Raqqa: 20.000 thường dân run rẩy sợ bom rơi đạn lạc khi bệnh viện độc nhất trong tay... IS

Tất Đạt |

Liên Hợp Quốc và các tổ chức nhân đạo toàn cầu đã nhiều lần thúc giục Mỹ và các bên tham chiến ngừng bắn tại Raqqa để người dân có cơ hội di tản, nhưng vẫn chưa nhận được phản hồi.

Đời sống thường dân Raqqa

Tình hình chiến sự tại thành phố Raqqa, Syria đã đẩy hàng ngàn người dân vào cảnh "màn trời chiếu đất", kẹt giữa hỏa lực từ Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và Mỹ. Liên Hợp Quốc (LHQ) đã lên tiếng yêu cầu quân đội Mỹ tạm ngừng ném bom, tạo cơ hội cho thường dân sơ tán.

Hôm thứ Năm (24/8), Jan Egeland, Cố vấn Đặc biệt của LHQ tại Syria, trả lời báo chí ở Geneva: "Tại Raqqa, nhiệm vụ của mỗi thành viên Lực lượng Đặc nhiệm Nhân đạo là làm mọi thứ trong khả năng để giúp người dân có thể rời Raqqa, tới nơi cư trú an toàn."

Khoảng 20.000 dân thường vẫn đang mắc kẹt trong địa bàn do IS kiểm soát, với điều kiện sinh hoạt thiếu thốn nghiêm trọng.

Trả lời RT, David Swanson, đại diện Văn phòng Điều phối các Vấn đề Nhân đạo của LHQ, cho biết người dân không có nước sạch và thức ăn, phải sống nhờ lượng lương thực ít ỏi tích trữ từ trước. Bệnh viện duy nhất còn hoạt động cũng nằm trong tay IS.

Trong vài ngày qua, các tổ chức nhân đạo và phương tiện truyền thông đã liên tục đưa tin về số dân thường thiệt mạng tăng cao tại Raqqa.

Hôm 22/8, LHQ bày tỏ "quan ngại sâu sắc", yêu cầu các bên tham chiến "tha mạng, bảo vệ người dân và các cơ sở hạ tầng thiết yếu".

Di tản khó khăn

Theo ông Egeland, việc di tản khỏi khu vực Raqqa hầu như bất khả thi bởi những cuộc chiến nổ ra liên tục và bất ngờ. Bom đạn từ Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) của người Kurd và các trận không kích từ liên minh do Mỹ dẫn đầu khiến "nội bất xuất, ngoại bất nhập", số dân thường thiệt mạng tăng cao từng ngày.

Raqqa: 20.000 thường dân run rẩy sợ bom rơi đạn lạc khi bệnh viện độc nhất trong tay... IS - Ảnh 1.

Căn nhà bị phá hủy hoàn toàn sau trận chiến. Ảnh: Zohra Bensemra / Reuters

Ông Egeland thúc giục các bên "tạm đình chiến, ngừng tiến công hoặc có kế hoạch khả thi để giúp 20.000 người dân di tản".

Theo người đại diện LHQ, đợt giải phóng Aleppo có thể được lấy làm ví dụ tiêu biểu. Quân đội Syria và Nga đã ngừng bắn nhiều đợt để giúp người dân có cơ hội sơ tán. Hàng chục ngàn người đã sống sót sau các vụ giao tranh.

Tuy nhiên, tình hình ở Raqqa phức tạp hơn rất nhiều, vì nhóm khủng bố IS không muốn đàm phán với phe còn lại. 

Nhưng theo ông Egeland, không thể vì thế mà làm ngơ trước tính mạng thường dân. Khi được hỏi, nhiều người dân cho biết họ không chỉ sợ khủng bố, mà còn sợ bom đạn từ phía liên minh quân đội Mỹ.

Được biết, liên minh quân đội do Mỹ dẫn đầu đã được các tổ chức nhân đạo thế giới thúc giục nhiều lần từ khi bắt đầu tiến công về Raqqa. Theo LHQ, trận đánh dai dẳng tại thành phố này đã cướp đi sinh mạng của nhiều dân thường và khiến hàng chục ngàn người khác mất nhà cửa.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại