Việt Nam có ý nghĩa như thế nào với Tổng thống Obama?

Minh Thu |

Tổng thống Mỹ Barack Obama kỳ vọng Việt Nam sẽ trở thành một đối tác an ninh tiềm năng trong khu vực châu Á.

Cuộc hội đàm giữa Tổng Bí thư Đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Phòng Bầu Dục ở Nhà Trắng hôm 7/7, đã nhấn mạnh thêm nỗ lực của nhà lãnh đạo Mỹ nhằm thắt chặt hơn nữa mối quan hệ kinh tế và quân sự song phương.

Trong suốt 70 năm qua, 12 đời tổng thống đã có những nỗ lực thắt chặt quan hệ với Việt Nam.

Điển hình, cố Tổng thống Dwight Eisenhower đã phản đối việc tuyển lính Pháp tham gia trận đánh Điện Biên Phủ vào năm 1954.

Tiếp đó, cựu Tổng thống Bill Clinton còn tham gia các cuộc biểu tình phản đối chiến tranh và bãi bỏ quân dịch.

Khác với ông Obama, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nay đã 71 tuổi, là người đã chứng kiến tất cả các cuộc chiến và sự thay đổi ở Việt Nam.

Ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam khi Tổng thống Obama mới được 6 tuổi. Kể từ năm 2011, ông Nguyễn Phú Trọng nắm giữa chức Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam.

Do đó, Nhà Trắng hy vọng ông Nguyễn Phú Trọng sẽ là người kích thích quá trình mở rộng và thắt chặt hơn nữa các mối quan hệ hiện có giữa hai nước, cũng như tạo điều kiện cho nhiều sáng kiến hợp tác Việt – Mỹ ở nhiều lĩnh vực khác nhau.

Mỹ kỳ vọng Việt Nam sẽ là một đối tác an ninh tiềm năng trong khu vực khi mà hiện nay, cả Washington và Hà Nội cùng có mối quan ngại chung về những diễn biến phức tạp trên Biển Đông.

Ngoài ra, hai nước cũng đang tiến hành các cuộc đàm phán Hiệp ước thương mại Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

"Ông Obama là Tổng thống Mỹ đầu tiên trưởng thành sau thời chiến tranh Việt Nam.

Rõ ràng, nhận thức chính trị của ông ấy không bị ảnh hưởng từ những chính sách thời chiến", cố vấn chính trị lâu năm của Tổng thống Obama, ông David Axelrod chia sẻ với tờ National Journal.

Vào thời điểm cố Tổng thống Mỹ Dwight Eisenhower ra lệnh cử nhóm cố vấn quân sự đầu tiên đến Việt Nam thì ông Obama vẫn chưa được sinh ra.

Cho tới khi cậu bé Obama được 13 tuổi, những chiếc trực thăng cuối cùng của quân đội Mỹ đã ồ ạt tháo chạy khỏi Sài Gòn.

Ông Obama cũng đã dành một thời gian dài thời thơ ấu sống xa đất Mỹ. Vào năm 1967, lúc mới 6 tuổi, ông Obama sinh sống ở Indonesia. Tới khi 9 tuổi, ông tới sống ở Hawaii.

"Tôi còn quá nhỏ khi chiến tranh bùng nổ do đó, tôi không hiểu được đầy đủ bản chất của biến động xã hội Mỹ lúc bấy giờ.

Tuy nhiên, tôi luôn quan tâm tới những mối quan hệ kỳ lạ với Việt Nam trong thập niên 60", Tổng thống Mỹ chia sẻ trong cuốn sách "The Audacity of Hope" (tạm dịch: Hy vọng táo bạo).

Những mối quan tâm về Việt Nam được ông Obama thể hiện ngay cả trong chiến dịch tranh cử Tổng thống hồi năm 2008 và ngay cả khi ông đã vào Nhà Trắng.

"Ông Obama là Tổng thống đầu tiên không hề có những trải nghiệm cá nhân về chiến tranh nhưng về mặt chuyên môn, ông ấy lại liên quan tới chiến tranh Việt Nam 'một cách trực tiếp'", ông Marvin Kalb, nhà báo lâu năm làm việc tại CBS và NBC.

Ông Kalb đã nghiên cứu những ảnh hưởng của Việt Nam đối với các chính sách của Tổng thống Obama trong cuốn sách "Haunting Legacy: Vietnam and the American Presidency from Ford to Obama" (tạm dịch: Di sản ám ảnh: Việt Nam và các đời Tổng thống Mỹ từ Ford tới Obama).

Theo ông Kalb, mối quan tâm về Việt Nam được thể hiện ngay trong chuyến thăm năm 2008 của Tổng thống Obama tới Trung Đông cùng với Thượng nghị sĩ Jack Reed và Thượng nghị sĩ Chuck Hagel.

"Trên cả hành trình từ Căn cứ Không quân Andrews tới thành phố Kuwait, ông Obama đã có buổi nói chuyện như thể đây là một cuộc hội thảo về Việt Nam trong khi, chuyến thăm này là để bàn về vấn đề Afghanistan.

Cả hai thượng nghị sĩ cho rằng dường như, ông Obama đang đặt mọi tâm trí của mình để giải quyết vấn đề Việt Nam", ông Kalb chia sẻ với tờ National Journal.

Ông Obama muốn rút ra những bài học kinh nghiệm từ chiến tranh.

Do đó, trong cuộc hội đàm tại Phòng Bầu Dục, Tổng thống Mỹ đã tỏ ra khó chịu khi một số cố vấn lớn tuổi gạt bỏ nhắc về Việt Nam trong những cuộc thảo luận về chiến tranh Iraq và Afghanistan.

Ông Obama cũng loại bỏ những nghi vấn cho rằng việc điều động thêm quân tới Afghanistan cũng giống như việc cố Tổng thống Lyndon B. Johnson leo thang chiến tranh ở Việt Nam.

Tổng thống Mỹ cũng đã lên tiếng chỉ trích những lập luận cho rằng cuộc chiến ở Afghanistan và Việt Nam là giống nhau.

Ông Obama nhấn mạnh: "những mối đe dọa mà nước Mỹ đang phải đối mặt là rất lớn, đa dạng và nguy cơ tàn phá khủng khiếp".

Trong bài phỏng vấn trên tờ The New York Times và CNBC hồi năm 2009, ông Obama khẳng định: "Afghanistan không phải là Việt Nam".

Quan điểm này đã giải thích được nhiều điều tác động tới các chính sách hiện thời của Tổng thống Obama.

"Ông Obama từ chối những cam kết liên quan tới việc điều động các lực lượng quân sự Mỹ tới bất cứ vùng đất nào trên thế giới bởi nhà lãnh đạo Mỹ muốn chứng minh rằng các chính sách đang được thi hành hoàn toàn khác với những gì từng xảy ra ở Việt Nam", ông Kalb nói thêm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại