Cuộc chiến giữa các "ông lớn" đang đẩy thế giới về đâu?

Đức Huy |

Bài viết của chuyên gia Shivshankar Menon thuộc viện nghiên cứu Brookings (Mỹ) phân tích tình hình thế giới hiện tại cũng như tương lai trong bối cảnh phân hóa quyền lực rõ rệt.

Sẽ chẳng có gì mới khi nói rằng thế giới đang trải qua một thời khắc chuyển giao về nhiều mặt. Thay đổi là không thể tránh khỏi, nhưng điều quan trọng là chúng ta đang chứng kiến những thay đổi gì.

Hay cụ thể hơn, quan hệ giữa các cường quốc trên thế giới đang có những chuyển biến như thế nào?

Để trả lời câu hỏi này, chuyên gia Menon đã đưa ra một số nhận định mang tính toàn cảnh về tình hình thế giới cũng như đường đi nước bước của các "ông lớn" hiện tại và trong tương lai.

Kinh tế

Cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Ấn Độ
Shivshankar Menon
Ông Menon hiện đang giữ chức Viện trưởng Viện nghiên cứu Trung Quốc tại New Delhi. Ông từng đảm nhiệm vai trò cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ dưới thời Thủ tướng Manmohan Singh.

Đầu tiên, ông Menon chỉ ra rằng trong vòng 25 năm trở lại đây, cán cân quyền lực về mặt kinh tế đã và đang được san sẻ ở mức cân bằng nhất trong lịch sử nhân loại. Chuyển biến này trở nên đặc biệt rõ rệt sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Trong khoảng thời gian đó, Trung Quốc từ một nền kinh tế năm 1990 chỉ bằng 1/8 Mỹ nay đã san bằng được khoảng cách và thậm chí còn nhỉnh hơn ở một vài khía cạnh nhất định.

Ngoài ra, một số quốc gia khác cũng đang giữ được mức tăng trưởng cao ổn định, điển hình là Ấn Độ trong hơn 30 năm qua đều tăng trưởng ở mức 6% trở lên, thậm chí từng đạt mức 8% trong suốt thập niên đầu của thế kỉ 21.

Sự trỗi dậy của những Trung Quốc hay Ấn Độ diễn ra song song với bước lùi của phương Tây (trừ Mỹ). Từ chỗ là trung tâm kinh tế toàn cầu của thế kỉ 20, các cường quốc châu Âu nay đã phải "nhường sân khấu chính" cho các thế lực mới.

Sự trỗi dậy về mặt kinh tế của Trung Quốc và Ấn Độ đang cân bằng lại cán cân quyền lực toàn cầu. Ảnh: AFP

Sự trỗi dậy về mặt kinh tế của Trung Quốc và Ấn Độ đang cân bằng lại cán cân quyền lực toàn cầu. Ảnh: AFP

Theo ông Menon, chuyển biến này rõ ràng không phải tự nhiên mà có. Tuyệt đại đa số hệ thống kinh tế của các cường quốc đã phải tự làm mới mình một cách mạnh mẽ kể từ sau cuộc khủng hoảng năm 2008.

Trong đó, Mỹ đang ưu tiên tập trung vào kinh tế năng lượng và đổi mới. Trung Quốc thì nhắm tới các nguồn tiêu dùng trong nước. Ấn Độ lại bận bịu với xây dựng cơ sở hạ tầng, đô thị hóa, và công nghiệp hóa.

Mặt khác, các cường quốc kinh tế "già" khác như Nhật Bản và Tây Âu đang tìm kiếm những nguồn lực có thể làm mới mình. Phía Nga cũng đang tìm cách thích ứng với một thị trường năng lượng với các điều khoản mới trong bối cảnh dân số già và giảm.

Chính trị

Ông Menon cũng cho rằng hiện đang có những chuyển biến tương tự về mặt chính trị, tuy không được thể hiện rõ ràng như những con số về mặt kinh tế.

Quân sự và công nghệ thì không thể phủ nhận Mỹ vẫn đang nắm thế thượng phong. Nhưng điều đáng nói là dù dẫn đầu nhưng Mỹ không "độc quyền" về hai mảng này, dẫn tới việc nhiều tổ chức phi chính phủ, như Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), có thể hoành hành như hiện nay.

Ngoài ra, công nghệ phát triển kết hợp với những cuộc khủng hoảng kinh tế và mất cân bằng xã hội đã và đang tạo ra một thế giới bất ổn và những chuyển biến rõ rệt về mặt địa chính trị.

Do đó, kể cả các cường quốc hùng mạnh là thế cũng không tài nào chuyển hóa quyền lực của mình thành những thành quả có lợi về mặt chính trị trên bàn đàm phán. Iraq, Afghanistan, Syria, Libya, Yemen và Ukraine là những ví dụ điển hình của sự "bất lực" này.

Kết quả là sự bùng nổ của hàng loạt các cuộc nội chiến và giao tranh khắp nơi trên thế giới, và bên chịu thiệt nhất không ai khác ngoài những người dân thường vô tội.

Cựu Cố vấn An ninh quốc gia Ấn độ
Shivshankar Menon
Qua đó có thể thấy, cán cân quyền lực ở thời điểm hiện tại đang được chia đều một cách khá rõ ràng. Điều này cũng dẫn đến cạnh tranh tầm ảnh hưởng về mặt địa chính trị khốc liệt hơn giữa các cường quốc.

Nhưng theo chuyên gia Menon, bản chất của những màn "đấu đá" này lại bị giới hạn bởi hai yếu tố quan trọng: thứ nhất là những mối quan tâm trong nước, và thứ hai là sự phụ thuộc lẫn nhau của các cường quốc này về mặt kinh tế.

Do đó, sự cạnh tranh diễn ra rõ ràng nhất ở ngoại vi những cường quốc không chấp nhận theo trật tự chính trị kiểu phương Tây, điển hình là Trung Quốc và Nga.

Gia tăng về cạnh tranh địa chính trị cũng thường chỉ diễn ra qua một bên thứ ba (Ukraine, Bắc Phi, Trung Đông) thay vì những màn đối đầu trực tiếp.

Vào thời điểm này, những màn "đấu đá" ở Biển Hoa Đông là cuộc cạnh tranh duy nhất có sự tham gia trực tiếp của hai cường quốc (Trung-Nhật).

Trung Quốc và Nhật Bản vẫn hục hặc xung quanh tranh cãi chủ quyền đảo Senkaku/Điếu Ngư. Ảnh: AP
Trung Quốc và Nhật Bản vẫn hục hặc xung quanh tranh cãi chủ quyền đảo Senkaku/Điếu Ngư. Ảnh: AP

Trong 10 năm trở lại đây, cạnh tranh và chạy đua vũ trang giữa các cường quốc cũng đã và đang được mở rộng ra đường biển, tại những khu vực mang theo nguồn lợi kinh tế năng lượng đáng kể.

Tuy nhiên, khả năng xảy ra chiến tranh theo đúng nghĩa giữa các cường quốc vẫn ở mức thấp. Giành thắng lợi trong một cuộc đại chiến giờ đây đã không còn là một thành tựu mang nhiều ý nghĩa đối với bất kì một cường quốc nào.

Hệ quả

Theo ông Menon, thế giới nên chuẩn bị sẵn tinh thần cho ba chuyển biến mới trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị leo thang giữa các cường quốc như hiện nay:

1. Các cuộc giao tranh sẽ còn tiếp diễn.

Các cường quốc tuy vẫn "ăn to nói lớn" nhưng không dám làm gì nhau và cũng không ai muốn tốn nhiều công sức tự mình giải quyết khủng hoảng nội bộ của nước khác. Do đó, những Libya hay Syria sẽ còn bất ổn.

2. Khả năng "thay đổi cục diện" của các cường quốc sẽ tiếp tục bị mai một.

Dù nhu cầu tái lập cân bằng địa chính trị tại Trung Đông hay thiết lập hệ thống an ninh tại Châu Á - Thái Bình Dương đang rất cấp thiết, nhưng nhiều khả năng sẽ không có một cường quốc hay nhóm cường quốc nào "dám" đứng ra nhận trách nhiệm này.

Cựu cố vấn an ninh quốc gia ấn độ
Shivshankar Menon
Trong các vấn đề quốc tế, mức độ hợp tác của các cường quốc đang ở mức thấp hơn bao giờ hết, thể hiện rõ nhất ở sự kém hiệu quả trông thấy của LHQ và các tổ chức đa phương khác.

Đối với các vấn đề ở tầm cao hơn như thay đổi khí hậu hay giao thương, các cường quốc hiện nay đang tập trung nhiều hơn vào những hiệp ước khu vực thay vì những giải pháp mang tính toàn cầu như các cường quốc khi xưa.

3. Các thế lực trong khu vực sẽ có nhiều "đất diễn" hơn

Do cán cân quyền lực đang được chia đều hơn giữa các quốc gia, khả năng áp đặt ảnh hưởng của một cường quốc lên các vấn đề nội bộ của một nước nhỏ hơn đang giảm đi thấy rõ.

Ví dụ như tình hình hiện tại ở Yemen hay Afghanistan, các cường quốc không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phụ thuộc vào các thế lực trong khu vực (Iran).

Khi không thể đi đến một thỏa hiệp giữa các thế lực trong khu vực như với trường hợp Syria, các cường quốc bất lực không thể áp đặt hướng đi của họ lên quốc gia Arab này.

Tóm lại, ông Menon kết luận, quan hệ giữa các cường quốc đã xấu đi trông thấy trong vài năm trở lại đây.

Tất nhiên quan hệ cũng chỉ có thể xấu đến một mức độ nào đó do những ràng buộc về quyền lợi kinh tế giữa các nước, nhưng nó cũng đủ để khiến những cường quốc này "chùn chân" không bỏ công sức tham gia vào các vấn đề cấp bách mang tính toàn cầu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại