Phần 1: Vì sao người Duy Ngô Nhĩ trở thành nỗi ám ảnh khủng bố?
"Giàu hơn người giàu nhất" và "nghèo hơn người nghèo nhất"
Nhân tố thứ ba, điều kiện kinh tế xã hội nội tại ở khu vực Duy Ngô Nhĩ (phía Nam Tân Cương) làm nảy sinh sự bất bình xã hội mạnh mẽ vì bất bình đẳng khu vực. Cảm giác bị tước đoạt về điều kiện kinh tế xã hội không chỉ củng cố thêm bản sắc của dân tộc Duy Ngô Nhĩ mà còn làm nảy sinh xu hướng thù địch chống lại sự cai trị của người Hán.
Trong số 31 đơn vị hành chính ở Trung Quốc, Tân Cương xếp thứ 18 về GDP trên đầu người vào năm 2012, thấp hơn khoảng 700 USD so với mức trung bình cả nước.
Tuy nhiên, Tân Cương không phải là tệ nhất. Có 13 đơn vị hành chính xếp sau Tân Cương và dù một số tỉnh được sở hữu môi trường tự nhiên thuận lợi hơn cũng không vượt qua được Tân Cương.
Nếu chúng ta chỉ đánh giá vấn đề mất cân bằng khu vực dựa trên các thống kê cấp tỉnh, thì điều kiện kinh tế xã hội ở Tân Cương gần với nhóm trung bình hơn là nhóm yếu.
Nhưng nếu xem xét thống kê về GDP của 20 đơn vị hành chính cấp thành phố ở Tân Cương, chúng ta thấy một sự khác biệt rất lớn trong nội bộ tỉnh này.
Các khu vực của người Duy Ngô Nhĩ như Hòa Điền, Khắc Tư Lặc Tô và Khách Thập hiện đang phải chịu tình trạng cực kỳ kém phát triển và có các điều kiện kinh tế bết bát. Thậm chí so với một tỉnh nghèo nhất là Quý Châu thì GDP trên đầu người các khu vực này còn thấp hơn khoảng 1.000 – 2.000 USD.
Trong khi đó, thành phố giàu có nhất Khắc Lạp Mã Y có chỉ số GDP trên đầu người cao hơn cả thành phố cấp tỉnh phát triển nhất của Trung Quốc là Thiên Tân đến 6.639 USD.
Trên thực tế, sự bất bình đẳng khu vực giữa Bắc và Nam Tân Cương là rất lớn: Bắc Tân Cương chỉ có 1/3 đất đai và 54% dân số tỉnh này sinh sống nhưng đầu tư cố định của khu vực này chiếm 74,8%, GDP chiếm 76% và sản xuất công nghiệp chiếm 78,8% toàn tỉnh.
Tất cả các con số này minh chứng cho một thực tế đáng ngạc nhiên rằng đa số người Hán sống ở Bắc Tân Cương và hưởng điều kiện sống tốt hơn nhiều so với đa số người Duy Ngô Nhĩ ở Nam Tân Cương.
Điều này giải thích tại sao hầu hết các vụ tấn công gần đây tập trung ở miền Nam, đặc biệt là ở Khách Thập và Hòa Điền.
Sự thách thức của các hoạt động tôn giáo "chui"
Thứ tư, tình trạng các trường học Hồi giáo “chui” mọc lên nhiều năm gần đây và việc chính quyền trung ương không còn kiểm soát hiệu quả tất cả các nhóm tôn giáo trong việc tổ chức mạng lưới và truyền đạo như trước nữa đã thách thức chính phủ Trung Quốc, vì nhiều nhóm tôn giáo có sức mạnh để hành động tập thể vượt ra ngoài tầm kiểm soát của nhà nước.
Trước khi nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa thành lập năm 1949, có hơn 20.000 đền thờ Hồi giáo ở Tân Cương. Con số này đã giảm xuống còn chưa đến 500 ngôi đền trong thời Cách mạng Văn hóa.
Đến những năm 1980 -2000, số lượng các ngôi đền này tăng trở lại nhanh chóng. Xu hướng này vẫn đang tiếp diễn, và các số liệu thống kê cho thấy một tốc độ rất đáng ngạc nhiên là hơn 10.000 ngôi đền đã được xây mới chỉ trong 5 năm.
Thực tế này minh chứng rõ nét cho sự nổi lên của tôn giáo gần đây trong người dân Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, điều này cũng dẫn tới một hiện tượng đáng ghi nhận khác: Sự “nở rộ” các ngôi trường Hồi giáo “chui”.
Tại Trung Quốc, tất cả các hoạt động tôn giáo đều được quản lý và điều chỉnh ở cấp trung ương, do cơ quan về các vấn đề tôn giáo phụ trách, bao gồm việc xây dựng các nơi thờ tế chính thức (đền thờ, nhà thờ, đền đài, miếu mạo...), đào tạo giới tăng lữ tôn giáo, quản lý các hoạt động tôn giáo như đăng ký thành viên, tổ chức dịch vụ và công nhận người thuyết pháp.
Tuy nhiên, gần đây, các hoạt động tôn giáo "chui" của người Duy Ngô Nhĩ phát triển mạnh mẽ. Các tổ chức tôn giáo không chính thức rất có khả năng thu hút môn đồ và xây dựng sức mạnh tập thể thông qua việc thuyết giáo chui.
Số lượng kỷ lục các “sự cố bạo lực” gần đây cho thấy nhiều vụ tấn công có liên quan tới các tổ chức và mạng lưới chui này, và giờ đây chúng đã trở thành mục tiêu chính trong các đợt trấn áp của chính quyền.
(Còn tiếp)