Quy tắc 3 thùng giải thích vì sao CEO Amazon có 84 tỷ USD vẫn đi xe Honda đời 1996 còn hàng xóm của bạn vừa mua ô tô mới mà vẫn nghèo

Hùng Vũ Spiderum |

Thử nhớ về lần cuối bạn đi chơi cùng bạn bè và bạn không chắc là bạn có đủ tiền trong tài khoản ngân hàng hay không, hay cái lần mà người thu ngân ở siêu thị hay Starbucks nói với bạn là thẻ của bạn đã bị từ chối, hay là khi một người bạn đã hỏi bạn xem có muốn gặp mặt không và bạn đã nói rằng “Mình đang bận,” nhưng trên thực tế bạn chỉ không có đủ tiền để ra ngoài thôi.

*Đây là một bài viết từ trang Wordpress của Jose Angel Picon - một cây viết kiêm blogger nổi tiếng người Mỹ.

Quy tắc 3 thùng giải thích vì sao CEO Amazon có 84 tỷ USD vẫn đi xe Honda đời 1996 còn hàng xóm của bạn vừa mua ô tô mới mà vẫn nghèo - Ảnh 1.

Tôi đã từng trải qua tất cả những tình huống đó rồi và tôi tin rằng bạn cũng đã trải qua ít nhất là một trong số đó. Lý do chính tại sao những tình huống như vậy xảy ra với tôi là bởi tôi đã quá kém trong việc quản lý tài chính cá nhân. Nhưng sau khi đã đọc một vài cuốn sách về những nhà tỷ phú và cách họ học quản lý tiền bạc cho công ty của họ, tôi đã dần cảm thấy được thoái mái về mặt tài chính và không còn cảnh phải dài cổ chờ đợi ngày phát lương nữa.

Lưu ý: nếu bạn là một người thích ngày nào cũng phải ra ngoài ăn, đi dự tiệc, mua sắm quần áo mới, thích những đôi giày đắt tiền, các loại công nghệ mới nhất, những tựa game hoành tráng nhất, thì lời khuyên này có lẽ không dành cho bạn. Tôi không có ý định thay đổi lối sống của bất kỳ ai cả, nếu đó là lối sống khiến cho bạn cảm thấy hạnh phúc. Nhưng đối với những người luôn phải đắn đo suy nghĩ về tài chính của họ, thì những lời gợi ý này sẽ tỏ ra hữu dụng hơn.

Tôi không phải là một nhà hoạch định tài chính chính thức, tôi cũng chưa từng tham gia một trường kinh doanh nào cả, và chắc chắn tôi cũng không phải là một nhà tỷ phú, nhưng tôi đã nhận ra rằng ba cách tư duy này mà tôi đã khám phá ra được qua việc nghiên cứu về cuộc sống của các nhà tỷ phú đã giúp cho tôi quản lý tài chính cá nhân hiệu quả hơn rất nhiều.

Hệ thống 3 thùng

Khoảng sáu tháng trước, tôi đã theo học một khóa học tài chính UCLA. Và khi tôi bước chân ra khỏi phòng học, tôi nhìn thấy một cái bàn xếp đầy những cuốn sách và một tấm biển đính lên trên tường với dòng chữ “KIẾN THỨC MIỄN PHÍ, LẤY BAO NHIÊU TÙY BẠN”.

Trong một thoáng chốc, tôi tưởng là mình vừa được lên thiên đường. Sau khi lướt qua rất nhiều sách văn học, sách về ăn kiêng, và rất nhiều các loại sách giáo khoa về chăm sóc sức khỏe, tôi đã tìm thấy một cuốn sách mà đã thực sự thu hút ánh nhìn của tôi.

Đó là một cuốn sách rất ngắn, chỉ khoảng 70 trang, với tựa đề “Người đàn ông giàu nhất thành Babylon.” Tôi đọc hết bìa sau, đọc hết cả bìa trước, cả nội dung bên trong của nó và tôi đã thực sự bị cuốn hút.

Tôi đọc hết toàn bộ cuốn sách chỉ trong khoảng 4 tiếng đồng hồ và điều quan trọng tôi đã rút ra được từ cuốn sách này là Hệ thống 3 thùng. Đây là một hệ thống quản lý dòng tiền dù đơn giản nhưng cực kỳ hiệu quả. Hệ thống này được rất nhiều người giàu có cùng các tập đoàn đang vận hành các công ty tỷ đô tin dùng, để giúp họ bảo vệ ngân quỹ và theo dõi các loại chi tiêu trong từng phòng.

Điều tuyệt vời về hệ thống này đó là hầu như không có giới hạn nào trong số lượng những chiếc thùng bạn muốn sử dụng. Các chủ doanh nghiệp với các mục đích khác nhau cũng sử dụng hệ thống này để góp nhóm các loại chi tiêu như tiền lương, chi phí marketing, chi phí kho, chi phí vận hành, cổ tức, v..v.. Tuy vậy, để dễ theo dõi, ba cái thùng là con số tối ưu cho tài chính cá nhân.

Quy tắc 3 thùng giải thích vì sao CEO Amazon có 84 tỷ USD vẫn đi xe Honda đời 1996 còn hàng xóm của bạn vừa mua ô tô mới mà vẫn nghèo - Ảnh 2.

Vậy Hệ thống 3 Thùng là gì? Về cơ bản, đó là một cách để chia nguồn thu nhập của bạn thành ba nhóm khác nhau: chi tiêu, tiết kiệm và đầu tư/nợ. Tỷ lệ lý tưởng cho hệ thống ba thùng này là 50%, 30%, và 20%, nhưng chúng sẽ có thể thay đổi tùy thuộc vào chi phí hàng tháng của bạn.

Nói một ví dụ: giả sử tôi kiếm được 1.000 USD mỗi tuần (cho dễ tính), thì tuần đó tôi sẽ cho 500 USD (50%) vào một quỹ cho việc chi tiêu như tiền điện nước, thức ăn, cà phê và các loại chi phí phụ khác tôi cần phải chi.

300 USD (30%) trong số đó sẽ đi vào tài khoản tiết kiệm, và đây sẽ là khoản tiền bạn không được phép động vào trừ phi đó là trường hợp khẩn cấp. Tài khoản tiết kiệm này là VÔ CÙNG quan trọng, bởi gần như chắc chắn là một lúc nào đó bạn sẽ gặp phải một tình huống khẩn cấp, và câu hỏi chỉ là khi nào mà thôi.

Rất nhiều người không biết cách chuẩn bị trước về mặt tài chính cho trường hợp khấn cấp đó, vì thế hãy đừng giống như đa phần những người chỉ dành dụm được khoảng 1% trong tổng số thu nhập hàng tháng của mình.

Hãy thử nghĩ về bản thân mà xem, nếu như có điều gì bất ngờ xảy ra thì bạn có muốn có 200, 500, 800, 2.000 USD để trả cho các loại chi phí, hay bạn muốn bị đánh úp bất ngờ chỉ bởi vì bạn không biết tiết kiệm cho những trường hợp khẩn cấp như thế này?

Bản thân tôi cũng đã gặp phải tình huống bất ngờ khẩn cấp như vậy; Tôi làm việc ở một công ty trong khoảng nửa năm, và mọi thứ diễn ra rất bình thường, cho đến khi công ty bất ngờ phải đóng cửa và sa thải toàn bộ nhân viên.

Tôi đã không thể ngờ được rằng chuyện này sẽ xảy ra, nhưng bởi vì tôi đã tiết kiệm được một khoản tiền trước đó để chuẩn bị cho tình huống bất ngờ này, tôi đã có đủ tiền để có thể sống tốt trước khi tìm được một công việc mới. Điều tương tự cũng sẽ xảy đến với bạn, câu hỏi chỉ là bao giờ và liệu bạn đã chuẩn bị tài chính kỹ càng hay chưa mà thôi.

Quy tắc 3 thùng giải thích vì sao CEO Amazon có 84 tỷ USD vẫn đi xe Honda đời 1996 còn hàng xóm của bạn vừa mua ô tô mới mà vẫn nghèo - Ảnh 3.

Cái thùng cuối cùng sẽ là cái thùng dành riêng cho các khoản đầu tư cá nhân hay các khoản nợ mà bạn phải trả, do đó trong ví dụ này đó sẽ là 200 USD. Số tiền này có thể được sử dụng để trả các khoản nợ thẻ tín dụng hay nợ học phí đại học.

Khi tôi nhắc đến tiền đầu tư, ý của tôi không phải là mở một tài khoản Scottrade và đặt tiền của bạn vào thị trường chứng khoán, mà ý của tôi là những khoản đầu tư cá nhân, nhìn chung có liên quan đến việc tích lũy tài sản, kiến thức, sức khỏe hay tinh thần.

Có thể bạn muốn đầu tư tiền vào sức khỏe dài hạn của mình và muốn đăng ký làm thành viên một phòng gym và chi phí khởi tạo là 200 USD. Nếu là tôi thì tôi sẽ quy số tiền khởi tạo đó là một khoản đầu tư cá nhân.

Có thể bạn muốn học cách tiết kiệm tiền bằng cách nấu nướng tại nhà, vì thế nên bạn muốn đi học tại các lớp nấu ăn hoặc muốn các cuốn sách dạy nấu ăn, thì tôi sẽ không coi đó là một chi phí, mà sẽ là một khoản đầu tư, bởi vì bạn đang đặt ra một khoản tiền tương đối để đem lại được các lợi ích trong tương lai (như trong trường hợp này là các khoản tiết kiệm.)

Hệ thống ba thùng có lẽ là một hệ thống thực tế nhất mà bạn có thể sử dụng để quản lý tài chính của bản thân mình. Và điều duy nhất bạn cần phải làm đó là mở ra ba tài khoản khác nhau được kết nối tới một hoặc hai chiếc thẻ, và làm một ít phép toán khi bạn nhận được đồng lương của mình.

Gợi ý: khi nhận được lương của mình, tôi thường đi hẳn vào trong ngân hàng để nhận tiền, sau đó gửi toàn bộ vào tài khoản chi tiêu của mình, rồi lại chuyển phần tương ứng vào các tài khoản tiết kiệm và tài khoản đầu tư/nợ. Bạn sẽ phải mất công một chút, nhưng tôi nghĩ để đảm bảo được về mặt tài chính thì việc đó cũng xứng đáng.

Khoản đầu tư phổ biến nhất thế giới

Bạn nghĩ sao nếu tôi nói rằng Jeff Bezos đang lái một chiếc xe cổ lỗ, hay là Warren Buffett đã mua một chiếc xe cũ rồi bán nó lại với giá 72.000 USD?

Quy tắc 3 thùng giải thích vì sao CEO Amazon có 84 tỷ USD vẫn đi xe Honda đời 1996 còn hàng xóm của bạn vừa mua ô tô mới mà vẫn nghèo - Ảnh 4.

Chiếc Honda Accord 1996 của Jeff Bezos

Không cần biết người chào hàng xe ô tô hay các thành viên trong gia đình đã nói gì, vì trên thực tế một chiếc xe hoàn toàn không phải là một khoản đầu tư. Nó thực ra có lẽ là một trong số những khoản tiêu dùng lớn nhất mà chúng ta có trong đời.

Lần cuối bạn lướt Facebook và đọc được một bài báo trên Buzzfeed về chuyện một người đã làm ra được hàng triệu đô bởi vì anh ta đã “đầu tư” vào một cái xe ô tô là khi nào?

Với 18.000 USD (giá một chiếc Honda Civic phiên bản 2015) thì tôi chẳng thà đầu tư vào việc bắt đầu một công ty còn hơn. Theo cách nghĩ của tôi, thì một chiếc xe chỉ đơn giản là một công cụ để đi từ điểm A đến điểm B. Miễn là nó còn chạy tốt và ổn định, thì tôi chẳng cần quan tâm đến những thứ phụ kiện lằng nhằng đi cùng chiếc xe đó.

Nhưng đây cũng không phải là ý kiến của riêng tôi. Jeff Bezos đang sử dụng một chiếc xe 21 năm tuổi đáng giá không đến 2.000 USD, hay Warren Bufett, người đã mua một chiếc xe với 3.000 USD cũng sẽ đồng ý với triết lý này.

Như Henry David Thoreau đã nói trong cuốn sách nổi tiếng Walden: “Tôi thà ngồi lên trên một quả bí ngô và biết rằng nó là của một mình tôi … Tôi thà đi vòng quanh thế giới trên một chiếc xe bò mà không phải dựa dẫm vào điều gì còn hơn là ngồi trên một chiếc xe sang trọng.”

Quy tắc 3 thùng giải thích vì sao CEO Amazon có 84 tỷ USD vẫn đi xe Honda đời 1996 còn hàng xóm của bạn vừa mua ô tô mới mà vẫn nghèo - Ảnh 5.

Tính giản dị

Đây là cách đơn giản nhất để tiết kiệm tiền, nhưng lại là cách khó nhất để áp dụng. Giản dị có nghĩa là chỉ chi tiền vào những thứ bạn cần, những thứ cần thiết trong cuộc sống mà có ích cho tương lai, cho sức khỏe và cho sự thanh thản trong tinh thần của bạn.

Cách hữu hiệu nhất để làm điều này đó là tự đặt câu hỏi cho mình trước khi bạn định mua một thứ gì đó, “Liệu tôi có thực sự cần thứ này hay tôi vẫn sống được mà không có nó?”.

Hãy coi tiền của bạn như một công cụ để đầu tư vào chính bản thân mình, không phải vì mục đích tiêu dùng hay để giúp người khác làm giàu. Là con người, chúng ta đã quá quen với việc tiêu dùng một cách mù quáng.

Bởi mỗi khi chúng ta nhận được một thứ gì mới, não của chúng ta sẽ sản sinh ra dopamine (một chất dẫn truyền thần kinh, có liên quan đến việc kích thích hứng khởi), và đó là lý do vì sao chúng ta cảm thấy thật sung sướng một khi chúng ta nhận được một thứ gì đó mới, dù là mua hay là được tặng.

Chúng ta sống trong một thế giới mà các doanh nghiệp đang tấn công lẫn nhau để tranh giàu từng đồng tiền đang nằm trong túi của bạn. Nhưng để có thể sống một cuộc sống hạnh phúc hơn, chúng ta cần phải học cách sống một cuộc sống đơn giản hơn bằng cách tạo thói quen chỉ mua những thứ cần thiết tối thiểu nhất.

Một lần nữa xin trích dẫn ông Henry David Thoreau “Bạn là một trong số chín mươi bảy người thất bại hay là một trong ba người thành công? Hãy trả lời những câu hỏi này cho tôi và có thể tôi sẽ coi những thứ đồ phù phiếm của bạn là vật trang trí”.

Trước khi chúng ta sống một cuộc sống giàu có, hãy chắc chắn rằng chúng ta đang sống một cuộc sống hạnh phúc và đủ đầy trước khi chúng ta trang trí của đời của mình bằng những thứ “phù phiếm” không cần thiết.

Cách tốt nhất để đến được nơi chúng ta muốn đến, đó là phải giữ được một lối tư duy đầu tư, từ bỏ sự sung sướng ngày hôm nay và thu hoạch phần thưởng lớn hơn nhiều lần trong tương lai. Tất nhiên, tiết kiệm sẽ không giúp bạn trở thành một tỷ phú, nhưng đây là một trong những chiến thuật rất quan trọng mà các nhà tỷ phú đã áp dụng trong cuộc sống của mình mà đã giúp cho họ đến được tới đẳng cấp đó.

Tạo ra những thói quen tốt với tiền bạc NGAY BÂY GIỜ sẽ khiến việc quản lý tiền bạc dễ dàng hơn khi chúng ta bắt đầu tích lũy thêm được tài sản, vì thế xin đừng chùn bước! Hãy bắt đầu tiết kiệm tiền ngay hôm nay, đừng mua xe ô tô theo cảm hứng, và nhất là xin đừng tiêu pha vào những thứ không cần thiết. Hãy đầu tư cho chính bản thân mình.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại