Tạp chí National Interest (Mỹ) hôm 10/8 bình luận, việc Bắc Kinh chính thức xử lý cựu Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương (CMC) Quách Bá Hùng đã chứng thực một số quan điểm của giới quan sát đối với vấn đề Trung Quốc.
10 ngày sau khi Quách Bá Hùng "ngã ngựa" - tức 10/8 - báo đảng Trung Quốc Nhân dân Nhật báo lần đầu tiên đăng tải bài xã luận chỉ trích mạnh mẽ "các lãnh đạo về hưu vẫn không 'buông tay' chuyện chính trị".
Vụ xử lý Quách Bá Hùng "đánh dấu" sự "ngã ngựa" của cả 2 cựu Phó chủ tịch CMC thời ông Hồ Cẩm Đào là Quách và Từ Tài Hậu đã chứng minh: Những người đứng đầu quân đội về "danh nghĩa" dưới sự lãnh đạo của ông Hồ, nhưng quyền lực nằm trong tay cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân.
Tờ Business Insider của Mỹ cũng đánh giá việc cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc lần đầu lên tiếng về vấn đề "lãnh đạo về hưu" là biểu hiện ông Tập Cận Bình không muốn "lặp lại lịch sử" như người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào.
Sau khi Từ, Quách "ngã ngựa", báo chí chính thống Trung Quốc đã tung ra hàng loạt cáo buộc tham nhũng đối với 2 ông này, đồng thời tuyên bố chính sự lũng đoạn của Từ và Quách đã khiến Quân giải phóng Trung Quốc (PLA) trở nên suy yếu trong suốt hàng chục năm.
Giai đoạn 2010-2012, ông Tập giữ cương vị Phó chủ tịch CMC, do đó ông nắm rất rõ cách thức, cơ cấu quyết sách của giới lãnh đạo quân đội Trung Quốc và hiểu được tầm quan trọng của việc quản lý được bộ máy này.
NI bình luận, Tập Cận Bình tin rằng ông có đủ năng lực cải cách PLA, thể hiện qua việc ông thanh lọc những mối quan hệ lợi ích trong quân đội và chống tham nhũng quyết liệt.
Giới quan sát đánh giá, mọi hành động của nhà lãnh đạo Trung Quốc nhằm tránh tình trạng quân đội rơi vào sự kiểm soát của những quan chức "thân với người tiền nhiệm" như những gì đã diễn ra với ông Hồ Cẩm Đào.
Từ Tài Hậu (phải) và Quách Bá Hùng (giữa) được cho là đã giúp cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân duy trì ảnh hưởng trong quân đội dưới thời ông Hồ Cẩm Đào (trái) nắm quyền.
The Diplomat: Thời đại kiểm soát quân đội của ông Giang Trạch Dân đã kết thúc
Tạp chí The Diplomat của Nhật đặt nghi vấn, nếu 2 nhân vật cốt cán nhất của PLA trong 16 năm qua - Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng - đều là những "hổ béo" tham nhũng, thì quân đội nước này trong hàng chục năm qua "còn ai không tiêu cực"?
Theo tờ này, Từ và Quách là những "đại diện" của cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân trong PLA trong 13 năm qua và giúp ông Giang duy trì sự ảnh hưởng trong quân đội kể cả khi đã về hưu.
The Diplomat cũng cho hay, trên thực tế trong 10 năm ông Giang giữ chức Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc (1989-1999), ông không có được sự kiểm soát thực chất đối với quân đội.
Chỉ đến khi Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng được đề bạt vào Quân ủy Trung ương năm 1999, nhà lãnh đạo này mới bắt đầu gia tăng quyền lực đối với PLA.
Đương nhiên, như một quan hệ tương hỗ, Từ-Quách cũng không thể có được vị trí cao trong quân đội nếu không được ông Giang "tiến cử".
Vì vậy, The Diplomat kết luận, việc Bắc Kinh xử lý cả Từ và Quách phản ánh được ý chí của Tập Cận Bình, cho thấy ông quyết tâm "đặt dấu chấm hết" cho thời kỳ kiểm soát quân đội của người tiền nhiệm.
Ông Tập Cận Bình chống tham nhũng mạnh mẽ trong quân đội để gia tăng sức mạnh của lực lượng này.
Vượt qua "cái bóng" Giang Trạch Dân, Tập Cận Bình muốn tăng sức mạnh quân đội
Tạp chí lâu đời The Economist mới đây đánh giá, cho đến nay, Bắc Kinh đã khiến những quan chức quân đội cấp cao nhất bị "ngã ngựa".
Động thái này cho thấy chiến dịch chống tham nhũng trong quân đội của ông Tập sẽ không dừng lại mà trở nên mạnh mẽ hơn, khi các "rào cản" từ ảnh hưởng của ông Giang đã bị xử lý.
Theo The Economist, việc khai trừ đảng tịch và truy tố Quách Bá Hùng là hành động nhằm gia tăng tầm ảnh hưởng và quyền kiểm soát của ông Tập Cận Bình đối với PLA.
Kể từ khi lên nắm quyền năm 2012, ông Tập đã nhiều lần nhấn mạnh vai trò lãnh đạo tuyệt đối của đảng Cộng sản Trung Quốc đối với quân đội nước này, minh chứng là hơn 15 tướng lĩnh tham nhũng đã bị xử lý chỉ từ đầu năm 2015.
Tạp chí của Anh cho hay, việc mạnh tay chống tham nhũng không chỉ nhằm khẳng định vị thế lãnh đạo của Tập Cận Bình trong quân đội.
Trên thực tế, chủ tịch Trung Quốc được cho là "có nhiệt huyết" đối với việc hiện đại hóa quân đội Trung Quốc và có tham vọng biến PLA thành lực lượng "sẵn sàng tác chiến bất cứ khi nào", đồng thời có đủ năng lực tham chiến ở nước ngoài.
The Economist bình luận, lễ duyệt binh kỷ niệm 70 năm kết thúc Thế chiến II trên quảng trường Thiên An Môn ngày 3/9 tới đây cũng phần nào thể hiện kỳ vọng vào quân đội Trung Quốc của Tập Cận Bình.