Quyết giữ Idlib vì chiến lược "xương máu", Thổ Nhĩ Kỳ lực bất tòng tâm trước Nga?

Quốc Vinh |

Idlib là chìa khóa then chốt cho chiến lược lâu dài của Ankara ở Syria, điều này khiến Tổng thống Erdogan phải tham gia vào một canh bạc mạo hiểm.

Long tranh hổ đấu

Thổ Nhĩ Kỳ đang kêu gọi cộng đồng quốc tế can thiệp để ngăn chặn lực lượng Chính phủ Syria phát động một cuộc tấn công vào Idlib – thành trì cuối cùng của phe đối lập.

Lời kêu gọi mới nhất được Ankara đưa ra khi Damascus bắt đầu rục rịch tập trung quân lực quanh Idlib trước khi mở một chiến dịch quy mô lớn giải phóng Idlib.

"Tôi kêu gọi tất cả mọi người lên tiếng chống lại cuộc tấn công của chính quyền Syria và tìm một giải pháp hòa bình", Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu nói hôm 11/9 tại Romania, nơi ông có cuộc gặp với các đối tác Romania và Ba Lan. Ý kiến ​​của ông lặp lại những phát biểu gần đây của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.

Trong một bài báo được đăng trên tờ The Wall Street Journal hôm 10/9, ông Erdogan cảnh báo, "hậu quả của việc không hành động sẽ là rất lớn" và "một cuộc tấn công của chính quyền sẽ tạo ra những rủi ro nhân đạo và an ninh nghiêm trọng cho Thổ Nhĩ Kỳ, phần còn lại của châu Âu và nhiều hơn thế".

Trong một động thái khác, người đứng đầu cơ quan nhân đạo Liên Hợp Quốc (LHQ), Mark Lowcock, đã cảnh báo rằng một cuộc tấn công trên mặt đất ở Idlib có thể dẫn đến sự tổn thất lớn chưa từng có.

Ankara lo ngại một làn sóng tị nạn sẽ nổ ra từ vùng biên giới nước này với Idlib. Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang chứa hơn 3 triệu người tị nạn Syria và Tổng thống Erdogan mới đây cảnh báo rằng đất nước của ông không thể tiếp nhận thêm hơn nữa.

Hơn một nửa số người tị nạn ở Idlib là đến từ các vùng khác của Syria, cùng với hàng chục ngàn chiến binh nổi loạn chạy trốn đến đây. Sau khi có những thành công liên tiếp, chính quyền Syria muốn tiêu diệt khủng bố để giành được quyền kiểm soát khu vực quan trọng này.

Ý định của Thổ Nhĩ Kỳ

Ankara là một trong những quốc gia ủng hộ cho phiến quân đối lập chống lại Chính phủ Syria, bao gồm cả các nhóm đang là lực lượng chính ở Idlib. Các nhà phân tích cho rằng ngoài mối quan tâm nhân đạo, sự tồn tại của Idlib đối với Thổ Nhĩ Kỳ còn mang ý nghĩa chiến lược, là chìa khóa cho mục tiêu rộng lớn hơn ở Syria.

"Thổ Nhĩ Kỳ cần nắm giữ một số phần lãnh thổ của Syria và đặt ra một mối đe dọa đáng lo ngại cho Tổng thống Syria Bashar al-Assad và buộc ông phải tiến vào một thỏa thuận hòa bình chấp nhận người tị nạn trở về từ Thổ Nhĩ Kỳ", nhà phân tích chính trị Atilla Yesilada của Global Source Partners cho biết. "Việc nắm quyền kiểm soát Idlib và Afrin cũng như vùng al-Bab trong tay mình là một phần quan trọng trong kế hoạch của Ankara".

Quyết giữ Idlib vì chiến lược xương máu, Thổ Nhĩ Kỳ lực bất tòng tâm trước Nga? - Ảnh 1.

Biên giới là nơi Thổ Nhĩ Kỳ không muốn có bất kỳ mối đe dọa an ninh nào.

Trong 18 tháng qua, các nhóm nổi dậy do Thổ Nhĩ Kỳ lãnh đạo đã nắm quyền kiểm soát các vùng Afrin và al-Bab. Ankara biện minh cho các hoạt động xuyên biên giới của mình là để đối phó với các mối đe dọa kép bao gồm tổ chức khủng bố nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và các chiến binh thuộc đảng Công nhân người Kurd (PKK).

