Theo báo New York Times, hôm qua 18-12, một số quan chức Nhà Trắng và cựu quan chức tình báo Mỹ xác nhận ông Sarraff (51 tuổi) đã được đưa từ Cuba sang Mỹ.
Câu chuyện của ông Sarraff là cuộc đối đầu “gián điệp với gián điệp” giữa Cuba và Mỹ sau thời kỳ Chiến tranh lạnh, khi Cuba không còn là mối đe dọa đối với Mỹ.
"Điệp viên hoàn hảo"
Ông Chris Simmons, cựu quan chức Cơ quan Tình báo quốc phòng Mỹ (DIA), kể ông Sarraff từng là chuyên gia phân tích mật mã mà các điệp viên Cuba tại Mỹ dùng để liên lạc với Havana.
Gia đình ông Sarraff cho biết ông từng học ngành báo chí tại ĐH Havana và giữ chức trung úy trong Văn phòng giám đốc tình báo Cuba (CDI). Hiện chưa rõ Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) đã chiêu mộ ông Sarraff như thế nào.
Trước đây, CDI thường xuyên liên lạc với các điệp viên tại Mỹ bằng các tin nhắn mã hóa gửi bằng sóng radio.
Ông Sarraff đã cung cấp thông tin giúp CIA tìm ra cách giải mã các tin nhắn này. Nhờ đó, Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) đã bắt giữ được nhiều điệp viên Cuba kể cả sau khi ông Sarraff bị chính quyền Havana bắt giữ hồi tháng 11-1995.
“Không chỉ cung cấp thông tin, Rolando còn giúp chúng tôi phát hiện những điểm yếu trong hệ thống mật mã của Cuba” - ông Simmons đánh giá.
Theo giám đốc tình báo quốc gia Mỹ James Clapper, ông Sarraff đã giúp Mỹ bắt giữ chuyên viên DIA Ana Belen Montes, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ Walter Kendall Myers và vợ Gwendolyn Myers cùng nhóm “bộ ngũ Cuba”.
Bà Montes bị bắt tháng 9-2001 và lãnh án tù 25 năm. Ông Myers bị tóm năm 2009 vì tội làm gián điệp cho Cuba trong suốt 30 năm và bị xử tù chung thân.
Có ba người trong nhóm “bộ ngũ Cuba” bị bắt năm 1998 được trả tự do theo thỏa thuận mới đây giữa Mỹ và Cuba. Hai người còn lại đã về nước sau khi kết thúc án tù.
Mỹ đã uổng công?!
Người nhà của ông Sarraff cho biết tháng 11-1995, ông đi làm rồi không trở về nhà. Ông bị đưa ra tòa xét xử tội làm gián điệp, tiết lộ bí mật nhà nước và lãnh án tù 25 năm. Gia đình hoàn toàn không biết về hành động phản quốc của ông.
Ông Simmons cho rằng lý do duy nhất khiến ông Sarraff thoát án tử hình là cha mẹ ông đều từng là quan chức tình báo cấp cao của Chính phủ Cuba.
Ông Sarraff thường xuyên liên lạc với người nhà trong tù, nhưng từ vài ngày qua gia đình không liên lạc được với ông. Họ cũng chỉ biết qua báo chí rằng ông được đưa sang Mỹ theo thỏa thuận trao đổi tù nhân giữa Washington và Havana.
“Sau nhiều thập niên do thám lẫn nhau, tôi cho rằng cả hai nước đã thủ hòa. Nhưng câu hỏi mà chúng ta phải đặt ra là tất cả chuyện đó đạt được mục đích gì?” Cựu quan chức CIA Jerry Komisar
Tổng thống Mỹ Barack Obama mô tả ông Sarraff là “một trong những điệp viên tình báo quan trọng nhất Mỹ từng có ở Cuba”. Báo chí Mỹ đánh giá ông ta là “điệp viên hoàn hảo”.
Tuy nhiên, cựu quan chức CIA Jerry Komisar, người từng chỉ đạo các chiến dịch bí mật ở Cuba thập niên 1990, đánh giá trên thực tế tình báo Mỹ đã uổng phí công sức tập trung vào Cuba, bởi quốc gia này hoàn toàn không phải là mối đe dọa đối với Mỹ.
“Sau nhiều thập niên do thám lẫn nhau, tôi cho rằng cả hai nước đã thủ hòa. Nhưng câu hỏi mà chúng ta phải đặt ra là tất cả chuyện đó đạt được mục đích gì?” - ông Komisar khẳng định.