Chỉ trong tháng 12/2013, tại Tân Cương đã xảy ra liên tiếp 2 vụ bạo loạn nghiêm trọng. Ngày 30/12/2013, tại huyện Shache, đồn cảnh sát huyện bị 9 người Duy Ngô Nhĩ tấn công. 8 kẻ tình nghi bị cảnh sát bắn chết, đối tượng còn lại bị bắt giữ.
Ngày 15/12/2013, tại huyện Shufu, cảnh sát bị tấn công bằng một thiết bị phá nổ và dao khi bắt giữ những kẻ tình nghi. Hai cảnh sát thiệt mạng. 14 kẻ tình nghi bị bắn chết và 8 đối tượng bị bắt giữ.
Mới đầu tháng 3 vừa qua, vụ tấn công đẫm máu tại nhà ga Côn Minh khiến ít nhất 29 người chết, hơn 100 người bị thương cũng được cho là do người Duy Ngô Nhĩ thực hiện.
Khi xảy ra vụ máy bay Malaysia mất tích bí ẩn ở Biển Đông, dư luận cũng đặt ra giả thuyết về một vụ khủng bố khi báo chí đưa tin trên máy bay có thể có hành khách người Duy Ngô Nhĩ.
Vậy nguyên nhân nào đã khiến Tân Cương trở thành điểm nóng và người Duy Ngô Nhĩ trở thành những trở thành nỗi ám ảnh sợ hãi, gắn với các nguy cơ khủng bố.
Theo nghiên cứu của Raymond Lee, chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc đăng trên chuyên trang của hãng thông tấn Al Jazeera thì có 5 nguyên nhân như vậy:
Tân Cương, điểm nóng của các vụ giết người
Thứ nhất, Trung Quốc là một xã hội đang thay đổi vì quá trình hiện đại hóa quá nhanh của chính mình. Sự gia tăng theo cấp số nhân của các vấn đề xã hội đã gây ra những rủi ro về an ninh trên diện rộng. “Các vụ tấn công bạo lực” và “các hành động khủng bố” cực đoan cũng đã gia tăng đáng kể trong thời gian gần đây. Sự leo thang của “các vụ tấn công bạo lực” ở Tân Cương là minh chứng cho xu hướng này.
Từ khi Đặng Tiểu Bình áp dụng chính sách cải cách và mở cửa năm 1978, Trung Quốc đã đi theo một quá trình hiện đại hóa nhanh.
Hiện đại hóa nhanh của Trung Quốc cũng được thể hiện trong sự phát triển đô thị nhanh chóng. Trung Quốc đã tăng gấp đôi tốc độ đô thị hóa từ 25,8% năm 1989 lên 51,8% năm 2012, và Tân Cương cũng trải qua một xu thế tương tự về tăng trưởng kinh tế mạnh và phát triển đô thị nhanh trong những năm gần đây. Điều này cho thấy xã hội Trung Quốc nói chung và Tân Cương nói riêng đều trải qua những thay đổi lớn kéo theo nhiều vấn đề xã hội.
Theo Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, số trường hợp tội phạm ở nước này đã tăng 4 lần, từ 1,62 triệu vụ năm 1995 lên 6,55 triệu vụ vào năm 2012, cho thấy sự gia tăng các vấn đề xã hội dưới mọi dạng thức.
Tuy nhiên, nếu chúng ta xem các trường hợp phạm tội nghiêm trọng (như giết người, xúc phạm thanh danh, trộm cướp, cưỡng hiếp, bắt cóc) thì xu hướng gia tăng này không rõ rệt. Điều này khiến người ta hoài nghi về việc, phải chăng sự gia tăng các vấn đề xã hội đã dẫn tới các hiểm họa về an ninh lớn như chúng ta đã thấy ở Tân Cương?
Đáng tiếc là Trung Quốc đã không công bố số liệu cấp tỉnh về tỷ lệ phạm tội, và vì vậy rất khó đánh giá liệu Tân Cương có xu hướng giống như thống kê trên cả nước hay không. Tuy nhiên, số liệu thống kê nội bộ cho thấy Tân Cương có tỷ lệ giết người cao hơn nhiều tỉnh khác ở Trung Quốc, chỉ thua các tỉnh phía Đông Bắc và tỉnh Quảng Đông trong những năm 2000-2009.
Bằng chứng này phần nào giúp giải thích rằng bạo động gần đây ở Tân Cương có liên quan đến các vấn đề xã hội đang bùng phát trong cái xã hội đang thay đổi dưới tác động của hiện đại hóa nhanh ở Trung Quốc.
Hiện trường vụ tấn công đẫm máu ở nhà ga Côn Minh khiến hơn 100 người thương vong
Nỗi bất mãn bị dồn nén của người Duy Ngô Nhĩ
Thứ hai là số lượng và quy mô “các vụ bạo lực” tại Tân Cương gần đây ở mức cao nhất so với các tỉnh khác trên cả nước. Mức độ nghiêm trọng của các vụ tấn công ở Tân Cương được gắn với tình trạng chia rẽ xã hội đến mức thảm họa xuất phát từ chiến lược Phát triển miền Tây Trung Quốc của Bắc Kinh, một chính sách vấp phải khá nhiều chỉ trích.
Các đầu tư lớn của Bắc Kinh vào Tân Cương đã giúp tăng đáng kể GDP của địa phương này. Nhưng chỉ một số ít người được hưởng lợi từ sự thịnh vượng kinh tế này trong khi nhiều người lại phải chịu các hậu quả của quá trình công nghiệp hóa và phát triển.
Ví dụ, tăng trưởng trong các lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ đã không góp phần nhiều cho mục tiêu giảm nạn thất nghiệp. Ô nhiễm do sự xuống cấp nghiêm trọng của môi trường liên quan đến chất lượng nước, đất và không khí đe dọa sản xuất nông nghiệp. Tăng trưởng kinh tế nhanh đẩy giá cả hàng hóa tăng vọt và điều này khiến lợi nhuận của nông dân giảm sút.
Rất ít thành quả kinh tế, như thuế hay tiền đề bù, được tái phân bổ cho người dân để cải thiện đời sống của họ. Phát triển cơ sở hạ tầng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp lớn bước vào các thị trường nhưng lại đẩy các công ty địa phương ra khỏi thương trường.
Tất cả các vấn đề nói trên có thể gói gọn lại là mức sống bị xuống cấp, trái ngược với sự bùng nổ kinh tế lừa đảo. Sự bất mãn trong dân chúng và những lời than phiền nhanh chóng gia tăng.
Người Duy Ngô Nhĩ tại Trung Quốc có khoảng 10 triệu người, và 80% số dân này sống tại miền Nam Tân Cương. Hầu hết người Duy Ngô Nhĩ là nông dân và ít học, vì vậy họ có ít cơ hội việc làm.
Trong khi nhiều doanh nghiệp lớn đổ tới Tân Cương đầu tư, hầu hết trong số này tuyển dụng nhân công từ các tỉnh khác và chỉ tạo cho người dân địa phương một số lượng rất hạn chế những công việc không đòi hỏi kiến thức chuyên môn.
Tình trạng chia rẽ xã hội gắn với việc khai thác đất đai, tình trạng thiếu việc làm ở nông thôn, nạn tham nhũng trong chính quyền địa phương, và cảm giác thất vọng vì bị gạt ra ngoài lề xã hội, định kiến sắc tộc, và không hiểu văn hóa,... tất cả làm gia tăng cảm nhận tiêu cực của người Duy Ngô Nhĩ về chính sách Phát triển miền Tây Trung Quốc.
Sự giận dữ được tích tụ đã chuyển thành vô vàn những lời than phiền đối với các chính sách của chính phủ và trở thành sự đè nén về mặt tình cảm, giải thích cho động cơ của nhiều vụ bạo loạn gần đây.
(Còn tiếp)