Các nhà phân tích Ankara lo ngại rằng nếu Idlib rơi vào tay lực lượng Chính phủ Syria, những nơi có sự hiện diện quân sự rộng lớn của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria sẽ là mục tiêu tiếp theo mà Damascus muốn giành lại.

"Nếu Tổng thống Bashar al-Assad áp đặt được quyền lực của mình trên toàn bộ Syria, chỉ còn lại những nơi kiểm soát bởi Thổ Nhĩ Kỳ, điều này có nghĩa rằng chúng ta đang ở trong một sự va chạm với Damascus", nhà cựu ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Aydin Selcen, người từng làm việc nhiều năm tại khu vực cho biết.

"Những gì Ankara nói về hoạt động của mình ở Syria là để cho PKK tránh xa biên giới Thổ Nhĩ Kỳ", ông nói thêm, "nhưng mục tiêu ẩn sâu trong đó là giữ cho ảnh hưởng của chính quyền Assad không áp sát biên giới Thổ Nhĩ Kỳ".

Với sự ủng hộ mạnh mẽ của chính quyền Erdogan đối với phiến quân đối lập Syria cùng mục tiêu phế truất Tổng thống Assad từ nhiều năm qua - Ankara lo ngại chiến thắng của Damascus có thể sẽ chuyển sang một hành động trả đũa Thổ Nhĩ Kỳ. Trong quá khứ, Damascus được cho là từng cho phép PKK sử dụng Syria làm căn cứ để tấn công Thổ Nhĩ Kỳ, theo VOA.

"Mục tiêu cuối cùng của Thổ Nhĩ Kỳ là tạo ra một thực tế mới - trong đó các khu vực lãnh thổ Syria sát biên giới Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục nằm trong sự kiểm soát của các yếu tố gần gũi với Ankara, nhằm loại bỏ bất kỳ mối đe dọa an ninh nào đối với nước này", Sinan Ulgen, người đứng đầu viện nghiên cứu Edam nêu quan điểm.

Tích tụ quân sự

Quân tiếp viện Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục được triển khai dọc theo biên giới Idlib, với pháo binh tầm xa đặt trong phạm vi tấn công 40 km. Truyền thông địa phương cho biết một số lực lượng quân sự đã tiến vào Syria hỗ trợ cho 12 đồn quan sát của Thổ Nhĩ Kỳ trên khắp khu vực.

"Thổ Nhĩ Kỳ có thể đưa ra động thái kháng cự đáng kể đối với quân Chính phủ và Idlib có thể được bảo vệ trước cuộc tiến công của Damascus", Selcen nói.

Tuy nhiên, các nhà phân tích khác nói rằng họ không nghĩ điều này sẽ xảy ra. Soli Ozel, một chuyên gia về quan hệ quốc tế tại đại học Kadir Has ở Istanbul, đã đặt ra câu hỏi về việc Thổ Nhĩ Kỳ "làm thế nào có thể đối đầu với chính quyền Syria khi họ được hậu thuẫn bởi Nga và trong lúc người Nga đang kiểm soát không phận?"

Các nhà quan sát tin rằng, máy bay chiến đấu của Nga dự kiến sẽ tăng cường các đợt ném bom phiến quân trên khắp Idlib, trước khi một cuộc tấn công quy mô lớn nổ ra.

Trong 18 tháng qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nuôi dưỡng một mối quan hệ sâu sắc hơn với người đồng cấp Erdogan, nhiều hơn cả sự gần gũi của đồng minh NATO với Thổ Nhĩ Kỳ. Do đó, Ankara tin nhiều vào khả năng Moscow sẽ cẩn trọng để tránh bất kỳ cuộc đối đầu nào ở Syria.

"Chúng tôi không thể tưởng tượng đến cảnh Nga ném bom vào sự hiện diện quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại Idlib", Selcen nói.

Các nhà phân tích cho rằng Tổng thống Erdogan có thể đang tham gia vào một canh bạc mạo hiểm, trong đó ông cược rằng Moscow và Damascus không sẵn sàng mạo hiểm một cuộc đụng độ với Thổ Nhĩ Kỳ và có thể tìm kiếm một giải quyết ngoại giao cho vấn đề Idlib.

Tuần trước, Tổng thống Erdogan, Tổng thống Putin, cùng với Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã gặp nhau tại một hội nghị thượng đỉnh ba bên ở Tehran. Các cuộc đàm phán dường như đã kết thúc trong bế tắc khi không đưa ra được giải pháp ngăn chặn xung đột ở Idlib.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại