ Palestine.
Tổng thống Nga V. Putin và Quốc vương Ả Rập Saudi Salman bin Abdulaziz Al Saud. Ảnh: Reuters
Có thể nói, đây là một thất bại nữa trong chính sách Trung Đông của Mỹ. Ngay cả Mỹ cũng không tin vào sự thành công của "Thỏa thuận trên thế kỷ". Gần đây, chính ông Trump đã tuyên bố rằng Ngoại trưởng Mike Pompeo có thể đúng khi ông tỏ ra nghi ngờ về khả năng thành công của kế hoạch này.
Nước Nga khôi phục vị trí cường quốc trở lại Trung Đông
Trong những năm trở lại đây, sau một thời kỳ khó khăn do Liên Xô tan rã, nước Nga bắt đầu phục hồi lại vị trí cường quốc của minh. Việc đưa quân sang Syria (9/2015), lần đầu tiên kể từ khi rút khỏi Afghanistan (1987) có thể coi là bước ngoặt, đánh dấu sự trở lại Trung Đông mạnh mẽ của Nga.
Các nước Trung Đông, trước hết là Ả Rập Saudi và các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), qua thực tế đã nhận thấy rằng không thể dựa vào Mỹ và phương Tây để bảo đảm an ninh cho mình. Mặc dù hết sức căng thẳng với Iran trong vấn đề hạt nhân và tuyên bố rất mạnh ủng hộ Ả Rập Saudi và UAE, nhưng trên thực tế. Washington đã không dám đối đầu quân sự với Iran. Mới đây nhất, các lực lượng của Mỹ với đầy đủ các loại vũ khí hiện đại nhất đóng tại Ả Rập Saudi đã tỏ ra bất lực trước việc các cơ sở dầu mỏ của Aramco bị tấn công.
Hơn nữa Mỹ và phương Tây luôn luôn chỉ trích Ả Rập Saudi và UAE về các vấn đề nhân quyền. Các nước này đã trừng phạt Ả Rập Saudi do nhà báo Jamal Khashogi bị giết hại. Trong khi đó, Nga coi vụ giết hại J. Khashogi là công việc nội bộ của Ả Rập Saudi.
Trong tình hình như vậy, Ả Rập Saudi và UAE phài đa dạng hoá quan hệ, ngả sang tăng cường quan hệ với Nga. Nga trở thành đối tác quan trọng và tin cậy của các nước vùng Vịnh. Khác với Mỹ đứng về một bên để chống lại bên kia, gây căng thẳng trong quan hệ giữa các nước, Nga có thề trở thành đối tác tin cậy, giúp các nước khu vực giải quyết bất đồng và các cuộc xung đột, khôi phục lại hoà bình, an ninh và ổn định ở Trung Đông nói chung và vùng Vịnh nói riêng.
Chuyến thăm của Tổng thống Vladimir Putin tới Ả Rập Saudi và các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), hai quốc gia có vai trò và ảnh hưởng lớn nhất, hai đồng minh quan trọng nhất của Mỹ tại Trung Đông từ 14-16/10 vừa qua đã đưa quan hệ hợp tác giữa Nga và các nước này lên mức phát triển cao nhất từ trước tới nay. Hàng chục thoả thuận hợp tác trong tất cả các lĩnh vực đã được ký kết, kể cả hợp tác quân sự.
Các nhà lãnh đạo của cả Nga, Ả Rập Saudi và UAE đề đánh giá rất cao kết quả chuyến thăm và cho rằng quan hệ hợp tác với Nga chưa bao giờ phát triển tốt đẹp như hiện nay. Lãnh đạo cao nhất của cả ba nước đều khẳng định mong muốn phát triền mạnh mẽ hơn nữa quan hệ hữu nghị và hợp tác tay đôi.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis khi còn đương nhiệm đã mô tả chính sách Trung Đông của Washington là "không có chiến lược". Chính sách này đang làm mất lòng tin của các đồng minh của Mỹ tại khu vực và phải đi tìm các đồng minh khác tin cậy hơn. Điều này có nghĩa là một tổn thất chiến lược lớn của Mỹ ở khu vực địa-chính trị hết sức quan trọng này của thế giới.
Tình hình hiện nay cho thấy Mỹ đang đứng trước những thách thức hết sức to lớn. Trong cuộc bầu cử băm 2020 sắp tới, dù ông Trump tái cử hay bất cứ nhân vật nào khác lên nắm quyền cũng sẽ phải đối phó với rất nhiều khó khăn trong quan hê với các nước Trung Đông và giải quyết các vấn đề của khu vực này.
Tiêu đề do toàn soạn đặt lại.