"Lằn ranh đỏ" ông Tập vạch ra với cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân

Hải Võ |

Bắc Kinh lần đầu chỉ trích hiện tượng "lãnh đạo về hưu can thiệp chính trị", cho thấy ông Tập Cận Bình đang có động thái cứng rắn thoát khỏi "cái bóng" của những người tiền nhiệm.

Tờ Business Insider (Mỹ) hôm 12/8 đăng tải bài phân tích, đánh giá bài xã luận về vấn đề "cựu lãnh đạo can thiệp chính sự" của Nhân dân Nhật báo (Trung Quốc) là động thái nhằm cảnh cáo của ông Tập Cận Bình đối với người tiền nhiệm Giang Trạch Dân.

"Một vài lãnh đạo khi tại vị đã không chỉ cho thân thích nắm giữ các vị trí quan trọng để tiện bề giữ quyền sau này, mà thậm chí khi đã về hưu vẫn còn muốn can thiệp vào các vấn đề quan trọng trong bộ ngành mà trước đây họ làm việc" - Nhân dân Nhật báo viết.

Tờ báo đảng Trung Quốc chỉ ra hiện tượng phổ biến trong chính trường Trung Quốc, khi các cựu lãnh đạo đã về hưu nhưng vẫn "gài cắm" những người thân tín với mình vào các vị trí quan trọng trong đảng và chính phủ nhằm duy trì kiểm soát cục diện chính trị.

Business Insider cho rằng, bài báo tiêu đề "Lãnh đạo về hưu không 'rút tay' là làm khó cho lãnh đạo mới" của Nhân dân Nhật báo thể hiện khá rõ ý chí của chủ tịch Tập Cận Bình.

Giáo sư ĐH Victoria, New Zealand
Bạc Trí Dược
Hiển nhiên, ông Tập đang thông qua Nhân dân Nhật báo - cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc - để yêu cầu các ông Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào không can thiệp vào hoạt động chính trị hiện tại của nước này.

Tập Cận Bình muốn hoàn toàn thoát khỏi "cái bóng" cựu lãnh đạo

Giáo sư ngành Trung Quốc học Warren Sun thuộc ĐH Monash, Australia đánh giá Trung Nam Hải đang cảnh báo các bậc lão thành trong đảng Cộng sản Trung Quốc ngừng các động thái làm bất ổn chính quyền đương nhiệm.

"Chúng ta có thể kỳ vọng động thái này là sự khởi đầu của một nỗ lực 'dường như không thể' nhằm đạt được 'một thể chế mới' cho phép kết thúc thời kỳ 'chính trị lão thành'.

Và quan trọng hơn, Trung Quốc có thể tạo dựng văn hóa chính trị lành mạnh hơn ở mọi tầng lớp trong bộ máy hành chính khổng lồ của mình." - học giả Sun bình luận.

Ông Tập Cận Bình đang muốn phá bỏ truyền thống "lão thành làm chính trị" để Bắc Kinh được rộng đường phát triển?

Steve Tsang - Hiệu trưởng Học viện nghiên cứu Trung Quốc hiện đại thuộc ĐH Nottingham, Anh cho biết, ông Giang Trạch Dân là lãnh đạo đã nghỉ hưu của của Trung Quốc "có quyền lực và sức ảnh hưởng lớn nhất".

"Rất khó tránh khỏi kết luận rằng: Thông điệp của Nhân dân Nhật báo nhằm thẳng vào các 'cựu lãnh đạo lão thành' có ảnh hưởng tới bộ máy chính trị, bao gồm ông Giang Trạch Dân" - ông Tsang cho hay.

"Bài báo về cơ bản không nhắc tới cựu Thủ tướng Chu Dung Cơ - một tấm gương mẫu mực của lãnh đạo về hưu, hoặc cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào - người đã 'buông tay' khỏi tất cả các cơ quan cấp cao khi ông về hưu.

Nhà lãnh đạo Giang Trạch Dân làm điều ngược lại so với các ông Chu, Hồ." - Steve Tsang bổ sung.

Cuộc chiến chống tham nhũng "đả hổ đập ruồi" mà ông Tập khởi động kể từ khi lên nắm quyền năm 2013 đã khiến hàng loạt quan chức cấp cao của nước này "ngã ngựa".

Trong đó, những "con hổ" lớn nhất như cựu Bí thư Ủy ban chính pháp Chu Vĩnh Khang, các cựu phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Từ Tài Hậu, Quách Bá Hùng vẫn được truyền thông quốc tế "xếp loại" là "thân với cựu chủ tịch Giang Trạch Dân".

Từ Tài Hậu (trái) và Bạc Hy Lai là những quan chức bị cho là từng được cựu chủ tịch Giang Trạch Dân nâng đỡ trong quá khứ.

Từ Tài Hậu (trái) và Bạc Hy Lai là những quan chức bị cho là từng được cựu chủ tịch Giang Trạch Dân "nâng đỡ" trong quá khứ.

Dù Bắc Kinh không chính thức thừa nhận, nhưng thái độ trong bài xã luận của Nhân dân Nhật báo mới đây đã phần nào xác thực hiện tượng lũng đoạn nền chính trị của ông Giang trong 10 năm mà ông Hồ Cẩm Đào cầm quyền.

Tuy vậy, học giả Tsang cho rằng, không nên nhận định ông Tập Cận Bình đang tìm cách chống lại người tiền nhiệm.

"Không nên đánh giá ông Tập đang cố đối đầu với ông Giang. Nhiều khả năng Bắc Kinh chỉ muốn tỏ thái độ rõ ràng đối với nhà cựu lãnh đạo này cũng các quan chức 'quen biết' với ông trong bộ máy đương nhiệm.

Có thể hiểu, Tập Cận Bình đang đặt ra một 'lằn ranh giới' ở đây." - Tsang nói.

Bên cạnh bài xã luận tiêu điểm nói trên, Nhân dân Nhật báo còn đăng tải một số bài viết khác ca ngợi cựu lãnh đạo Đặng Tiểu Bình và chính trị gia Trần Vân đã bắt tay nhau xây dựng một cơ chế nghỉ hưu đối với các lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc.

Theo BBC, cách nhà lãnh đạo Trung Quốc có một cách thức hoạt động đặc thù, đó là các "nguyên lão" sẽ "đỡ lên ngựa và tiễn một chặng" đối với lãnh đạo kế nhiệm.

Các thế hệ lãnh đạo Đặng Tiểu Bình đối với Giang Trạch Dân, Giang Trạch Dân đối với Hồ Cẩm Đào đều theo mô hình như trên.

"Mặt trái" của khái niệm "tiễn một chặng" chính là điều mà truyền thông quốc tế vẫn gọi là "lão thành can thiệp chính trị".

Sau khi ông Giang Trạch Dân nghỉ hưu, Bộ chính trị Trung Quốc đã được mở rộng lên 9 người, trong đó có nhiều người được ông Giang "nâng đỡ". Sự can thiệp của ông Giang vào hoạt động chính trị của ông Hồ Cẩm Đào là khá rõ ràng.

Tuy nhiên, ông Tập Cận Bình cũng như bộ máy chính trị do ông đứng đầu sẽ không lựa chọn hoặc chấp nhận quá trình "tiễn một chặng" này, BBC cho hay.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại