"Vừa đón thắng lợi mới, Nga đã lại sắp phải thở dài tuyệt vọng"

My Lan |

Theo RFE/RL, Tehran và Moscow đang dần đổi vị trí cho nhau khi mà Iran, sau nhiều thập kỷ, đã thoát khỏi tình trạng bị cô lập, còn Nga thì không thể tiếp tục xích gần phương Tây.

Quan hệ khăng khít ngày càng "lung lay"

Đối với Iran, ý nghĩa địa chính trị của thỏa thuận hạt nhân lịch sử vừa mới đạt được ở Vienna chính là để đổi lấy việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt quốc tế khiến nước này tê liệt.

Sau sự kiện quan trọng này, Tổng thống Nga Putin đã khẳng định Moscow "hoan nghênh" thỏa thuận đó và rằng "thế giới đã có thể thở phào nhẹ nhõm".

Nhiều ý kiến cho rằng, đây có thể coi như một thắng lợi của Nga.

Có thể thấy rõ điều này khi ngay lập tức, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã nhắc Tổng thống Mỹ Barack Obama về lời hứa từ bỏ kế hoạch phòng thủ tên lửa ở châu Âu - điều mà Moscow vẫn luôn "đau đáu", nếu đạt được một thỏa thuận về vấn đề hạt nhân Iran.

Tuy nhiên, theo Đài châu Âu Tự do (RFE/RL), Điện Kremlin có thể sẽ sớm phải "thở dài tuyệt vọng", bởi dù là một bên tham gia cuộc đàm phán, song Moscow có nhiều thứ để mất.

Bài phân tích mới đây của RFE/RL chỉ ra rằng, thiệt hại đầu tiên của Nga là mối quan hệ khăng khít với Iran mà nước này đã gìn giữ suốt nhiều năm qua, khi mà cả 2 bên đều "cố gắng khiến đối phương uất ức vì trật tự thế giới do phương Tây thống trị".

Còn giờ đây, việc duy trì mối quan hệ này, với Nga, sẽ khó khăn hơn rất nhiều, bởi Iran đang "háo hức tái hòa nhập với phương Tây".

Chuyên gia về rủi ro chính trị Agnia Grigas và chuyên gia về Trung Đông Amir Handjani từng nhận định rằng, phương Tây đang có cơ hội để "chia rẽ liên minh Iran - Nga nhằm kiềm chế tham vọng bá quyền của Nga, cũng như đưa Iran trở lại quỹ đạo của nền kinh tế toàn cầu".

Trên thực tế, việc phương Tây cô lập Iran đã đẩy Tehran vào vòng tay của Moscow.

Trước đây, khi đang "yên vị" trong vai trò một thành viên G8 và có những mối quan hệ mang tính xây dựng với phương Tây, Nga hoàn toàn có thể đảm nhiệm vai trò đối thoại với Iran và bảo vệ cộng đồng quốc tế.

Tuy nhiên, khi Iran thoát khỏi thế bị cô lập, còn Nga lại trở thành đối tượng bị chỉ trích do các cuộc xung đột ở Ukriane, thì nền tảng trong mối quan hệ giữa 2 bên có vẻ như đang ngày càng bị lung lay.

"Liên minh Nga - Iran hiện nay đang ngày càng giống như "một cuộc hôn nhân dựa trên nền tảng lợi ích", thay vì quan hệ đối tác chân thành", Grigas và Handjani viết.

"Và Iran, khi xích gần với phương Tây trong các lĩnh vực như năng lượng, thương mại và sản xuất điện hạt nhân phục vụ mục đích hòa bình sẽ không còn coi Nga là người bảo vệ quyền lợi của mình nữa".

 
Đài châu Âu Tự do
Iran và Nga đang di chuyển theo hướng ngược nhau trong mối quan hệ với phương Tây, và tác dụng phụ của những của xu hướng này sẽ rất sâu rộng.

Cuộc cạnh tranh về năng lượng

Tất nhiên, khí đốt sẽ là vấn đề nảy sinh. Nếu vai trò của Nga và Iran thay đổi trên trường quốc tế thì cơ sở cho quan hệ đối tác của họ cũng sẽ biến mất, thị trường năng lượng sẽ trở nên rất cạnh tranh.

"Iran sẽ phải cạnh tranh trực diện với Nga ở châu Âu", Ed Morse, một nhân viên cấp cao của Tập đoàn CitiGroup đánh giá trên tờ Bloomberg.

RFE/RL cho rằng, "Nga chỉ có thể hưởng nhiều lợi ích khi Iran bị loại khỏi thị trường năng lượng".

Iran là nhà sản xuất khí đốt tự nhiên lớn thứ ba thế giới, song do các lệnh trừng phạt mà nước này chỉ được xếp ở vị trí top 25 các nước dẫn đầu về xuất khẩu.

Một khi các lệnh trừng phạt nhằm vào quốc gia Đông Á này bị dỡ bỏ, khí đốt được tự do buôn bán thì sẽ ảnh hưởng đáng kể tới sự thống trị của Nga tại thị trường châu Âu.

"Các công ty năng lượng châu Âu được cho là đang nhăm nhe kí hợp đồng với Iran và chẳng mấy chốc, họ sẽ tìm thấy cơ hội của mình".

Thêm vào đó, chính sách mới của Brussels nhằm vào tập đoàn khí đốt Nga Gazprom cũng sẽ là một động lực giúp cho Tehran chiếm lĩnh thị trường của Moscow.

Nga cũng sẽ phải chịu không ít mất mát trên thị trường dầu mỏ.

Kể từ khi Liên minh châu Âu EU cấm nhập khẩu dầu mỏ từ Iran vào năm 2012 và các lệnh trừng phạt của Mỹ khiến việc mua dầu mỏ Iran bằng đồng USD gặp khó khăn, Nga đã nhanh chóng "nuốt chửng" thị phần của Tehran ở cả châu Âu và châu Á.

Tuy nhiên, xu hướng này nhiều khả năng sẽ bị đảo lộn.

Hơn nữa, theo Uỷ ban Thông tin Năng lượng Mỹ, giá dầu thế giới có thể giảm xuống mức 15 USD/thùng vào năm tới và giáng đòn vào nền kinh tế Nga - vốn phụ thuộc nhiều vào năng lượng.

RFE/RL chỉ ra rằng, rõ ràng, Nga đã gặt hái được những lợi ích nhất định từ sự kiện lần này của Iran, ví dụ như các thỏa thuận phát triển chương trình hạt nhân dân sự hay những thương vụ mua bán vũ khí.

Nhưng ngay cả như vậy thì Moscow vẫn cần phải cạnh tranh với các công ty hàng đầu phương Tây.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại