Vì sao Trung Quốc bất chấp rủi ro để "giải cứu" nước Nga?

Trần Hoà |

Moscow đang hứng chịu những lệnh trừng phạt khắc nghiệt từ Mỹ và các nước phương Tây. Là một quốc gia có lượng vốn đầu tư khổng lồ tại Nga, nền kinh tế Trung Quốc bị đánh giá là sẽ "sa lầy" cùng nước này. Vậy điều gì đã khiến Bắc Kinh không chùn bước trước những hành động "giải cứu" nước Nga?

Đầu tư nhiều vào Nga, Trung Quốc sẵn sàng chấp nhận rủi ro

Bài phân tích của nhà nghiên cứu Đinh Nhất Phàm được đăng trên Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) sáng 11/11 cho biết, việc Mỹ và các nước phương Tây đẩy mạnh trừng phạt Nga và giá năng lượng quốc tế giảm mạnh đã khiến hệ thống tài chính của nước này đối diện muôn vàn khó khăn. Hiện tượng vốn đầu tư "chảy máu" ra nước ngoài dẫn đến đồng rúp Nga bị trượt giá. Mặt khác, giá dầu sụt giảm cũng khiến nguồn thu từ thuế của chính phủ Nga bị giảm theo.

Trong bối cảnh như vậy, việc Trung Quốc đầu tư vào Nga đã trở thành tiêu điểm của dư luận quốc tế. Thời báo Hoàn Cầu dẫn một số bình luận, nói rằng Trung Quốc đang có rất nhiều dự án đầu tư tại Nga, đồng thời sở hữu lượng lớn trái phiếu, tài sản hoán đổi...

Theo ông Đinh, trong tình hình hiện nay của nền kinh tế Nga, thì chính phủ và các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ phải chấp nhận rủi ro khi đầu tư vào quốc gia này. Nếu như các hạng mục đầu tư của Trung Quốc tại Nga bị "lỗ vốn" thì sẽ dẫn tới nguy cơ "ảnh hưởng ngược" đến an ninh cơ cấu tài chính của Trung Quốc, thậm chí có thể kéo theo khủng hoảng mang tính hệ thống.

Học giả Đinh Nhất Phàm là chuyên viên nghiên cứu của Viện nghiên cứu phát triển thế giới, thuộc Trung tâm nghiên cứu phát triển Quốc vụ viện Trung Quốc.

Lý do Bắc Kinh bất chấp rủi ro để "cứu" Nga?

Bất kể đầu tư nào đều tồn tại rủi ro, trong đó đầu tư quốc tế có những rủi ro đặc thù như rủi ro chính trị, giá cả, ràng buộc hợp đồng... Tuy nhiên, bên cạnh những rủi ro, việc đầu tư càng nên chú trọng đến lợi ích chiến lược - Ông Đinh Nhất Phàm đánh giá.

Nga là đối tác hợp tác chiến lược của Trung Quốc. Hiện tại, Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều áp lực từ cục diện quốc tế, và nước này cần một đối tác chiến lược ổn định để giảm bớt gánh nặng. Hoàn Cầu nhận định, nói theo cách khác, việc Trung Quốc giúp đỡ Nga trong thời điểm này, thực chất cũng là "giúp chính mình".

Theo ông Đinh, đến thời điểm kinh tế Nga hồi phục và nền kinh tế toàn cầu trở lại quỹ đạo tăng trưởng, khi đó giá cả năng lượng cũng sẽ tăng và đi kèm theo đó là lợi nhuận của các nhà đầu tư Trung Quốc tại Nga.

Đinh Nhất Phàm cũng khẳng định, Trung Quốc đã trở thành một phần quan trọng của nền kinh tế thế giới và cho rằng những quyết định của họ có thể "bẻ lái" diễn biến của các vấn đề quốc tế.

Hoàn Cầu cho hay, hiện Trung Quốc có hơn 4000 tỷ USD dự trữ ngoại hối, và việc Bắc Kinh sẽ "rót tiền" vào đâu đều có khả năng ảnh hưởng đến thị trường toàn cầu. Các nhà nghiên cứu của nước này tự tin rằng khoản dự trữ ngoại hối trên là "gói cứu trợ" đảm bảo được mức độ an toàn cao đối với toàn hệ thống tài chính Trung Quốc.

Nhiều học giả Trung Quốc cũng đồng tình với quan điểm của ông Đinh rằng, giúp đỡ Nga chính là giúp Trung Quốc. Khi nước Nga là "hậu phương chiến lược lớn", Trung Quốc mới có thể ổn định.

Ông Đinh phân tích, nếu Bắc Kinh "bỏ rơi" Moscow trước sự trừng phạt của Mỹ và phương Tây, khiến cho tình hình nước Nga diễn biến xấu, thì vị thế của Trung Quốc trên trường quốc tế cũng sẽ rơi vào tình cảnh không mấy tốt đẹp. Tuy nhiên, nếu Trung Quốc hợp tác với Nga trong lúc này, thì điều Bắc Kinh sẽ nhận được là một đối tác cung cấp năng lượng và tài nguyên đáng tin cậy, thậm chí là điểm tựa cho các chiến lược quân sự của nước này. Với một "giao dịch" đầy tiềm năng như vậy, Trung Quốc sẽ không đơn thuần chỉ nhìn vào "lời lỗ" trong các vụ đầu tư của mình nữa - ông Đinh Nhất Phàm kết luận.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại