Star Group Industrial (SGI) của Hàn Quốc và Baotou INST Magnet của Trung Quốc bắt đầu tái cơ cấu chuỗi cung ứng, trong bối cảnh các hạn chế thương mại ngày càng gia tăng, thậm chí có khách hàng yêu cầu họ phải di dời.
Trước đó, Trung Quốc thống trị việc sản xuất nam châm và đất hiếm. Nam châm là cấu phần quan trọng của việc sản xuất các sản phẩm như xe điện, tuabin gió, vũ khí và điện thoại thông minh, khiến lĩnh vực này trở nên quan trọng về mặt chiến lược.
Tuy nhiên, Việt Nam có trữ lượng đất hiếm - tài nguyên cả thế giới săn lùng - chưa được khai thác lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc, cũng như ngành công nghiệp chế biến còn non trẻ. Điều đó khiến Việt Nam có tiềm năng hơn bao giờ hết, những người trong ngành cho biết.
Chẳng hạn, dự án của SGI tại Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ đạt sản lượng 5.000 tấn nam châm neodymium (NdFeB) cao cấp mỗi năm, đủ cho 2 triệu xe điện (EV).
Tuy nhiên, dữ liệu của Adamas Intelligence, được trích dẫn trong báo cáo của Bộ Năng lượng Mỹ cho thấy Việt Nam chỉ sản xuất 1% nam châm trên thế giới, so với 92% của Trung Quốc.
Hơn nữa, một số nhà máy Trung Quốc có thể sản xuất số lượng nam châm gấp 10 lần dự án của SGI và Trung Quốc chiếm ưu thế trong việc khai thác và chế biến quặng.
Tuy nhiên, tiềm năng của Việt Nam là rất đáng kể.
Các nhà máy của SGI khi hoạt động hết công suất sẽ tạo ra gần 3% sản lượng toàn cầu vào năm 2022, theo ước tính của Project Blue, một công ty tư vấn vật liệu. Dữ liệu thương mại của Mỹ cho thấy con số này tương đương với gần một nửa lượng nam châm neodymium nhập khẩu của Mỹ vào năm ngoái.
Hơn nữa, sự quan tâm đối với tiềm năng đất hiếm của Việt Nam đang ngày càng tăng lên.
Các nhà sản xuất nam châm cũng bị Việt Nam thu hút bởi chi phí lao động phải chăng và nhiều hiệp định thương mại tự do. Những người trong ngành cho biết, họ cũng muốn tiến gần hơn đến các khách hàng có trụ sở tại Việt Nam, chẳng hạn như các nhà sản xuất ô tô và các công ty điện tử, vốn đang ngày càng cảnh giác với việc phụ thuộc quá nhiều vào nguồn cung cấp của Trung Quốc.
Việt Nam là quốc gia duy nhất ngoài Trung Quốc có thể xây dựng chuỗi cung ứng nam châm hoàn chỉnh, từ khai thác đất hiếm đến sản xuất hạ nguồn, một nhà tư vấn công nghiệp giấu tên tại Việt Nam nói với Reuters.
Chính phủ có kể hoạch mở rộng sản xuất đất hiếm vào cuối thập kỷ này và đang tăng cường công suất tinh chế.
Tuy nhiên, "bất kỳ ai đang cố gắng xây dựng từ đầu chuỗi cung ứng từ mỏ đến nam châm sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức," David Merriman của Project Blue cho biết.
Đồ họa Reuters
SGI, công ty cung cấp nam châm cho VinFast của Việt Nam và Hyundai Motor nói với Reuters rằng họ đang đầu tư 80 triệu USD vào nhà máy mới ở Việt Nam. Nhà máy này sẽ bắt đầu sản xuất vào năm 2024, giúp tăng gần gấp đôi sản lượng hiện tại của công ty là 3.000 tấn/năm - hiện đang đến từ Trung Quốc và Hàn Quốc.
SGI mô tả khoản đầu tư này là một phần của biện pháp nhằm chống lại các hạn chế thương mại với Trung Quốc.
SGI cho biết: “Chính sách của Trung Quốc về kiểm soát nguyên liệu thô và công nghệ liên quan đến đất hiếm đang được tăng cường, dẫn đến sự không chắc chắn về nguồn cung”.
Công ty này cho biết họ nhập khẩu phần lớn đất hiếm từ Trung Quốc nhưng đang tìm kiếm các nguồn thay thế ở Việt Nam và Úc và có kế hoạch phát triển một cơ sở chế biến tại Việt Nam.
INST của Trung Quốc cũng sẽ bắt đầu hoạt động vào đầu tháng tới tại một nhà máy được thuê ở miền Bắc Việt Nam. INST, một công ty nam châm lớn chuyên thiết kế mạch, đã được thêm vào danh sách nhà cung cấp của Apple vào năm 2021. Việc mở rộng sang Việt Nam của INST là theo yêu cầu của khách hàng - nguồn tin nói nhưng không nêu cụ thể tên khách, muốn đa dạng hóa khỏi Trung Quốc.
Luxshare và Foxconn là những nhà cung cấp lớn của Apple đang có mặt tại Việt Nam.
Nguồn tin giấu tên cho biết khoản đầu tư ban đầu của INST được giới hạn ở con số vài triệu USD. Giai đoạn thứ hai có thể sẽ liên được đầu tư nhiều hơn cho việc xây dựng nhà máy riêng.
INST đã không trả lời Reuters khi được yêu cầu bình luận.
Trong số các nhà sản xuất nam châm ở Việt Nam, Shin-Etsu Chemical của Nhật Bản đã mở rộng cơ sở sản xuất của họ trong năm nay. Trước đó, công ty này đã tăng gấp đôi công suất hàng năm lên 2.200 tấn vào năm 2017, theo tuyên bố của công ty và thông tin chi tiết trên trang web tư vấn của Obayashi.
Shin-Etsu và Obayashi không trả lời yêu cầu bình luận.
Vào tháng 4, Công ty Vật liệu Chiến lược của Australia đã ký thỏa thuận với một nhà máy lọc dầu của Việt Nam, cam kết cung cấp đất hiếm để xuất khẩu sang Hàn Quốc, Reuter cho biết thêm.