Trong một bài viết được đăng tải trên hãng tin Mỹ CNN, nhà bình luận chính trị Robin Oakley, đã chỉ ra những sai lầm của Thủ tướng Anh David Cameron trong sự kiện Scotland bỏ phiếu trưng cầu dân ý về việc tách khỏi Vương Quốc Anh. Ông Oakley đồng thời cũng chỉ ra những khó khăn mà vị Thủ tướng này sẽ gặp phải sau khi giành "chiến thắng" nghẹt thở hôm vừa rồi.
Dưới đây là những quan điểm mang tính cá nhân của ông Robin Oakley trên CNN:
Thủ tướng Anh David Cameron vừa giành được chiến thắng chính trị sít sao nhất. Thành công của chiến dịch Better Together (tạm dịch: Bên nhau thì tốt hơn) đã cứu ông khỏi thảm họa: Sau cùng, ông cũng không bị lưu danh trong lịch sử vì là vị Thủ tướng phải chứng kiến cảnh Scotland lựa chọn rời khỏi Vương quốc Anh. Tuy nhiên, giờ đây, tương lai của ông sẽ là câu hỏi thực sự nghiêm túc được đặt ra trong đảng và đất nước này.
Robin Oakley là nhà bình luận, biên tập viên chuyên về chính trị của tở The Times tại Anh từ năm 1986 - 1992. Sau đó, ông tiếp tục công việc biên tập viên của mình tại BBC từ năm 1992 - 2000 và tại CNN từ năm 2000 - 2008.
Ông Cameron sẽ phải đối mặt với một trận chiến dữ dội trong Quốc hội để thực hiện việc trao thêm quyền cho Nghị viện Scotland cũng như cái gọi là Devo Max (Thay vì nhận một gói trợ cấp từ Vương Quốc Anh như hiện nay, Scotland được quyền giữ tất cả các khoản thuế tại lãnh thổ này và phải chịu trách nhiệm đối với hầu hết những khoản chi tiêu tại đây, đồng thời đóng đầy đủ các khoản theo quy định cho chính phủ Anh). Đây là những điều mà ông đã buộc phải hứa trong giai đoạn sau của chiến dịch No (Nói không với việc tác Scotland khỏi Anh) đầy gian truân.
Công lao của Gordon Brown?
Ông Cameron và đảng Bảo Thủ của mình không phải là những người duy nhất bị quy trách nhiệm trong chiến dịch trưng cầu dân ý mà suýt chút nữa thì đã khiến Vương quốc Anh bị chia cắt. Nhưng ông này đang chịu nhiều lời chỉ trích vì hàng loạt những sai lầm về chiến lược và chiến thuật. Nhiều thành viên Quốc hội sẽ nói rằng chính sự tha thiết và nhiệt thành với chiến dịch này của cựu Thủ tướng Gordon Brown là điều duy nhất giải cứu ông Cameron và chiến dịch "Better Together".
Bằng cách cảnh báo người Scotland rằng những gì họ đang hướng tới không phải là một cuộc chia tách chỉ mang tính thử nghiệm, mà là chia tách vĩnh viễn, ông đã kêu gọi họ đừng loại bỏ liên hiệp này chỉ bởi vì họ không thích ông hay đảng của ông.
Đây có lẽ là nước cờ tốt nhất của ông. Tuy nhiên, khi nhấn mạnh rằng câu hỏi trong tờ phiếu bầu không phải là tương lai của ông, mà là tương lai của cả liên hiệp, ông Cameron cũng đang thừa nhận rằng ông bị nhiều người đổ lỗi vì đã cho phép cuộc trưng cầu dân ý này diễn ra.
Những người phản đối Scotland tách khỏi Vương Quốc Anh ăn mừng chiến thắng.
Cameron đã sai ở đâu?
Đầu tiên, Thủ tướng Anh bị quy trách nhiệm vì đồng ý với các điều khoản về việc tiến hành cuộc trưng cầu dân ý. Các nhà phê bình đã chỉ trích Thủ tướng Anh bởi cho lãnh đạo đảng Dân tộc Scotland Alex Salmond 2 năm để tạo đà cho những lý lẽ của mình và cho phép cả công dân 16 tuổi được đi bỏ phiếu.
Họ đổ lỗi cho ông Cameron vì đã đồng ý với tờ phiếu bầu mà ở đó, những người ủng hộ độc lập cho Scotland là những người nói Có, trong khi đối thủ của họ (những người lựa chọn ở lại với Vương quốc Anh) lại dường như tiêu cực hơn với lựa chọn Không.
Trên tất cả, các nhà phê bình khăng khăng cho rằng, ông Cameron đã sai khi loại bỏ khỏi tờ phiếu bầu câu hỏi về việc có lựa chọn Devo Max và trao thêm quyền lực cho Scotland hay không. Với nhiều người, sự chuyển giao thêm quyền lực của London cho Edinburg giống như một thỏa thuận có thể đạt được để giúp Anh thoát khỏi sự việc lần này. Thế nhưng, ông Cameron đã gạt bỏ tất cả những lời khuyên chỉ để buộc ông cũng như các lãnh đạo đảng ở Westminster phải chấp nhận Devo Max.
Ngay cả trước khi cuộc bỏ phiếu diễn ra, một vài nghị sĩ đảng Bảo Thủ cũng lên tiếng cảnh báo rằng những sự nhượng bộ này rồi sẽ không thể thực hiện được.
Điều gì xảy ra tiếp theo?
Các nghị sĩ đảng Bảo thủ đã nhao nhao đòi hỏi rằng bất cứ sự nhượng bộ nào với Nghị viện Scotland cũng cần phải được cân bằng bằng cách trao thêm quyền cho các khu vực của Anh - cụ thể là, giảm số lượng các nghị sĩ Scotland trong Quốc hội ở Westminster và chấm dứt việc các nghị sĩ Scotland ở Westminster được quyền bỏ phiếu đối với các vấn đề chỉ ở riêng Anh - bởi những nghị sĩ Anh cũng không có tiếng nói trong các vấn đề của Nghị viện Scotland.
Là một chính trị gia với tư tưởng ôn hòa và thực tế, ông Cameron vốn đã có một nhiệm kỳ không mấy 'dễ thở" khi đảng Bảo thủ có xu hướng nghiêng về cánh hữu, ngày càng hoài nghi châu Âu, đồng thời phải đối mặt với sự vươn lên của đảng Độc lập vương quốc Anh UKIP. Ông sẽ tiếp tục gặp khó khăn khi phải thúc đẩy các điều luật nhằm giữ đúng cam kết với người Scotland, và điều này cũng sẽ chẳng giúp cho Thủ tướng Anh gia tăng thêm quyền lực của mình.
Tuy nhiên, ông Cameron cũng có thể phần nào thở phào, bởi nếu Scotland không có chiến dịch đòi tách khỏi Vương quốc Anh, thì có lẽ ông đã phải đối mặt với một cuộc nổi loạn bên trong đảng và dẫn tới việc phải xem xét một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm với chính mình.
Ít nhất là tới thời điểm này, Thủ tướng Anh đã vượt qua sóng gió. Song vấn đề đã bắt đầu nhem nhóm xuất hiện. Cuộc trưng cầu dân ý chỉ ra rằng, vào tháng sau, đảng của ông sẽ mất một ghế đầu tiên tại Quốc hội vào tay UKIP trong cuộc bầu cử bổ sung, nhằm tìm người thay thế cho ông Douglas Carwel, nghị sĩ đảng Bảo Thủ vừa rút lui.
Ngày 15/10/2012, Thủ tướng Anh David Cameron đã cùng Thủ hiến vùng Scotland Alex Salmond ký vào Thỏa thuận Edinburgh, cho phép Nghị viện Scotland tổ chức cuộc trưng cầu ý dân về độc lập cho vùng này.