Rút khỏi Hiệp ước INF: Ông Trump muốn nói gì với Triều Tiên?

Kiều Anh |

Tuyên bố rút khỏi Hiệp ước INF của ông Trump hàm chứa một thông điệp ngầm nhưng không khó nhận ra mà Mỹ muốn gửi tới Triều Tiên.

Trong tuyên bố rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) được ký kết năm 1987, Tổng thống Donald Trump cáo buộc Nga liên tục có các hành vi vi phạm hiệp ước cũng như chỉ ra một thực tế rằng Trung Quốc - quốc gia với nhiều tham vọng phát triển các chương trình tên lửa đạn đạo nhất lại không tham gia trong Hiệp ước này.

Tuy nhiên, việc ông Trump rút khỏi Hiệp ước hạt nhân với Nga có thể còn mang một mục đích khác. Đó là một thông điệp ngầm nhưng không khó để nhận ra mà Mỹ muốn gửi tới Triều Tiên rằng: Nếu Bình Nhưỡng từ chối phi hạt nhân hóa, Mỹ sẽ có thể khiến Triều Tiên phải cảnh giác bằng hệ thống tên lửa tầm trung và tầm ngắn của Washington.

Trong thời điểm hiện tại, chính quyền Tổng thống Trump hầu như không tạo được tiến triển gì trong các cuộc đàm phán về vấn đề hạt nhân với Triều Tiên. Vì thế, tuyên bố đe dọa triển khai các tên lửa tầm trung ở châu Á của Mỹ có thể tạo nên những bước đột phá từ các cuộc đàm phán này.

Nhớ lại năm 1983, Tổng thống Mỹ Ronald Reagan thông báo rằng Mỹ có kế hoạch triển khai hàng trăm tên lửa tầm trung Pershing II ở Tây Âu nhằm đáp trả việc Liên Xô triển khai tên lửa hạt nhân SS-20.

Chính sự kiện này đã gây nên các cuộc phản đối trên quy mô lớn khắp châu Âu, đồng thời tạo sức ép mạnh mẽ với Moscow để từ đó, tạo tiền đề cho sự ra đời của một loạt các bước đột phá trong vấn đề kiểm soát vũ khí, trong đó có sự ra đời của Hiệp định INF.

Vì thế, việc rút khỏi Hiệp ước hạt nhân với Nga cho phép Tổng thống Trump có thể tạo sức ép tương tự với Bình Nhưỡng. Hiệp ước INF ngăn cản cả Mỹ và Nga phát triển các tên lửa thông thường và tên lửa hạt nhân phóng từ mặt đất có tầm bắn từ 500 - 5.500 km.

Khi Mỹ không còn nằm trong Hiệp ước INF nữa, Washington có thể triển khai hàng trăm tên lửa thông thường tầm trung và tầm ngắn ở châu Á, bao gồm ở đảo Guam nằm cách Triều Tiên khoảng 3.380 km và cách Nhật Bản 1.046 km.

Theo nhà phân tích Marc A. Thiessen, Mỹ không cần điều các tàu sân bay tới Bán đảo Triều Tiên để phô trương sức mạnh quân sự và việc triển khai các tên lửa đạn đạo tầm trung trong khu vực sẽ đặt Triều Tiên nằm trong tầm kiểm soát của Mỹ.

Bình Nhưỡng chắc chắn không muốn các tên lửa của Mỹ hiện diện ở châu Á. Bắc Kinh cũng vậy bởi điều này sẽ đồng nghĩa việc Mỹ sẽ khôi phục ảnh hưởng quân sự tại Thái Bình Dương.

Theo ông Harry Harris - cựu Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, Trung Quốc đang sở hữu "lực lượng quân sự đa dạng và lớn nhất thế giới", cũng như "95% các tên lửa của Trung Quốc sẽ vi phạm Hiệp ước INF nếu Trung Quốc cũng là một bên ký kết".

Sự thật là Bắc Kinh có những loại tên lửa mà Washington không có và điều này đặt Mỹ ở thế bất lợi về mặt chiến lược trong bất kỳ cuộc xung đột nào với Trung Quốc. Vì thế, bằng cách rút khỏi Hiệp ước INF, Mỹ có thể phát triển các tên lửa phóng lên từ mặt đất ở đảo Guam và Nhật Bản, tăng cường khả năng của Washington trong việc đối phó với Bắc Kinh.

Tổng thống Trump có thể triển khai các tên lửa hành trình Tomahawk từ các bệ phóng trên mặt đất tới Thái Bình Dương gần như ngay lập tức sau khi rút khỏi Hiệp ước.

Động thái này cũng góp phần "dọn đường" cho Mỹ triển khai các loại tên lửa mới vốn bị cấm trong Hiệp ước INF, cũng như phát triển các loại vũ khí siêu thanh mới có thể di chuyển gấp 5 lần tốc độ âm thanh để cạnh tranh với các loại vũ khí được đầu tư lớn của Trung Quốc.

Việc rút khỏi Hiệp ước hạt nhân năm 1987 của Mỹ sẽ là một thách thức chiến lược lớn của cả Trung Quốc và Triều Tiên.

Rút khỏi Hiệp ước INF và phát triển các loại vũ khí và tên lửa, ông Trump khiến Mỹ có một "quân bài" mặc cả lớn trong các cuộc đàm phán liên quan đến tiến trình phi hạt nhân hóa của Triều Tiên và những lợi ích chiến lược mới của Trung Quốc.

Thậm chí ngay cả khi các cuộc đàm phán với Triều Tiên và Trung Quốc thất bại, việc rút khỏi Hiệp ước INF của ông Trump cũng sẽ cho Mỹ một "đường lùi" để Washington có thể ngăn cản cả Bắc Kinh và Bình Nhưỡng, cũng như tái khẳng định vị thế quân sự của Mỹ trong khu vực./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại