"[Israel] đã có lúc tiến hành các đợt không kích tại Syria để tránh nước này trở thành một mối đe dọa chống lại chúng tôi... cũng như để chặn đứng việc vận chuyển vũ khí sát thương từ Syria tới Lebanon" - Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu phát biểu hôm 1/12 tại Acre.
Theo đánh giá của tạp chí Trung Đông al-Monitor, đây là lần đầu tiên một quan chức chính phủ Israel, không những thế lại còn chính là Thủ tướng, công khai thừa nhận Israel có tham gia chiến dịch quân sự trên lãnh thổ Syria.
Trước đó, hôm 29/11, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Moshe Yaalon đã phát biểu trên sóng phát thanh nước này rằng một chiến đấu cơ Nga đã "vô tình" bay vào không phận Israel. Tuy nhiên sau khi nhận được cảnh báo từ phí Israel, máy bay này đã trở lại không phận Syria.
Theo Chủ tịch ủy ban Chính trị-Quân sự bộ Quốc phòng Israel, Thiếu tướng Amos Gilad, những lần "vi phạm chớp nhoáng" như vậy gần đây xảy ra khá thường xuyên.
Song trong tất cả mọi trường hợp, máy bay Nga sau khi nhận cảnh báo đều trở lại Syria và hoạt động bình thường.
Hiện nay, theo al-Monitor, tình hình quan hệ Nga-Thổ đang nóng lên trông thấy, với việc Tổng thống hai nước liên tục đấu khẩu trong thời gian qua. Cùng lúc đó, một vài diễn biến đáng nói khác cũng đang diễn ra tại biên giới không phận Syria-Israel cũng như Lebanon-Israel.
Tình hình dự kiến sẽ còn phức tạp hơn sau khi Nga điều "rồng lửa" S-400 tới Syria, với phạm vi hoạt động bao trọn cả khu vực, gần như bất kì máy bay Israel nào xuất kích cũng sẽ bị phát biện và bắn hạ nếu Nga muốn.
Tuy có nhiều diễn biến phức tạp như hiện nay, nhưng Nga-Israel vẫn đang "nhìn chung một hướng", ít nhất là cho tới thời điểm này. Hai bên chia sẻ quan điểm về tình hình Syria, cùng nhau phối hợp hành động, mỗi bên đều tôn trọng nhiệm vụ của bên còn lại.
Israel làm vậy đơn giản vì họ không còn lựa chọn nào khác; trong khi Nga làm vậy vì họ không muốn có thêm một kẻ địch trong chiến dịch của mình, chỉ Thổ Nhĩ Kỳ và các lực lượng khủng bố thôi đã là quá đủ rồi.
Hiểu rõ điều này, hai ông Netanyahu và Putin đã họp mặt bên lề COP21 tại Paris tuần trước. Theo một số quan chức tham gia cuộc họp, hai bên đã trao đổi một cách rất "hữu ích và thân thiện".
Tuy nhiên, vấn đề ở đây là đôi lúc, lợi ích của nước này sẽ "vướng" vào lợi ích của nước kia, Nga-Israel cũng không phải ngoại lệ.
Những gì có thể dẫn tới "va chạm"?
Trong khi phía Israel đánh giá cao sự can thiệp của Nga ở biên giới phía bắc nước này, họ cũng có không ít lo ngại. Theo al-Monitor, việc ông Netanyahu công khai thừa nhận Israel đã tiến hành không kích tại Syria không phải một cái gì đó ngẫu nhiên.
Dù có tiếng hay "lạc đề" trong các vấn đề an ninh, lần này gần như chắc chắn phát biểu của Thủ tướng Israel đã được chuẩn bị từ trước. Israel muốn hợp tác an ninh với Nga không chỉ trên không, mà còn cả trên bộ.
Trong nhiều lần đối thoại giữa hai bên, phía Israel đã nói rõ rằng, nếu bất kì hình thức trao đổi vũ khí nào có thể thay đổi cán cân quyền lực tại Trung Đông được thực hiện (ví dụ: Iran bán vũ khí cho Hezbollah qua Assad), Israel sẽ coi đó là hành động gây chiến.
Đến nay, mỗi khi Israel xác định đã có một cuộc trao đổi như vậy, họ lập tức tấn công. Nhưng nếu như Israel trước đây có thể thoải mái làm vậy tại Syria, thì nay, với sự xuất hiện của Nga, vấn đề trở nên phức tạp hơn nhiều.
Câu hỏi được đặt ra là chuyện gì sẽ xảy ra khi lần tới một chiếc máy bay Israel làm nhiệm vụ tiêu diệt những lô hàng vũ khí vận chuyển qua Syria, nhưng bị S-400 bắt tín hiệu qua radar? Đôi bên đều hi vọng mọi thứ sẽ diễn ra suôn sẻ, nhưng thực tế chưa chắc được như vậy.
"Đôi lúc, sự kiện trên chiến trường sẽ quyết định cách đáp trả về mặt chính trị, chứ không phải ngược lại" - al-Monitor viết.
Một quan chức an ninh cấp cao giấu tên của Israel đã nói về tình hình quan hệ Nga-Israel hiện nay như sau:
"Tình hình hiện đang hết sức phức tạp. Nga tới giúp trục Shiite, mối đe dọa số một trong mắt Israel, và như vậy rõ ràng những gì Nga làm đi trái với lợi ích quốc gia của Israel.
Tuy nhiên, Nga hiểu và thông cảm cho nhu cầu ngăn chặn vũ khí tới được tay Hezbollah của Israel. Hơn nữa, Putin cũng đang làm Erdogan yếu đi, điều đó cũng có lợi cho Israel.
Do đó, tình hình hiện nay rất nhạy cảm và có thể thay đổi bất cứ lúc nào. Kẻ địch và lợi ích mỗi bên trước đây đều được phân định rạch ròi. Nhưng nay, nhiều lúc một phe nào đó bắt buộc phải 'cùng hội cùng thuyền' với kẻ thù truyền kiếp vì những lợi ích giao thoa.
Vấn đề này không biết bắt nguồn từ đâu, và cũng chẳng rõ lúc nào sẽ khép lại" - ông viết.
Đấy là chưa kể đến những lợi ích về mặt kinh tế. Dù Israel và Thổ Nhĩ Kỳ ghét nhau ra mặt, thì hai nước này nhiều khả năng sẽ sớm bắt tay nhau trong lĩnh vực khí đốt.
Với việc dự án Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ đã bị Nga cắt đứt đàm phán sau vụ Su-24, Ankara đã ra tín hiệu họ muốn mua khí đốt của Israel. Một dự án lớn với sự hợp tác của Cyprus và có thể cả Hy Lạp, sẽ giúp Thổ Nhĩ Kỳ có một phương án B sau khi mất đi đối tác Nga.
Dự án này đã và đang được lãnh đạo các bên cân nhắc. Hôm 25/11 vừa qua, ông Netanyahu đã gặp Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras để thảo luận về chủ đề này. Nếu được khởi xướng, thì lợi ích quốc gia giữa các bên sẽ lại giao thoa phức tạp hơn.
Từ giờ đến lúc đó, quân đội Israel sẽ vẫn phải để mắt tới tình hình biên giới phía bắc. Từ trước đến nay, Israel vẫn chỉ tập trung vào cái mà họ gọi là "trục ma quỷ" Shiite-Alawite, cũng như khủng bố Sunni ở các khu vực lân cận.
Nhưng nay, một thế lực mới đã xuất hiện, một thế lực rất mạnh, có khả năng thay đổi luật chơi và cán cân quyền lực tại khu vực địa chính trị nhạy cảm nhất thế giới. Vấn đề là đối với Israel, họ vẫn chưa rõ liệu sự thay đổi này tốt xấu ra sao.