Rút quân khỏi Afghanistan – nước cờ đầy rủi ro của Mỹ

Việt Anh |

Những tuyên bố của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump về tiến trình đối thoại hòa bình với Taliban đang gây lo sợ đối với các đồng minh của Mỹ, rằng sự thiếu kiên nhẫn của Tổng thống Trump về cuộc chiến tại Afghanistan sẽ dẫn tới những động thái rút quân quá sớm, khiến nước này có nguy cơ trở lại tình trạng bất ổn giống như hoàn cảnh đã thôi thúc Mỹ đưa quân vào đây lúc ban đầu.

Những cuộc đối thoại giữa phái đoàn Mỹ và lực lượng Taliban đang có nhiều tiến triển trong những tuần vừa qua, sau khi Chính phủ Mỹ cho biết sẽ rút quân khỏi Afghanistan.

Điều này khiến những người chỉ trích Tổng thống Trump cho rằng ông đang đi ngược lại những cáo buộc của mình đối với ý định kết thúc sự tham chiến của Mỹ tại Afghanistan vào năm 2014 của nguyên Tổng thống Barack Obama.

“Đây là nỗ lực để đặt dấu son trong cái gọi là sự rút lui của Mỹ,” ông Ryan Crocker, cựu đại sứ Mỹ tại Kabul dưới thời Tổng thống Obama, cho biết.

Việc đạt được thỏa thuận để giải quyết một trong những cuộc chiến dài lâu nhất của Mỹ đang là vấn đề khiến Tổng thống Trump phải đau đầu.

Ông Trump đã nhiều lần công khai ý định muốn kết thúc những vướng mắc quân sự ở nước ngoài, điều đã được vị đương kim Tổng thống Mỹ làm rõ vào tháng 12 năm ngoái, với việc tuyên bố đã đánh bại nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Syria, cùng với thông báo sẽ rút toàn bộ 2.000 lính Mỹ khỏi nước này, bất chấp những phản đối từ các cố vấn chính sách đối ngoại cấp cao của mình.

Tình hình còn căng thẳng hơn tại Afghanistan, với một cuộc xung đột đã phải trả giá bằng sinh mạng của 2.400 binh sĩ, và hàng trăm tỉ Đô la tiền thuế của người dân.

Tại nơi đây, Mỹ đã từng đổ quân từ tháng 10 năm 2001 để tiêu diệt phiến quân Taliban và Al-Qaeda, không chỉ nhằm đáp trả cuộc tấn công khủng bố 11 tháng 9, mà để ngăn chặn việc biến Afghanistan thành một “thiên đường khủng bố”, như lời giám đốc CIA từng cảnh báo vào hôm thứ Ba vừa qua.

Nhưng giờ đây, thậm chí những đảng viên Cộng hòa thân cận cũng lo lắng với việc Tổng thống Trump nôn nóng muốn rút quân khỏi Afghanistan trước khi nước này kịp ổn định tình hình trở lại, vì nó sẽ gây ra tiền lệ như những gì Mỹ phải đối mặt trong cuộc xung đột lần đầu tiên tại nước này.

Taliban giờ đã kiểm soát gần 1 nửa lãnh thổ Afghanistan và đang tiến hành những cuộc tấn công gần như hàng ngày, và các chuyên gia đối ngoại lo sợ rằng mọi nỗ lực trong việc bảo vệ phụ nữ cùng các sắc dân thiểu số sẽ tan thành mây khói nếu lực lượng vũ trang này một lần nữa nắm quyền điều hành Chính phủ.

Thượng nghị sĩ Mitch McConell, lãnh đạo phe đa số trong Thượng viện Mỹ, đã cảnh báo Tổng thống Trump về việc mở lối thoát ra khỏi cuộc chiến này một cách vội vã.

“Mặc dù nghe có vẻ hấp dẫn khi rút vào những vùng an toàn của mình, tuy nhiên chúng ta vẫn còn rất nhiều việc cần phải hoàn thành tại đây,” thượng nghị sĩ McConell cho biết vào hôm thứ Ba vừa qua (29/1), “Chúng ta cần biết rằng nếu việc rút quân không được báo trước, giao tranh sẽ một lần nữa bùng phát trong các thành phố tại đây.”

Ông James Dobbins, đại diện đặc biệt của Mỹ tại Afghanistan và Pakistan dưới thời Tổng thống Obama, cho rằng Tổng thống Trump “có vẻ đang bỏ rơi” chiến lược nền tảng mà ông từng thực hiện vào năm 2017, và giờ thì tương lai của lính Mỹ tại Afghanistan là thứ mà ai cũng có thể đoán được.

“Tôi không cho rằng bất kỳ ai có thể đoán trước được hành vi của Tổng thống Trump, kể cả bản thân ông ta,” ông Dobbins cho biết.

Hôm thứ Ba vừa qua, Người phát ngôn Nhà Trắng Sarah Sanders cho biết ưu tiên của chính quyền Mỹ hiện tại vẫn là “chấm dứt chiến tranh tại Afghanistan, và đảm bảo sẽ không còn chỗ đứng cho chủ nghĩa khủng bố tại nước này thêm một lần nào nữa.”

Giới chức tại Afghanistan hi vọng Tổng thống Trump sẽ giải thích rõ hơn mục đích của mình trong bản Thông điệp Liên bang sẽ được phát biểu vào tuần sau.

Một số thủ lĩnh dấu tên của Taliban cho biết với AP rằng 2 bên đã đạt được sự đồng thuận về việc rút các lực lượng của Mỹ và NATO khỏi Afghanistan. Cùng với đó, nhóm vũ trang này cam kết sẽ không còn sử dụng lãnh thổ của Afghanistan để tấn công chống lại Mỹ hay các lực lượng khác thêm một lần nào nữa.

Về phía Mỹ, đặc phái viên tại Afghanistan của Tổng thống Trump, ông Zalmay Khalilzad, cho hay, “Không gì có thể được thỏa thuận cho đến khi mọi thứ được nhất trí, trong đó “mọi thứ” ở đây phải bao gồm các cuộc đối thoại trong nội bộ Afghanistan, và một lệnh ngừng bắn toàn diện.”

Đó là điều mà Taliban từ chối thực hiện, dù thứ Tư vừa qua lực lượng này khẳng định họ sẽ không nắm độc quyền chính phủ mới tại Afghanistan, mà thay vào đó sẽ tìm cách cộng sinh với các tổ chức chính trị khác của nước này, với phương châm “khoan thứ lẫn nhau và bắt đầu chung sống như những người anh em.”

Nếu Taliban đồng ý đối thoại với Chính phủ Afghanistan và chấp nhận buông súng như những gì họ hứa, việc thương lượng sẽ trở thành “bước tiến đáng kể”, ông Dobbins cho biết, nhưng nếu không, mọi thứ sẽ trở nên vô nghĩa.

Hơn nữa, theo ông Dobbins, Mỹ cần phải ở lại cho đến khi một thỏa thuận hòa bình giữa Taliban và Chính phủ của Tổng thống Ashraf Ghani được thực thi.

“Nếu Mỹ rời đi khi các bên tại Afghanistan vẫn còn đang đối thoại với nhau, thì quá trình đối thoại sẽ chấm dứt chiến tranh sẽ lại tái diễn,” ông Dobbins nhận định, “Còn nếu Mỹ rời đi sau khi các bên đã đạt được thỏa thuận nhưng vẫn chưa được thi hành, thì thỏa thuận đó vẫn sẽ bị xé bỏ và chiến tranh sẽ lại tái diễn.”

Ông Nicholas Burns, một cựu nhân viên đối ngoại, từng là phó Bộ trưởng Ngoại giao dưới thời Tổng thống George W. Bush, lại cho rằng Tổng thống Trump đã đúng khi tìm cách đưa binh sĩ Mỹ tại Afghanistan hồi hương.

Ông cũng cho rằng chính sự thiếu kiên nhẫn của Tổng thống Trump là động lực đằng sau những cuộc đối thoại với Taliban.

“Tôi cho rằng chúng ta nên rút quân chậm mà chắc, rời đi quá nhanh sẽ tạo quá nhiều thuận lợi cho phía Taliban,” ông Burns nhận định.

Lầu Năm Góc đã và đang triển khai các kế hoạch để rút càng nhiều lính Mỹ càng tốt, trong tổng số 14.000 quân nhân hiện vẫn đang ở Afghanistan.

Ông Pat Shanahan, Bộ trưởng Quốc phòng lâm thời của Afghanistan, cho biết trước báo giới vào hôm thứ Ba vừa qua rằng sẽ không có thay đổi gì trong chiến lược quân sự của Mỹ tại Afghanistan, trong đó có việc ép buộc Taliban phải ngồi vào bàn đàm phán bằng cách bố trí lại quân đội để huấn luyện và cố vấn cho binh lính Afghanistan, và tranh thủ tìm kiếm những sự ủng hộ lớn hơn trong khu vực.

Theo ông Shanahan, các vòng đối thoại được chủ trì bởi đặc phái viên Khalilzad cần phải mất nhiều thời gian mới đạt được hiệu quả. Dù vậy, không ai biết chính xác Tổng thống Trump sẽ đợi đến bao giờ.

Vào tháng 11 năm ngoái, ông Khalizad cho biết trước báo giới Afghanistan rằng ông muốn được chứng kiến những kết quả bền vững ngay trong mùa xuân năm nay. Theo tiết lộ của một cựu quan chức Afghanistan dấu tên với AP, Tổng thống Trump đã cho ông Khalizad 6 tháng để thể hiện các thành quả của mình.

Vị quan chức này cũng cho biết lực lượng Taliban vẫn từ chối đàm phán với Chính phủ hiện tại của Afghanistan, và khăng khăng muốn thành lập một chính phủ lâm thời. Một khi điều này xảy ra, nhóm vũ trang này muốn triệu tập một đại hội đồng quốc gia nhằm thay đổi Hiến pháp Afghanistan theo ý muốn của mình.

Taliban không cho rằng những hứa hẹn rút quân của Mỹ sẽ là tiền đề cho việc ngừng bắn và là điều kiện cho việc thương lượng với Chính phủ Afghanistan.

Hơn nữa, theo lời vị quan chức trên cho hay, Tổng thống Ghani vẫn còn thất vọng với việc Mỹ đã ngấm ngầm đối thoại với Taliban mà không cần sự có mặt của đại diện từ Chính phủ Afghanistan.

Hiện vẫn chưa rõ việc Mỹ có chấp nhận lời hứa của Taliban trong việc sẽ không dùng Afghanistan để triển khai các chiến lược tiến công của mình hay không.

“Nếu sau cùng 2 bên vẫn đạt được một thỏa thuận hòa bình,” Giám đốc CIA Gina Haspel cho biết trước Thượng viện Mỹ vào hôm thứ Ba vừa qua (5/1),” một chế độ có tính giám sát mạnh mẽ sẽ là điều rất quan trọng, và chúng ta vẫn cần duy trì khả năng hành động vì lợi ích quốc gia nếu cần.”

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại