Mỹ cần phải nỗ lực gấp hai lần để có thể có cái nhìn mới về Nga. Nguyên nhân là do Mỹ không có đủ các chuyên gia có kiến thức sâu về Moscow.
Theo tờ Washington Post của Mỹ, các nghị sỹ Quốc hội Mỹ, giới chuyên gia và các cựu quan chức Nhà Trắng cho rằng, việc thiếu các chuyên gia về Nga đang có những tác động tiêu cực không nhỏ đến việc thực hiện các chính sách của Mỹ.
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên (thiếu chuyên gia về Nga) là do thiếu hụt nguồn kinh phí cung cấp cho các hoạt động nghiên cứu về Nga trong các cơ quan nhà nước, các trường đại học, các trung tâm nghiên cứu.
Điều này khiến giới sinh viên Mỹ không còn hứng thú đối với việc học tiếng Nga và nghiên cứu văn hóa Nga.
“Theo các chuyên gia, hậu quả của tình trạng trên là Mỹ đang rơi vào tình trạng bất lợi về chiến lược và tình trạng này chỉ có thể khắc phục được sau khi Mỹ tạo ra được cộng đồng các chuyên gia nghiên cứu về Nga”- Washington Post nhận định.
Bất ngờ trong từng bước đi
Các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực tình báo và an ninh quốc gia Mỹ cảnh báo rằng, kiến thức về Nga và khả năng thu thập các thông tin về các ý định của Nga “không đạt đến mức độ cần thiết”.
Do đó, các hành động, bước đi của Nga ngày càng trở nên khó dự báo hơn đối với giới chức Mỹ.
“Mỗi một bước đi của họ (Nga) đối với Mỹ đều là bất ngờ. Bất ngờ khi họ tiến vào Crimea, bất ngờ khi họ ra tay ở Syria”- Thượng nghị sỹ nổi tiếng Mỹ John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Thượng viện Mỹ chỉ trích.
Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ Richard Barr tuyên bố rằng những khả năng phân tích về Nga của chính quyền Mỹ đang bị “teo lại”.
“Chúng ta phải nỗ lực gấp hai lần để có cái nhìn mới về Nga”- Barr thừa nhận.
Theo Washington Post, trong số giới chức, chuyên gia Mỹ có kiến thức về Nga hiện chỉ có Selest Yollander - Trợ lý Tổng thống Obama và Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Victoria Nuland.
Các quan chức khác trong chính quyền Mỹ hoàn toàn chưa thể đạt đến tầm kiến thức về Nga như hai quan chức trên.
“Khi những quan chức cấp cao trong chính quyền đến báo cáo tại đồi Capitol, người ta hy vọng rằng họ sẽ có đủ kiến thức.
Nhưng bí mật “bẩn” là chỗ những khả năng của họ yếu kém kinh khủng” - Matteo Rojansky, người đứng đầu Viện Kennanovsky chuyên nghiên cứu về Nga nhận định.
Theo Rojansky, ông đã từng được giao nói chuyện về tình hình Belarus cho một nhóm chuyên gia nhưng không có ai trong số đó đã từng đến Belarus.
“Một loạt các đơn vị trong thành phần NATO cũng không có nổi lấy một người có thể đọc được báo Nga”- Rojansky ngán ngẩm.
Thời thế đã thay đổi?
Theo Adam Shiff, thành viên Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ, hiện Nga không phải là ưu tiên hàng đầu của Mỹ nên Mỹ vẫn chưa coi Nga là mối đe dọa thực sự. Nhưng hiện nay, quan niệm này “cần thiết” phải thay đổi.
Adam Shiff bổ sung rằng việc đào tạo các chuyên gia về Nga không thể thực hiện được trong “một sớm một chiều”.
Hơn nữa, chính sách của Nga hiện rất khó dự đoán và mạng lưới tình báo mạng của Nga đang rất phát triển.
Tuy nhiên chuyên gia về Nga Fiona Hill, chuyên gia thuộc Ủy ban Tình báo Quốc gia (năm 2014) và hiện là một trong những lãnh đạo của Viện Brukings không đồng tình với những nhận định của Adam Shiff.
“Tất cả những điều này là do chúng tôi không được nói về các chiến lược của Mỹ nên chúng tôi không thể đưa ra các dự báo vì hoạt động này cần phải có thời gian, nỗ lực và lượng kiến thức không nhỏ” - Hill tuyên bố.
Theo giới chuyên gia, các hành động của Nga đang “làm khó” hoạt động nghiên cứu của Mỹ.
Cụ thể, các chuyên gia Mỹ “phàn nàn” rằng việc cắt giảm chương trình trao đổi sinh viên đang làm cản trở đến quá trình đào tạo các chuyên gia Mỹ chuyên về Nga.
“Cuộc đối đầu ngoại giao và cấm vận đang tiếp diễn giữa Nga và Mỹ đã làm giảm đáng kể khả năng tiến hành các trao đổi giáo dục và thương mại, còn các đạo luật của Nga chống “các điệp viên nước ngoài” và “các tổ chức không mong muốn” tiếp tục cản trở các nỗ lực của Mỹ”- Washington Post viết.
Trong khi đó, cựu Đại sứ Mỹ ở Nga Michael McFaul tuyên bố rằng Mỹ đã rất sai lầm khi cho rằng Nga đã suy yếu.
Hiện Nga vẫn là một trong những cường quốc mạnh nhất thế giới và thực tế này sẽ không thể thay đổi trong thời gian tới.
“Thật sai lầm khi 20 năm về trước có ý kiến cho rằng Nga là một cường quốc đã suy yếu, một cường quốc đang bế tắc. Chỉ có thể tranh luận rằng Nga đang là cường quốc hàng đầu hay tầm trung bình.
Trên thực tế, Nga vẫn là cường quốc lớn nhất thế giới, đứng trong top 5 hoặc 10 nền kinh tế hàng đầu thế giới và vẫn là cường quốc hạt nhân số 1 thế giới.
Với những khoản tiền ông Putin đã đầu tư vào nền quốc phòng, Quân đội Nga đã trở thành một trong những quân đội lớn nhất thế giới.
Các khuynh hướng này sẽ không thay đổi trong tương lai 20-30 năm tới” - Michael McFaul nhận định.