Vụ "điều binh" xâm nhập Iraq làm ý đồ chiến lược của Ankara bị lộ

Hải Võ |

Một số cơ quan truyền thông châu Âu đánh giá động thái Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân xâm nhập lãnh thổ Iraq đang làm ý đồ của Ankara đối với khu vực Trung Đông bị lộ rõ.

Kênh Das Erste  (Đức) hôm 6/12 cho hay, tình hình Trung Đông đang diễn biến phức tạp bởi quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ "đóng băng", trong khi Ankara tiếp tục khiến người Iraq nổi giận.

Theo kênh truyền hình của Đức, bối cảnh lớn đằng sau các diễn biến này là một chiến lược ngoại giao mới của Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo đó, thái độ cứng rắn của Ankara trong thời gian qua chứng minh nước này có đủ tự tin để "cầm trịch" cục diện Trung Đông.

Động thái tranh giành ảnh hưởng với Nga cũng là diễn biến làm nóng thêm tình hình khu vực vốn đã phức tạp này.

Thứ trưởng Ngoại giao Iran Hossein Amir Abdollahian hôm mùng 6 đã cảnh cáo, việc Thổ Nhĩ Kỳ đưa binh sĩ tới miền Bắc Iraq sẽ ảnh hưởng tới tình hình an ninh.

Ông Amir chỉ trích, hành động này không giúp ích gì cho cuộc chiến chống lại chủ nghĩa khủng bố mà Ankara là thành viên trong liên minh do Mỹ đứng đầu, ngược lại sẽ tạo ra "những cơn địa chấn" đe dọa an ninh cả khu vực.

Quan chức này cảnh báo: "Yêu cầu các quốc gia khác cần phải trao đổi và thỏa thuận đầy đủ với chính phủ nước sở tại khi tấn công chủ nghĩa khủng bố, đồng thời phải được sự đồng ý của nước chủ nhà mới được phép hành động quân sự trong lãnh thổ nước đó."


Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu tuyên bố triển khai quân đến Iraq do được Bộ quốc phòng nước này mời, trong khi Iraq bác bỏ thông tin trên. (Ảnh minh họa: AFP)

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu tuyên bố triển khai quân đến Iraq do được Bộ quốc phòng nước này mời, trong khi Iraq bác bỏ thông tin trên. (Ảnh minh họa: AFP)

Ý đồ thực sự của Ankara tại Trung Đông là gì?

Trong khi đó, hãng tin RIA Novosti (Nga) dẫn lời Giám đốc Viện nghiên cứu các vấn đề Trung Đông Sata Malinowski đánh giá, trên thực tế, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan luôn có tham vọng "khôi phục đế quốc Ottoman".

Theo chuyên gia này, trong bối cảnh phức tạp ở Trung Đông những năm gần đây, Ankara đã gia nhập mặt trận phương Tây tấn công Lybia, đồng thời điều động quân đội đới Iraq và Syria.

"Erdogan luôn có tham vọng 'thu nạp' Iraq và Syria - những lãnh thổ từng bị đế quốc Ottoman - trở lại 'đế chế mới'. Do đó, Thổ Nhĩ Kỳ cần lợi dụng các nhóm khủng bố hoặc tận dụng mọi cơ hội khác nhằm lật đổ chính quyền địa phương," Malinowski nhận định.

Việc Thổ Nhĩ kỳ điều động quân đội tiến vào lãnh thổ Iraq cũng được cho là đẩy liên minh chống Nhà nước Hồi giáo (IS) rơi vào cục diện khó khăn hơn.

Động thái này có thể khiến Baghdad mất lòng tin đối với NATO và ngả về phía liên minh do Nga đứng đầu.

Chủ tịch Uỷ ban của Quốc hội Iraq về an ninh và quốc phòng Hakim Al Zamili mới đây tuyên bố: "Chúng tôi sắp tới có thể yêu cầu Nga can thiệp quân sự trực tiếp vào Iraq để đáp trả sự xâm lược và vi phạm chủ quyền quốc gia của Iraq từ phía Thổ Nhĩ Kỳ".

Trong khi đó, đại diện người Kurd mới đây cũng lên tiếng bác bỏ thông tin về "mối quan hệ hợp tác" với Ankara và cho phép Thổ Nhĩ Kỳ lập căn cứ quân sự ở Iraq.

Đại diện đảng Liên minh Yêu nước Kurdistan (PUK) Saadi Ahmed Pira cho hay: "Không hề có thỏa thuận nào với Thổ Nhĩ Kỳ về việc lập căn cứ quân sự ở Vùng tự trị Kurdistan, Iraq. Hiệp ước duy nhất được ký kết với liên minh quốc tế gồm 62 nước, trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, thỏa thuận không cho phép sự hiện diện của các căn cứ quân sự mà chỉ có hỗ trợ trên không và huấn luyện lực lượng người Kurd chống khủng bố."

Nhà phân tích của trang Inside Iraqi Politics
Kirk H. Sowell
Thổ Nhĩ Kỳ triển khai quân ở Iraq rất có thể sẽ làm dấy lên một cuộc chiến tranh và chấn động mới ở khu vực.

Hôm thứ Sáu (4/12), một số báo cáo cho thấy quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã triển khai khoảng 130-150 lĩnh tới khu vực phí Bắc tỉnh Nineveh, Iraq và tuyên bố động thái này nằm trong chương trình "hỗ trợ huấn luyện quân tình nguyện Peshmerga người Kurd".

Tuy nhiên, Ankara mới đây đã phải thông báo không tiếp tục đưa quân sang khu vực giáp với thành phố Mosul ở Iraq do IS kiểm soát, sau khi Baghdad đe dọa đưa vấn đề lên Hội đồng bảo an LHQ trong vòng 48 tiếng đồng hồ nếu Thổ Nhĩ Kỳ không rút quân.

Bộ ngoại giao Iraq trước đó cũng tuyên bố sự hiện diện của quân đội nước này là hành động thù địch, xâm phạm chủ quyền lãnh thổ Iraq.

Trong một diễn biến khác, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier đã tới Baghdad trong một chuyến thăm không công khai, hãng tin TASS (Nga) cho hay.

Ông Steinmeier đã bày tỏ sự ủng hộ đối với Iraq trong cuộc chiến chống lại IS. "Ổn định tình hình ở Iraq cũng quan trọng như việc tìm kiếm giải pháp chính trị tại Syria," Ngoại trưởng Đức cho hay.

Ông Frank-Walter Steinmeier dự kiến có cuộc gặp với Tổng thống Iraq Fuad Masum và Thủ tướng Haidar al-Abadi.

Quân đội Đức đã được Quốc hội Liên bang nước này phê chuẩn tham gia chiến dịch chống khủng bố ở Iraq và Syria hôm 4/12 vừa qua.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại