"Vũ khí thần diệu" nhất của Triều Tiên lợi hại tới cỡ nào?

My Lan |

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã nói rằng, ngoài vũ khí hạt nhân, thì khả năng tấn công mạng là "vũ khí thần diệu" giúp quân đội nước này nhằm vào Hàn Quốc.

Các cuộc tấn công mạng nhằm vào Sony Pictures đang khiến Hollywood và cả nước Mỹ rúng động. Hệ thống máy tính bị tê liệt, hàng loạt các dự án cùng nội dung các email của sếp và diễn viên của hãng phim này bị tiết lộ.

Nhóm hacker The Guardian of Peace đã lên tiếng nhận trách nhiệm và khẳng định, Sony đang phải gánh chịu hậu quả vì sản xuất bộ phim hài về chủ đề ám sát nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.

Tuy vậy, nhiều người cho rằng, hành động này thực tế là do DarkSeoul thực hiện và đó chính là tên gọi khác của Cục 121, một đơn vị chiến tranh mạng đặc biệt tinh nhuệ của Triều Tiên.

FBI cũng cáo buộc Triều Tiên đứng sau hoạt động đó, trong khi đó, Bình Nhưỡng đã lên tiếng phủ nhận sự liên quan, đồng thời lên án bộ phim và cho rằng, việc công chiếu nó sẽ là "một hành động gây chiến".

Đơn vị tấn công mạng lớn thứ 3 thế giới

Reuters dẫn nguồn tin từ những người đào tẩu Triều Tiên cho hay, Cục 121, hay còn được gọi là Đơn vị 121, trực thuộc Tổng cục do thám quân đội, quy tụ các chuyên gia máy tính giỏi nhất tại quốc gia này.

Đơn vị này được cho là thành lập từ năm 1998, có trụ sở tại vùng Moonshin (Bình Nhưỡng). 1.800 người, 3.000 người, 5.900 người... là các con số mà truyền thông thế giới đưa ra, khi nói về quy mô của Đơn vị 121.

Song tất cả chỉ là phỏng đoán, bởi ngay cả các thành viên của lực lượng này cũng không biết chính xác họ có bao nhiêu đồng nghiệp cùng một đội.

Truyền thông phương Tây đều thống nhất với quan điểm rằng, nhiệm vụ của Đơn vị 121 là xâm nhập, tiến hành các cuộc tấn công mạng ở nước ngoài, đặc biệt là các quốc gia "thù địch", lấy đi các tài liệu mật và phát tán virus.

Hwelett Packard, Tập đoàn công nghệ đa quốc gia nổi tiếng của Mỹ nhận định, đơn vị này có đầy đủ khả năng để thực hiện tốt những nhiệm vụ đó.

Thậm chí, trong một báo cáo hồi đầu năm nay của Hwelett Packard, Đơn vị 121 được đánh giá đơn vị tấn công mạng lớn thứ 3 thế giới, sau Mỹ và Nga.

Số lượng máy tính, email hạn chế, do chính sách kiểm soát internet khá ngặt nghèo của Triều Tiên đã trở thành lợi thế rất lớn của Đơn vị 121. Bởi, họ luôn ở thế bất bại khi bị phản công và chỉ phải chịu thiệt hại rất nhỏ.

Đó là chưa kể tới việc, nhiều thành viên của đơn vị này được cho là hoạt động bí mật tại nước ngoài, trong vỏ bọc của các công dân bình thường.

Một khách sạn ở Thẩm Dương, Trung Quốc từng được đồn thổi là nơi đặt chi nhánh của Đơn vị 121, nhưng thông tin này chưa được xác minh.

Khách sạn Chibolsan tại Trung Quốc được đồn" nơi các hacker thuộc Đơn vị 121 "đóng đô".

Khách sạn Chibolsan tại Trung Quốc được đồn là nơi các hacker thuộc Đơn vị 121 "đóng đô".

"Tuyển chọn thần đồng kiểu kim tự tháp"

Theo Jang Se-yul, một người từng theo học tại Đại học Công nghệ Tự động hoá (Triều Tiên), "với họ, vũ khí mạnh nhất là không gian mạng. Ở Triều Tiên, nó được gọi là cuộc Chiến tranh bí mật".

Jang tiết lộ, các hacker thuộc Đơn vị 121 là những nhân vật ưu tú nhất, được chọn ra từ 100 sinh viên tốt nghiệp Đại học Công nghệ Tự động hoá mỗi năm, sau khi kết thúc 5 năm liên tục cố gắng.

Đại học quân sự Kim Nhật Thành được biết tới là một trong 4 cơ sở nổi tiếng nhất, đào tạo ra các chiến binh mạng cho Triều Tiên.

Đại học quân sự Kim Nhật Thành được biết tới là một trong 4 cơ sở nổi tiếng nhất, đào tạo ra các chiến binh mạng cho Triều Tiên. Những sinh viên xuất sắc nhất của trường này sẽ được tuyển chọn vào Đơn vị 121.

Ông Kim Heung Kwang, một giáo sư khoa học máy tính tại Triều Tiên, người từng có 19 năm giảng dạy các "chiến binh mạng" tương lai tại Đại học Công nghệ Hamheung (Triều Tiên), lại tiết lộ với tờ Aljazeera một cách thức tuyển chọn khác, ngặt nghèo hơn nhiều.

"Đó là một quy trình tuyển chọn thần đồng theo kiểu kim tự tháp, nơi những đứa trẻ thông minh nhất từ khắp đất nước - những học sinh giỏi toán, viết mật mã và sở hữu kĩ năng phân tích hàng đầu - được tuyển chọn và đưa tới (trường trung học) Keumseong".

"Sau khi tốt nghiệp (Keumseong), họ được gửi đến học tại các trường đại học và học viện công nghệ hàng đầu Triều Tiên".

"Sau chương trình đào tạo 2 năm tại Đại học, những sinh viên này được đưa tới Trung Quốc và Nga trong 1 năm để củng cố thêm các kiến thức về xâm nhập mạng, cũng như các kĩ năng kĩ thuật khác", trước khi được bổ nhiệm về các đơn vị, mà trong đó, nổi bật nhất là Đơn vị 121.

DarkSeoul là cái tên nằm trong tầm ngắm của nhiều chuyên gia an ninh mạng trong các vụ việc hơn 3.000 máy tính của các ngân hàng và các hãng phát thanh - truyền hình ở Hàn Quốc, cũng như website chính phủ Hàn Quốc bị tấn công.

Công ty bảo mật máy tính Symatic cho hay, DarkSeoul có khoảng 10 - 50 thành viên và có khả năng "độc nhất vô nhị" trong việc tiến hành các cuộc tấn công đình đám, gây thiệt hại trong nhiều năm.

Sau khi Sony Pictures bị tấn công, ông Choi Sang Myung, nhà nghiên cứu an ninh trực tuyến cấp cao, cố vấn cho đơn vị chiến tranh mạng của Seoul nói về mã độc hại trong vụ việc: "Tôi nhận ra những điểm tương đồng ngay khi thấy nó".

Tuy nhiên, vẫn chưa thể xác định chính xác, liệu DarkSeoul có phải là "thủ phạm" tấn công mạng tại Hàn Quốc trong nhiều năm qua hay không, và mối liên hệ thật sự giữa DarkSeoul và Đơn vị 121 là gì.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại