Raheem Sterling đã bước vào mùa giải mới với vô số lời chỉ trích, về những tình huống bỏ lỡ trong cả hai màu áo, Man City và tuyển Anh. Nhẹ nhàng thì người ta nói rằng anh ta là một chuyên gia lãng phí. Nặng nề hơn, họ gọi ngôi sao 23 tuổi là gã ăn hại, và vô dụng.
Nhưng đêm Chủ nhật trước Arsenal, Sterling đã đáp trả bằng màn trình diễn xuất sắc. "Một kẻ ăn hại" sẽ không bao giờ có thể cắt ngang vòng cấm, dẫn bóng qua hai đối thủ và tìm ra kẽ hở giữa một rừng chân rồi tung ra quả phi đạn tung lưới Petr Cech.
Và "một kẻ ăn hại" cũng không thể khiến Arsenal run rẩy mỗi khi anh ta có bóng. Như phút thứ 9, Sterling tung hoành bên cánh phải, 2 lần khiến Shkodran Mustafi bẽ mặt và chỉ có tài năng cùng sự tập trung của Cech mới cứu cho Pháp thủ không thủng lưới từ quá sớm.
Sterling đã có một khởi đầu chói sáng ở Emirates.
Vậy rốt cuộc Sterling là ai? Như mô tả của Pep Guardiola mùa giải trước, Sterling "là một chiến binh, rất năng động và rất xuất sắc, đồng thời hội tụ đủ mọi phẩm chất để trở thành cầu thủ đẳng cấp thế giới". Vấn đề duy nhất, theo Pep, cầu thủ người Anh cần cải thiện kỹ năng dứt điểm.
Bây giờ hãy nói rõ hơn về cái gọi là "kỹ năng dứt điểm". Bàn thắng ghi được ở trận mở màn gặp Arsenal cho thấy, Sterling không hề dứt điểm tệ. Quá tốt là đằng khác. Thành tích mùa trước, với 18 bàn sau 87 cú sút, đạt tỷ lệ thành bàn 20,6%, là một hiệu suất ấn tượng. Làm một phép so sánh, Harry Kane đã có 30 bàn từ 184 cú sút, tức 16,3%.
Vậy tại sao Sterling vẫn bị cáo buộc là "chuyên gia lãng phí"? Nó chủ yếu đến từ cuối mùa 2017/18, khi cầu thủ này liên tục bỏ lỡ các tình huống cực kỳ ngon ăn.
Sterling mở tỷ số bằng cú dứt điểm quyết đoán sau pha đi bóng từ cánh trái.
Đầu tiên là 3 lần ở trận derby Manchester mà theo Opta, chỉ số bàn thắng kỳ vọng của Sterling là 0,99, nhưng lại trắng tay vào cuối trận, trong khi cả đội MU là 0,98, lại có 3 bàn. Ngay sau đó, anh lại gây thất vọng ở cuộc chạm trán Tottenham, khi đi qua thủ môn Hugo Lloris và một trung vệ Spurs rồi sút bóng ra ngoài.
Những pha bóng này để lại ấn tượng mạnh đến nỗi, tất cả quên mất rằng Sterling thực ra chỉ phung phí 12 cơ hội ngon ăn trong suốt mùa giải 2017/18, ít hơn 9 cầu thủ khác, bao gồm Mohamed Salah (23), Kane (18) và Aguero (13).
Chưa hết, vào tháng 4, thống kê từ Sky Sports cũng chỉ ra rằng, Sterling là cầu thủ tận dụng tốt nhất các cơ hội lớn, với 54,55% trở thành bàn thắng. Kane là 52,94%, Aguero 51,85% còn Salah 50%.
Vì vậy, "kỹ năng dứt điểm" mà Pep đề cập ở đây là khả năng xử lý tình huống ở những thời điểm quan trọng. Sterling là mẫu cầu thủ ghi bàn theo bản năng để có thể thành công với chỉ một nửa giây và một nửa cơ hội. Nhưng khi đặt vào không gian thuận lợi với nhiều thời gian để suy tính, anh lập tức bối rối.
Sterling có đẩy đủ phẩm chất của một siêu sao, ngoại trừ một chút điềm tĩnh.
Chính Sterling cũng nhận thức rõ điều này. Anh từng nói, "tôi có xu hướng làm phức tạp vấn đề và khiến mọi thứ rối tung lên khi được phép tính toán", trong khi "sẽ tốt hơn nếu tôi chỉ chạy, sút và không phải suy nghĩ nhiều".
Thật ra thì đây là hạn chế của không ít cầu thủ ngôi sao. Ngay cả Aguero, một trong những chân sút tốt nhất lịch sử Premier League và đã ghi 201 bàn, nhiều nhất mọi thời đại cho Man City cũng đôi khi rơi vào tình trạng này.
Trận gặp Arsenal là một ví dụ điển hình. Đó là phút 63 và Aguero thoát xuống đối mặt với Cech sau pha phá bóng lên của Kyle Walker. Trong tư thế không người kèm, hoàn toàn thoải mái và tự do trước khung thành rộng mở, tiền đạo người Argentina lại dứt điểm hỏng ăn một cách đáng tiếc.
Một trong những yếu tố tạo nên siêu sao tầm thế giới như Ronaldo hay Lionel Messi là sự điềm tĩnh để đưa ra quyết định chính xác vào mọi lúc. Sterling cần phải trau dồi phẩm chất này mà nếu thành công, sẽ chính thức dứt bỏ mác "ăn hại" và lọt vào nhóm những cầu thủ hàng đầu.