Theo đó, phía Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) muốn bất kì thỏa thuận nào được kí kết trong tương lai đều phải mang theo điều khoản cho phép LHQ tái áp đặt lệnh trừng phạt với Iran, điều mà Nga và Trung Quốc cương quyết phản đối.
Lo ngại khả năng Moscow và Bắc Kinh sử dụng quyền phủ quyết, Đại sứ Mỹ tại LHQ Samantha Power khẳng định Washington sẽ tìm cách ngăn cản Nga và Trung Quốc thực hiện điều đó, các nguồn tin của Reuters cho biết.
"Chúng tôi sẽ có những biện pháp để LHQ có thể tái áp đặt lệnh trừng phạt lên Iran mà không cần đến lá phiếu ủng hộ từ Nga và Trung Quốc, vì thời đại bây giờ đã khác nhiều so với khi mô hình trừng phạt được thiết lập" - bà Power phát biểu trên kênh Bloomberg.
Tuy nhiên, bà Power không nói cụ thể phía Mỹ sẽ làm gì để đạt được điều đó.
Đại sứ Mỹ tại LHQ cũng nhấn mạnh, Washington hi vọng việc đi đến được thỏa thuận với Tehran sẽ dẫn tới những chuyển biến tích cực trong các động thái của Iran tại Syria (Iran đã và đang hậu thuẫn Tổng thống Syria Bashar al-Assad - PV).
Theo thông tin từ New York, đàm phán đã dần đi tới hồi kết vào thứ ba (5/5) vừa qua. Vòng đàm phán này là diễn biến mới nhất trong suốt 18 tháng thảo luận giữa các bên nhằm tiến đến một hiệp ước hạt nhân lâu dài trước kì hạn 30/6/2015.
Trước đó, vào đầu tháng Tư năm nay tại Thụy Sĩ, các bên Iran, Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc và EU đã đạt được một thỏa thuận tạm thời. Dự kiến đàm phán sẽ tiếp tục diễn ra tại thủ đô Vienna (Áo) trong tuần tới.
Về phần mình, đại diện phía Iran tỏ ra lạc quan sau vòng đàm phán gần nhất tại New York.
"Không khí trao đổi hết sức tích cực, và theo tôi hoàn toàn có khả năng các bên sẽ đi đến hiệp ước cuối cùng trước ngày 30/6" - Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araqchi phát biểu với truyền thông nước này.
Tuy nhiên, theo Reuters, các nhà ngoại giao phương Tây cho biết Iran và 6 cường quốc nói trên vẫn chưa thể đi đến một thỏa thuận lâu dài do những vướng mắc và bất đồng quan điểm về phương thức kiểm soát, mức độ trừng phạt, cùng một số vấn đề khác.
"Chúng tôi vẫn chưa tìm ra một phương thức có thể làm hài lòng tất cả các bên tham gia" - một nhà ngoại giao giấu tên phát biểu với Reuters.