Theo hai chuyên gia chính sách đối ngoại James Jay Carafano và Nile Gardiner, nhà lãnh đạo Mỹ cần bảo vệ lợi ích của Mỹ trên thế giới.
Để làm điều đó, không thể bỏ qua việc phải có một chính sách rõ ràng để đối đầu với một đất nước đang hồi sinh cũng là một ‘kẻ thù' chiến lược lớn là Nga.
Họ cho rằng, chính sách đối ngoại hiện giờ của chính quyền Obama không đủ thách thức chính quyền của Tổng thống Vladimir Putin.
Bằng chứng mà họ đưa ra là việc Nga tỏ ra kiên quyết và mạnh mẽ khi sáp nhập Crimea của Ukraine bất chấp sự phản đối từ Mỹ và phương Tây.
Ông James và Nile khẳng định, "sự hồi sinh của Nga” là một mối đe dọa đối với Mỹ.
“Gấu Nga” đã khiến Tổng thống Obama mất cảnh giác, khai thác thành công những điểm được cho là yếu đuối và thiếu quyết đoán từ Washington.
Thật vậy, thay vì cho thấy sức mạnh và sự quyết tâm, siêu cường số một thế giới lại giống như một "chú nai lơ ngơ trước chiếc đèn pha" khi phải đối mặt với đối phương đang hành động ngày càng quyết liệt.
Nhiều đồng minh phương Tây của Mỹ cũng có quan ngại rằng Nga sẽ hành động mạnh mẽ không chỉ ở Ukraine mà còn ở các nước Baltic như Latvia, Estonia và Lithuania, những nước đang có tỷ lệ lớn người nói tiếng Nga.
Do vậy, theo James và Nile, nếu muốn kiềm chế tham vọng của Nga, bảo vệ các đồng minh ở Đông và Trung Âu cũng như thúc đẩy NATO, Mỹ phải ngay lập tức hành động mạnh tay hơn với Nga chứ không chỉ dừng lại ở các biện pháp trừng phạt kinh tế.
Các biện pháp trừng phạt kinh tế cho đến nay đã chứng minh không có tác dụng đối với Tổng thống Nga Putin.
Do đó, họ nhấn mạnh rằng, Mỹ phải có chiến lược rõ ràng, bảo toàn các lợi ích của Mỹ và khiến Moscow phải lo sợ những hậu quả có thể xảy ra nếu hành động theo cách Mỹ không mong muốn.
Từ các lập luận trên, ông James và Nile đã nêu ra 3 yếu tố chiến lược mà Mỹ nên sử dụng để đối đầu với Nga.
Thứ nhất, để đối mặt với các chiến lược của Nga, Mỹ cần thể hiện sức mạnh quân sự ở châu Âu bằng cách tăng cường hiện diện quân sự thường trú tại Đông Âu và cung cấp vũ khí để giúp chính phủ Ukraine chống lại ly khai thân Nga.
Song song với đó, Mỹ nên nhấn mạnh cam kết của mình đối với Điều 5 của NATO.
Điều 5 của NATO quy định rằng “bất kỳ cuộc tấn công vũ trang nào vào một hay một số thành viên của liên minh đều được coi là một cuộc tấn công vào toàn bộ liên minh và tất cả các thành viên sẽ ngay lập tức phản ứng lại các cuộc tấn công đó”.
Mở rộng sự hiện diện quân sự của Mỹ ở châu Âu là giải pháp có thể coi là tốt nhất để Mỹ kiềm chế Nga. Điều đó sẽ cho điện Kremlin thấy rằng Mỹ sẽ luôn ủng hộ đồng minh và bảo vệ lợi ích của mình trong khu vực.
Muốn củng cố giải pháp này, Mỹ phải đầu tư lớn hơn về quốc phòng và dừng chính sách cắt giảm ngân sách quốc phòng mà Mỹ đang áp dụng.
Washington cũng phải hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân bao gồm cả tên lửa đạn đạo liên lục địa, máy bay ném bom hạng nặng, và tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm.
Thứ hai là về mặt kinh tế. Mỹ phải phá vỡ sự phụ thuộc của rất nhiều quốc gia châu Âu vào nguồn năng lượng từ Nga. Mỹ phải hành động để gỡ bỏ các rào cản đối với việc xuất khẩu khí đốt và chấm dứt việc cấm xuất khẩu dầu thô.
Đồng thời, Washington cần thực hiện các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn đối với những hành động của Nga ở Ukraine như cấm cấp thị thực và đóng băng tài sản. Các biện pháp trừng phạt kinh tế nên nhằm vào những người có vai trò quan trọng nhất trong chính quyền của ông Putin.
Thứ ba là về ngoại giao. Mỹ phải gây sức ép để cô lập Nga trên trường quốc tế.
Một trong những bước đầu tiên là Mỹ rút khỏi Hiệp ước NEW START bởi đây là một hiệp ước không hoàn thiện, đem lại nhiều lợi ích cho Nga khi hạn chế khả năng của Mỹ trong việc triển khai các tên lửa phòng thủ toàn cầu.
Theo ông James và Nile, Mỹ cũng nên rút khỏi Hiệp ước INF, một thỏa thuận kiểm soát vũ khí lỗi thời mà Nga đã nhiều lần vi phạm.
Theo hai vị chuyên gia trên, nếu Mỹ không kịp thời hành động để kiềm chế Nga, uy tín của Mỹ sẽ bị tổn hại, kẻ thù của Mỹ sẽ ngày càng lớn mạnh và đồng minh của Mỹ sẽ ngày càng suy yếu, dẫn đến hậu quả các lợi ích trên toàn thế giới của Mỹ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.