Rộ tin Bắc Kinh tác động khiến 1 đảo quốc loại Nữ hoàng Anh khỏi vị trí nguyên thủ: Trung Quốc nói gì?

Hải Võ |

Đảo quốc Barbados ở vùng Caribbean mới đây thông báo, kể từ năm sau nước này sẽ không còn thừa nhận Nữ hoàng Anh Elizabeth II là nguyên thủ quốc gia.

Nghị sĩ Anh cáo buộc Trung Quốc "gây ảnh hưởng" Barbados

Động thái của Barbados nhanh chóng làm dấy nên nhiều đồn đoán, đáng chú ý là nhận định của Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Hạ viện Anh Tom Tugendhat, cho rằng "ảnh hưởng của Trung Quốc" là nguyên nhân dẫn đến diễn biến mới này.

Không hé lộ chi tiết về cách thức Trung Quốc tạo ảnh hưởng đối với Barbados, song nghị sĩ Tugendhat cáo buộc Bắc Kinh "đã lợi dụng đầu tư hạ tầng và ngoại giao nợ như những phương tiện để kiểm soát" đảo quốc này.

"Các đối tác của Anh từ lâu đã đối mặt với thách thức từ những đối thủ muốn tìm cách làm suy yếu liên minh của chúng ta," ông nói với tờ The Times, thừa nhận tình trạng một số hòn đảo - vốn là những cựu thuộc địa của Anh - đang tiến gần đến việc từ bỏ việc công nhận vai trò đứng đầu nhà nước của Nữ hoàng Anh Elizabeth II.

Nguồn tin của Times nói rằng thông tin tình báo về việc Trung Quốc gây ảnh hưởng lên đảo quốc Caribbean đã được Cơ quan tình báo trung ương (CIA) Mỹ chuyển cho phía Anh.

Báo The Times ngày 28/9 đưa tin, nhiều tỷ USD đến từ Bắc Kinh đang thu hút các nước thành viên vùng Caribbean của khối Thịnh vượng chung (Commonwealth of Nations - tổ chức liên chính phủ mà thành viên hầu hết từng là lãnh thổ của Đế quốc Anh), làm nổi bật lên mối lo ngại về tầm ảnh hưởng gia tăng mạnh mẽ của Trung Quốc tại khu vực.

Tuy nhiên, theo Đại sứ Antigua và Barbuda - cũng là nước thành viên khối Thịnh vượng chung - tại Mỹ Ronald Sanders, "Nếu nói chính phủ Barbados đang chịu ảnh hưởng của Trung Quốc thì thà nói rằng nước này đang phải chịu sức ép từ chính phủ Anh, nhằm tiếp tục để Nữ hoàng Anh đồng thời nắm giữ vai trò nguyên thủ của hai nước khác nhau." Sanders tuyên bố các quốc gia vùng Caribbean sẽ không chấp nhận bị can thiệp về ngoại giao.

Rộ tin Bắc Kinh tác động khiến 1 đảo quốc loại Nữ hoàng Anh khỏi vị trí nguyên thủ: Trung Quốc nói gì? - Ảnh 1.

Tượng Phó đô đốc hải quân hoàng gia Anh Horatio Nelson tại Bridgetown, Barbados (Ảnh: REUTERS / Nigel R. Browne)

Sự hiện diện gia tăng của Bắc Kinh tại Caribbean

Theo The Times, các thành viên của khối ở vùng Caribbean có nhu cầu lớn về vốn đầu tư cho các dự án hạ tầng quan trọng và từng tìm đến Anh hay Mỹ để được hỗ trợ, nhưng đến nay các nước này đang hướng về Trung Quốc để tìm kiếm các khoản tín dụng có lãi suất thấp.

Trong giai đoạn 2018-2019, các nước Trinidad và Tobago, Antigua và Barbuda, Dominica, Guyana, Grenada, Jamaica, Barbados đều cùng Trung Quốc ký kết văn kiện hợp tác xây dựng sáng kiến "Vành đai, Con đường" - do Trung Quốc khởi xướng, hoặc ký kết các thỏa thuận hợp tác hạ tầng quy mô lớn. Sự hiện diện ngày càng rõ rệt của Bắc Kinh tại khu vực "cửa ngõ" của Mỹ đã khiến Washington và London đề cao cảnh giác.

Quan hệ giữa Barbados và Trung Quốc được củng cố đáng kể trong những năm gần đây. Barbados bắt đầu gia nhập sáng kiến "Vành đai, Con đường" từ năm 2019. Bắc Kinh cũng ủng hộ "các trang thiết bị về công nghệ - gồm laptop và máy tính bảng" cho đảo quốc này, cũng như quyên góp cơ sở dạy học cho các trường học của Barbados.

Ngoài ra, Bắc Kinh còn đầu tư vào các dự án nông nghiệp ở Barbados, trong khi đảo quốc thiết lập cơ sở của nhóm xúc tiến công nghiệp Invest Barbados tại Bắc Kinh.

Bình luận của Tugendhat về Trung Quốc được đưa ra sau khi Toàn quyền Barbados, bà Dame Sandra Mason, thông báo hồi tuần trước rằng hòn đảo sẽ ngừng công nhận Nữ hoàng Anh là người đứng đầu nhà nước tượng trưng của họ. Mason nói người dân của đảo quốc đã giành độc lập từ năm 1966 này muốn có nguyên thủ là người bản địa.

"Đã đến lúc hoàn toàn bỏ lại phía sau quá khứ thuộc địa của chúng ta," bà Mason nhấn mạnh.

The Times dẫn đánh giá của tiến sĩ Don Marshall, giám đốc Viện nghiên cứu kinh tế xã hội Sir Arthur Lewis (SALISES), Jamaica, nói rằng quan điểm của ông Tugendhat là phi lý. Marshall cho rằng những viện trợ của Anh đối với các nước Caribbean "không thể so sánh với vài chục năm trước".

Các nhà quan sát tin rằng, tầm ảnh hưởng của Trung Quốc đối với các quốc gia thuộc khối Thịnh vượng chung sẽ tiếp tục gia tăng, cho đến khi London đưa ra được những điều kiện hấp dẫn hơn.

Thông điệp của Đại sứ Ronald Sanders cũng được truyền thông nhiều nước Caribbean chuyển tải.

"Chính hành động của các cường quốc khác đã tạo ra không gian cho Trung Quốc. Các nước lớn vừa không cung cấp được nguồn vốn có tính cạnh tranh, và còn từ chối ủng hộ các quốc gia vùng Caribbean trong những vấn đề quan trọng như biến đổi khí hậu, thúc đẩy miễn giảm nợ trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19, hủy bỏ rào cản bất hợp lý về tiêu chuẩn thu nhập bình quân đầu người khiến nhiều nước không nhận được các khoản tín dụng ưu đãi,..." ông Sanders nêu.

Sanders cho rằng các khoản vay từ Trung Quốc sẽ không bị chuyển hóa thành sức ảnh hưởng mang tính ép buộc nhằm vào các nước nhỏ ở Caribbean.

Phản ứng của Trung Quốc

Đây là lần thứ ba trong vòng gần 20 năm qua, vấn đề loại Nữ hoàng Anh khỏi vai trò nguyên thủ được thảo luận ở Barbados.

Đề cập phát biểu của nghị sĩ Anh về việc Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng, loại bỏ vị thế của Anh với Barbados, Đại sứ quán Trung Quốc tại Anh ngày 28/9 phản bác rằng nước này không ép buộc các nước tham gia "Vành đai, Con đường" và mỗi dự án đều được các bên trao đổi một cách bình đẳng.

Trên tài khoản WeChat công cộng, cơ quan này cho biết Trung Quốc và Barbados hợp tác bình đẳng cùng có lợi, đồng thời "bày tỏ bất bình và phản đối cách nói làm sai lệch mối quan hệ giữa Trung Quốc và Barbados".

Đại sứ quán Trung Quốc tại London khẳng định Bắc Kinh "không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác".

Mời độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại