Lệnh này của chính quyền Bắc Kinh là một cú giáng mạnh vào những công ty đa quốc gia như HP, Dell, Microsoft và nhiều doanh nghiệp Mỹ khác có ý định hạn chế sự phát triển của công nghệ Trung Quốc. Cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nước đã ngày càng khiến "cuộc chiến tranh lạnh công nghệ" trở nên phức tạp hơn.
Đầu năm nay, chính quyền ông Trump đã cấm các công ty Mỹ giao dịch với công ty công nghệ Huawei (Trung Quốc) và tới tháng 5, một loạt tập đoàn lớn như Google, Intel và Qualcomm tuyên bố họ sẽ đóng băng hợp tác với Huawei.
Bằng cách hạn chế Trung Quốc tiếp cận những tri thức công nghệ của phương Tây, chính quyền ông Trump đã thể hiện rõ ràng rằng trận chiến thực sự ở đây là xem liệu cường quốc công nghệ nào có đủ năng lực để phát triển và bứt phá trong 2 thập kỉ tới.
Đây là lần đầu tiên Bắc Kinh đặt ra mục tiêu cụ thể đối với việc hạn chế sử dụng công nghệ nước ngoài, mặc dù đây cũng là một phần trong kế hoạch tăng cường sử dụng sản phẩm nội địa của Trung Quốc.
Theo Financial Times, lệnh này đồng nghĩa rằng khoảng 20 triệu tới 30 triệu thiết bị trong cơ quan chính phủ Trung Quốc sẽ phải được thay thế bắt đầu từ năm 2020. Các chuyên gia ước tính rằng lộ trình thay thế sẽ là thay 30% thiết bị trong năm 2020, 50% trong năm 2021 và 20% trong năm 2022.
Thay thế toàn bộ tất cả các thiết bị và phần mềm trong khoảng thời gian 3 năm sẽ là một thách thức lớn, xét tới việc rất nhiều sản phẩm chỉ được sản xuất để chạy hệ điều hành của Mỹ, ví dụ như Windows của Microsoft. Các văn phòng chính phủ Trung Quốc thường sử dụng máy tính do công ty Trung Quốc như Lenovo sản xuất, nhưng các thành phần của máy tính - bao gồm chip xử lí và ổ cứng - đều có nguồn gốc từ Mỹ.
Hồi tháng 5, ông Hồ Tích Tiến, tổng biên tập của tờ Hoàn Cầu, cho rằng việc công ty công nghệ Mỹ chấm dứt hợp tác với Huawei sẽ không phải là "dấu chấm hết" cho công nghệ Trung Quốc bởi phía Trung Quốc đã chuẩn bị cho viễn cảnh này trong nhiều năm qua. Do đó, Trung Quốc sẽ sẵn sàng phát triển ngành công nghiệp chip của chính mình để cạnh tranh với Mỹ.
"Cắt đứt hợp tác công nghệ với Huawei sẽ là một bước ngoặt thực sự trong ngành phát triển, nghiên cứu và sử dụng chip nội địa. Người Trung Quốc sẽ không còn phải suy nghĩ về việc sử dụng công nghệ Mỹ trong khoảng thời gian lâu dài."