Tuy truyền hình hay radio hàng ngày vẫn phát sóng những bài diễn văn và phát biểu quan trọng của các nhà lãnh đạo, chúng thường chỉ xuất hiện sau khi phần lớn người dân đã biết đến nội dung sự việc qua một phương tiện thông tin đại chúng khác.
Đó chính là mạng xã hội. Không đơn thuần chỉ là phương tiện giao lưu của người dân, Twitter hay Facebook giờ đã và đang trở thành công cụ không thể thiếu trong công tác đối nội cũng như đối ngoại của nhiều nguyên thủ quốc gia trên thế giới.
Theo số liệu của trang thống kê Digital Policy Council, cứ 5 vị lãnh đạo thì có 4 người hiện đang sử dụng mạng xã hội. Với ưu điểm rõ rệt là chuyển tải thông tin nhanh chóng và cập nhật, loại hình này hứa hẹn sẽ tiếp tục được lãnh đạo các nước sử dụng rộng rãi.
Tầm ảnh hưởng lớn nhất
Với việc cả Twitter lẫn Facebook đều có xuất xứ từ Mỹ, không lấy gì làm ngạc nhiên khi Tổng thống Barack Obama hiện dẫn đầu danh sách các nguyên thủ quốc gia có lượng người theo dõi (follower) cao nhất thế giới.
Tính đến thời điểm xuất bản bài viết, tài khoản Twitter của Tổng thống Mỹ đã có hơn 53 triệu người theo dõi, hơn nhiều lần so với con số đó của người đứng thứ hai là Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (9,5 triệu).
Tầm ảnh hưởng của Obama trên mạng xã hội không chỉ được thể hiện khi ông đã trở thành ông chủ Nhà Trắng.
Trong quá trình vận động tranh cử, nhiều nhà phân tích cho rằng việc Obama vượt qua John McCain (2008) và đánh bại Mitt Romney (2012) đều nhờ công rất lớn của mạng xã hội.
Sau khi đắc cử Tổng thống nhiệm kì thứ hai vào tháng 11/2012, ông Obama đã cho đăng tải một "tweet" với nội dung "Thêm bốn năm nữa".
Tweet này hiện đứng thứ hai trong danh sách những tweet có lượng chia sẻ (retweet) cao nhất mọi thời đại, với 757.646 lượt.
Tweet từng giữ kỉ lục về lượng chia sẻ (retweet) của Tổng thống Obama, trước khi bị bức selfie của Ellen DeGeneres với dàn sao Hollywood "soán ngôi" vào tháng 3 năm ngoái.
Bộ phận truyền thông của ông Obama có trách nhiệm cập nhật tài khoản Facebook và Twitter của Tổng thống Mỹ. Ngoài ra, ông đôi lúc cũng tự mình "post" hoặc "tweet" nếu cảm thấy phù hợp.
"Chăm online" nhất
Nếu như Tổng thống Mỹ đứng đầu danh sách theo dõi, thì người đồng nhiệm của ông ở nước láng giềng Mexico, ông Enrique Peña Nieto, là vị lãnh đạo năng động nhất trên mạng xã hội, với trung bình 78 lượt tweet mỗi ngày.
Bảng xếp hạng những nhà lãnh đạo "chăm" sử dụng Twitter nhất theo thống kê của Twiplomacy vào giữa năm 2014.
Đáng chú ý là cả 5 nhà lãnh đạo cập nhật mạng xã hội thường xuyên nhất đều đến từ các nước Mỹ Latin.
Trong đó ngoài Mexico còn có Tổng thống Cộng hòa Dominica Danilo Medina, Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos, và Ngoại trưởng Venezuela Rafael Ramirez.
Thành công từ mạng xã hội
Ở Trung Quốc, tuy Chủ tịch Tập Cận Bình cũng như phần lớn các cán bộ cấp cao không trực tiếp sử dụng mạng xã hội, nhưng phương tiện này vẫn đóng một vai trò quan trọng trong hệ thống chính trị, đặc biệt là chiến dịch chống tham nhũng của nước này.
Tân Hoa Xã đã từng có bài viết khẳng định mạng xã hội là "một thứ vũ khí sắc bén trong chiến dịch chống tham nhũng", đồng thời kêu gọi các nhà điều tra chú tâm đến thông tin từ phương tiện này, đặc biệt là Weibo (một dạng Twitter phiên bản Trung Quốc).
Chính Tập Cận Bình cũng nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của mạng xã hội, qua những bài phát biểu khuyến khích dân chúng tung bằng chứng tố cáo các quan chức tham nhũng lên Weibo.
Từ khi chiến dịch "Đả hổ đập ruồi" được khởi xướng, đã có không ít các phi vụ tai tiếng của quan chức Trung Quốc bị phanh phui từ những thông tin có được trên mạng xã hội.
Đâu đó cũng xuất hiện một số trường hợp ngụy tạo bằng chứng khiến quan chức bị bắt oan, nhưng nhìn chung không thể phủ nhận những ảnh hưởng tích cực mà mạng xã hội đã và đang mang lại cho chiến dịch càn quét tham nhũng của ông Tập.
Tuy vẫn kiểm soát chặt chẽ nội dung thông tin lưu hành trên internet, Tập Cận Bình có thể được coi là nhà lãnh đạo Trung Quốc đầu tiên từ trước đến nay nhận ra và tận dụng được những ưu điểm của mạng xã hội trong công tác điều hành đất nước.